Khi "Bất hạnh là một tài sản"

Cập nhật, 09:25, Chủ Nhật, 06/09/2020 (GMT+7)

 

Quyển sách “Về nhà” trong bộ “Bất hạnh là một tài sản”.
Quyển sách “Về nhà” trong bộ “Bất hạnh là một tài sản”.

Trong những ngày chông chênh nhất của tuổi trẻ, tôi ngấu nghiến bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” của Phan Việt để xem mình… đỡ bất hạnh hơn không.

Mê mẩn những quyển sách du ký, tôi tình cờ biết đến Phan Việt qua “Một mình ở Châu Âu” và “Xuyên Mỹ”. Những quyển du ký thường vui vẻ với đầy những trải nghiệm thú vị, mới lạ nhưng hai quyển này lại nằm trong bộ sách mang nỗi buồn vui kỳ lạ mang tên “Bất hạnh là một tài sản” với kết thúc là quyển “Về nhà”.

Đây không phải là bộ nhật ký hành trình với những câu chữ đẹp đẽ, hoa mỹ, văn thơ mà là nhật ký cảm xúc đi qua một đoạn đường của cuộc sống được tác giả hoàn thiện thành sách với mục đích viết cho chính mình và viết để sẻ chia với mọi người.

“Một mình ở Châu Âu” tập hợp những ghi chép rời rạc vào mùa hè 2008 khi Phan Việt đi Châu Âu một mình trong một tháng. Tác giả an ủi, trấn an mình hạnh phúc là khi có thể một mình tận hưởng những trải nghiệm ở trời Âu.

Ở “Xuyên Mỹ” khi chị quay lại cuộc sống thường nhật, quyết định ly hôn và bế tắc, đau khổ không biết đâu là đường đi kế tiếp thì “Về nhà” là đích đến của an yên, chạm đến trái tim độc giả từ tình yêu thương rất dung dị mà sâu lắng của Phan Việt với con người và cảnh vật Hà Nội đến những câu hỏi, cách thức tiếp cận và cái nhìn đối với Phật giáo rất riêng, rất “khoa học” theo hướng của giới trí thức.

Trong một ngày muốn buông xuôi tất cả, lòng oán hận, sân si, nóng nảy như lên tới đỉnh điểm, chị có thể kể với giọng văn thật bình thản, thật dịu dàng, chị “Về nhà” sau khi nói lời tạm biệt một người mình yêu thương nhất trong cuộc đời.

Phan Việt nhìn mọi sự dưới góc nhìn trí thức, văn minh, khách quan, nhưng vẫn đầy bình yên, dịu dàng, lãng mạn; không lười nhác, không chấp nhận, không ngừng đặt câu hỏi về những điều quan trọng trong cuộc sống này.

Chị kể những mẩu chuyện về cái duyên của các sư thầy đã đến với con đường tu tập như thế nào, về những định nghĩa mới trong chị về nhân quả và việc chị kết nối giữa giảng dạy, nghiên cứu công việc của mình với một hành trình dài khám phá sự hạnh phúc của bản thân.

Đọc sách của chị, độc giả lắm lúc cười như một đứa trẻ, lúc giật thót với những ám ảnh của quá khứ, lúc có thể khóc ngon lành vì bắt gặp những bất hạnh của chính mình trong từng câu chữ.

Qua bộ sách, thông điệp mạnh mẽ nhất là định nghĩa hạnh phúc dành cho những ai đang cảm thấy mình bất hạnh. Bất hạnh, biến cố, khó khăn là điều không ai muốn trải qua, nhưng những đau khổ đó là điều giúp cho ta nhận ra con đường đi đến hạnh phúc thật sự trong mỗi trải nghiệm của mỗi người.

Đơn giản là chỉ dành nguyên một ngày ngồi viết và đọc ở hiệu sách Barns and Nobles hay Borders tại nước Mỹ xa xôi. “Dang hai tay, thả hết những gì đang nắm trong đó. Dừng bặt sắp xếp. Bỏ hết mọi tổ chức, mong cầu. Cứ thế, cứ thế…” để thấy bất hạnh cũng là một tài sản.

Là một tài năng được phát hiện trong cuộc thi “Văn học tuổi 20”, Phan Việt là tác giả của nhiều đầu sách thu hút người đọc: “Phù phiếm truyện”; “Nước Mỹ, nước Mỹ”; “Tiếng người”; “Bất hạnh là một tài sản”. Phan Việt cũng chính là người đồng sáng lập tủ sách dịch “Cánh cửa mở rộng” của NXB Trẻ cùng nhà toán học Ngô Bảo Châu. Công việc chuyên môn hoàn toàn nằm ngoài văn chương, Phan Việt là Phó Giáo sư giảng dạy tại ĐH ở Mỹ nhưng chị đã cầm bút không ngừng nghỉ. Phan Việt là một trong những tác giả nữ đáng đọc nhất hiện nay của văn học Việt Nam đương đại về kỹ năng viết, sự trải nghiệm, tìm tòi, ý thức làm nghề chuyên nghiệp…

 

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ