Truyện ngắn: Người khách lạ

Cập nhật, 08:57, Chủ Nhật, 26/05/2019 (GMT+7)

NGUYÊN THUẦN

Dẹp xong các ly tách cà phê cuối cùng của khách quen buổi sáng, tôi nhìn đồng hồ. Chỉ mới 8 giờ 30 phút, vậy mà ngoài trời vẫn chưa có nắng, sương vẫn lãng đãng giăng giăng phủ mờ trên cầu Cái Vồn Nhỏ, không gian lành lạnh của những ngày giữa mùa đông. Tôi chặc lưỡi nghĩ thầm: Hôm nay đã gần hết tháng mười một rồi còn gì! Tết đến bây giờ!

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Miệng lẩm bẩm, tay tôi vẫn thoăn thoắt quét dọn cho xong. Quán nhỏ, nằm hơi khuất dưới chân cầu nhưng nhờ hàng xóm thân tình nên tôi vẫn có khách quen uống buổi sáng và tối là khách trung niên nhâm nhi ly cà phê đen hay ly sữa nóng thơm lừng.

Họ vừa thưởng thức hương vị của ly cà phê vừa xem phim bộ kiếm hiệp Hồng Công mà tối nào tôi cũng chiếu cho khách xem theo khung giờ như đã quy định: từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30 phút tối.

Vậy đó, dù quán nhỏ nhưng tôi cũng tạo ra được một không gian khá thoáng mát, sạch sẽ với chiếc cầu thang nhỏ hơn mười nấc sơn màu trắng để khách đi từ đường dân sinh bước xuống quán, chính giữa là vườn cây nhỏ để che không để nắng buổi chiều hắt xuống quán, bên trái là đường xe chạy xuống quán, nếu là khách đi xe hon da. Khách vừa bước đến phần tiếp giáp, có lẽ sẽ hài lòng vì đôi bên trước cửa quán lại là hàng cây xanh tươi tốt.

Dưới mấy gốc cau Đài Loan là hai chum nước nhỏ bèo hoa dâu xanh um, cá bảy màu bơi lượn như cười thách thức chú mèo vàng làm bằng sứ đang mở cặp mắt to long lanh thèm thuồng nhìn lũ cá ấy... Quán Sông Quê của tôi đấy các bạn ạ!

Những hôm được nghỉ buổi sáng, không có giờ lên lớp, tôi thường mở nhạc trữ tình vừa dọn dẹp vừa thưởng thức. Nếu có nhiều bài “ruột” thì ngơ ngẩn đứng hay ngồi thừ ra trên ghế đá nghe hết bài mới sực tỉnh cơn mê nhạc rồi tự ngượng ngùng, mỉm cười làm nốt công việc. Cái máu yêu nhạc nó là vậy, nhạc nó cứ quấn lấy mình như ta đang nhớ người yêu, cứ nghe, cứ thổn thức, cứ nghẹn ngào, sâu lắng.

Cũng gần đến ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), tôi chuyển sang thích nghe nhạc đỏ- nhạc viết về người lính, về cách mạng.

Bài hát “Nhánh lan rừng” tha thiết, trữ tình vừa vang lên những câu hát cuối cùng, đầu óc mê nhạc của tôi còn đang lâng lâng với hình ảnh anh bộ đội về thăm thành phố, thăm người yêu với nhánh lan rừng trên ba lô thì bài hát “Màu hoa đỏ” lại vút lên “Có người lính ra đi từ mái tranh nghèo…” Lòng tôi lại thổn thức, nghẹn ngào khi nghe đến đoạn “Việt Nam ơi! Việt Nam!...”

Hình ảnh anh ngã xuống, với màu hoa đỏ, người mẹ già ngóng tin con… Ôi trời ơi! Nghe mà xúc động đến dâng trào nước mắt!

- Làm cho chị một ly phê đá ít đường đi em!

Tôi giật mình, nhìn ra ghế đá, vội gật đầu với vị khách lạ ngồi đó lúc nào không hay. Rồi vừa pha cà phê vừa tự ngượng thầm có lẽ người phụ nữ ấy đã thấy được cái ngơ ngẩn của ông chủ quán mê nhạc kỳ cục này! Thật quê, xấu hổ quá đi thôi!

Sợ khách không thích nghe loại nhạc này- vì bây giờ nhiều người đang trở lại với Bolero- tôi định bước lại đổi sang nhạc trữ tình, người phụ nữ ấy bật dậy đi nhanh về phía tôi và nói khá lớn:

- Em ơi đừng đổi nhạc! Chị thích nghe những bài hát này lắm! Chị cảm ơn em.

- Dạ! Mời chị nghe tiếp, em không đổi nhạc khác đâu!

Tôi khá bất ngờ với phản ứng nhanh của chị, nhưng trong lòng lại đang rất vui vì vẫn còn có những tâm hồn biết nghe và yêu quý những bài hát mà bây giờ trên đài phát thanh thường gọi là nhạc đỏ, nhạc truyền thống chỉ phát trong khung giờ quy định- chẳng hạn như Đài Phát thanh Hậu Giang, Đài Phát thanh TP Cần Thơ, FM Vĩnh Long,...

Có lẽ những người ở độ tuổi trên năm mươi như tôi, như người đàn bà ngồi đó đã đi qua chiến tranh, chết chóc, đau thương thời kháng chiến chống Mỹ mới thấy yêu quý, xúc động, nghẹn ngào dâng tràn khi nghe những bài hát sâu lắng này.

Bây giờ tôi mới quan sát chị, người đàn bà uống cà phê ít đường, ồ sao có khói thuốc bay lên lơ lửng? Chị đang hút thuốc, nhưng để tàn cháy quá nhiều, giống như một số người hút thuốc lo làm việc để điếu thuốc cháy dở trên tay vậy.

Chị mặc bộ bà ba với áo màu xanh lá cây, quần đen, đôi guốc nhỏ đế thấp đơn sơ, kế bên là chiếc nón lá hơi cũ nhưng bọc lớp ny lông bên ngoài có vẻ chắc chắn lắm, tôi hài lòng khi nhìn thấy cái quai nón màu tím sen.

Ôi đẹp quá! Da chị hơi ngăm không tẩy trắng như nhiều người phụ nữ ngày nay, mái tóc búi cao nhưng không được dày nữa, có lẽ bụi thời gian đang dần làm phai tàn cành hoa trôi theo ngày tháng.

Đặc biệt, mắt chị to, lông mi cong vút, mơ màng, sóng mũi cao thanh thoát. Chị đến quán bất ngờ, hiện ra từ bài hát như một nàng tiên kiều diễm. Hiếm thấy những người phụ nữ nào lại ăn mặc đẹp, thùy mị như chị.

Vì mẫu áo bà ba, quần đen này đã đi qua lâu rồi, bây giờ hiếm khi mới gặp được những phụ nữ ngày nay ăn mặc như chị, cho dù chị đã khoảng trên năm mươi nhưng tôi vẫn thấy như ẩn hiện trong chị hình ảnh người phụ nữ đẹp, có lẽ lúc còn đương thời con gái chị xinh đẹp lắm đây! Nhưng cũng từ sự quan sát đó hình như tôi mang máng đã gặp chị ở đâu rồi thì phải?

Bài hát “Vết chân tròn trên cát” lại vang lên, tôi lại bị cuốn hút vào từng câu hát với hình ảnh anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ,… ối trời ơi!

Tôi lại mê mẩn bởi lời nhạc nữa rồi! Tôi bất giác thấy chị đứng dậy, dằn trên bàn tờ 10.000đ, đưa tay chào tôi rồi lẳng lặng bước từng bước nhanh lên cầu thang trắng của quán, lên đường dân sinh, đi ngược về hướng cầu Cần Thơ. Tôi định chạy ra để thối tiền dư cho chị nhưng không kịp với những bước đi thoăn thoắt và dần khuất từ xa.

Tôi có nhìn lầm không? Hình như chị khóc, cặp mắt đẹp long lanh của chị ngân ngấn nước mắt lúc chị đứng lên chào tôi. Tiếc quá, lâu lâu mới tiếp được một người khách lạ, xinh đẹp, yêu nhạc như thế mà tôi chưa kịp làm quen, hỏi tên chị…

Hụt hẫng, tôi vội bước trở lại bàn để dọn dẹp ly cà phê của chị, mùi thuốc lá vẫn còn hòa quyện đâu đó làm tôi nghĩ đến người đàn bà xinh đẹp ấy, sao cặp mắt ngân ngấn nước mắt ấy như đã gặp ở đâu rồi?

Thôi không nghĩ ngớ ngẩn nữa, nghe nhạc! Vừa ngẫm nghĩ, tôi rút ba cây nhang thơm đốt cúng ông Thần tài, Thổ địa, một phần cũng muốn tạo không gian ấm áp, thân tình cho quán.

Tay tôi cắm ba nén nhang chưa kịp rút tay lên thì tôi như sực tỉnh giấc chiêm bao! Tôi nhớ rồi! Chính người phụ nữ xinh đẹp đó, ánh mắt ngấn lệ đó, không ai khác hơn là người đàn bà tôi đã hân hạnh được gặp trong Nghĩa trang liệt sĩ của TX Bình Minh, hôm tôi đi viếng vào ngày 27/7 vừa qua. Quả đúng chị rồi!

Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy, sau khi đốt nhang trên tượng đài liệt sĩ, tôi bước từng bước xuống các bậc thang và đi một vòng về phía các ngôi mộ liệt sĩ. Đã hơn 9 giờ sáng nên các thân nhân liệt sĩ đã đến viếng và về gần hết nên khuôn viên nghĩa trang khá vắng vẻ, lác đác vài tốp người còn lúi húi đốt nhang, cúng viếng mộ của gia đình.

Gió thổi vi vu, lá vàng rơi khẽ, mùi thơm của nhang, của khói vẫn còn hòa quyện trong không gian ấm cúng, thiêng liêng. Tôi bỗng nghe tiếng ai đó đang thì thầm, trò chuyện. Lúc đó, chân tôi cũng vừa bước đến hàng mộ khuất sau góc cắt của vòng cung, tôi thấy một người đàn bà mặc bộ bà ba màu đen, chiếc nón lá có quai màu tím sen đặt kế bên.

Đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút ngân ngấn nước mắt, trên tay vê vê điếu thuốc cháy dở, có lẽ chị đốt cho người nằm dưới mộ. Trước ngôi mộ ấy, tôi không dám nhìn tên vì muốn tôn trọng giây phút thiêng liêng của người phụ nữ ấy nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy bó hoa cúc trắng, chiếc khăn rằn xếp gọn, một mớ giấy vàng bạc còn nguyên vẹn.

Tôi cúi đầu như để chào chị và người anh hùng đang nằm dưới lòng đất mẹ thiêng liêng. Vừa bước đi, tôi thầm nghĩ, có lẽ người nằm đó là chồng của chị, anh vui và hạnh phúc lắm vì chị đang ngồi đó chăm sóc, trò chuyện cùng anh! Ôi thật xúc động, thật tự hào cho một đất nước đã đi qua mất mát, đau thương của chiến tranh, vẫn còn đó bao tấm lòng thủy chung, nghĩa tình đáng trân trọng!...

Cơ duyên làm sao, hôm nay tôi lại gặp chị lần thứ hai, vội vã, bất ngờ và nhanh đến nổi tôi tưởng mình đang mơ? Nhưng không! Không phải là mơ vì chiếc nón lá có quai màu tím sen vẫn còn nằm trơ trên chiếc ghế đá, có lẽ vì vội vã chị đã quên mang nó đi.

Tôi mỉm cười một mình, thế nào mình cũng gặp lại chị nữa thôi. Và lần gặp thứ ba, tôi sẽ tìm mọi cách để tiếp xúc, làm quen chị… Khách lại vào quán uống cà phê, khách quen bên chùa Cao đài, tôi vặn nhỏ volum rồi vội vã pha cà phê…

==***==

Hôm nay, chủ nhật, bán cho khách buổi sáng đã xong, mới hơn 8 giờ 30, tôi dọn dẹp rồi đóng cửa quán để sang Cần Thơ mua một ít sữa, trà, cà phê về bán. Sẵn tiện vào siêu thị lân la xem hàng hóa, quần áo,… Xem không khí chuẩn bị đón Nô-en của TP Cần Thơ năm nay có gì đẹp hơn năm qua không?

Từ nhà tôi chạy xe hon da qua đó cũng gần, nên cũng không vội. Chủ yếu là vừa chạy xe, vừa quan sát xung quanh để tâm hồn thanh thản sau một tuần lễ bận rộn với giờ dạy, với quán nước. Chính vì thế, tôi không chạy xe trên đường quốc lộ mà chạy cặp con đường mé sông vừa mát, ít xe, lại có không gian yên bình.

Con đường nhỏ, tráng xi măng đủ cho hai chiếc xe honda qua mặt, được bà con nơi đây chăm chút cẩn thận, tránh sạt lở, bên dưới mé sông là những giề lục bình xanh mơn mởn, hoa tím dập dềnh trên sóng nước, nhìn mãi không chán mắt.

Trên bờ, trồng cặp theo con đường là hoa và cây kiểng: có chỗ thì toàn hoa soi nhái lung linh, rực rỡ màu vàng, đỏ, còn tiếp nối là hoa cúc vàng, hoa mười giờ tím cả một khúc đường; đẹp nhất là chạy ngang hai hàng cây tùng Nam Mỹ lá xanh um, ngan ngát mùi thơm hăng hắc như tỏa ra từ thang thuốc Bắc…

Trên đoạn đường đó, tôi thường chạy xe chậm lại khi phải ngắm nhìn hai ngôi nhà cổ và chùa cổ Đông Phước trầm mặc soi mình bên dòng sông nhỏ, đến gần trại hòm Chín Song, tôi phải tiếc nuối quẹo trái, cặp theo bên hông chùa để ra đường lớn, chạy lên cầu Cần Thơ.

Lượt về, tôi vẫn đi con đường thơ mộng đó, cảm giác làn gió dưới sông thổi lên mát rượi, đường đầy hoa, ngôi nhà cổ,… mọi mệt mỏi như tan biến đi vậy. Xe tôi đang chầm chậm lăn bánh, gần đến hai ngôi nhà cổ, tự dưng xe dừng lại, tôi vội nghĩ thầm: Thôi chết! Xe hư ở chỗ này thì có nước dẫn bộ. May là, tôi đề máy thì xe lại nổ máy, hú hồn!

Tôi định vô số chạy thì trước mắt tôi thấp thoáng bóng dáng của một phụ nữ mà tôi không lầm: chính chị- người đàn bà đẹp với chiếc nón lá có quai màu tím sen đang xách một xô nước từ dưới mé sông đi thẳng vô ngôi nhà có cổng trồng giàn hoa giấy màu tim tím.

Tôi mừng quá, tắt máy xe và quên luôn, không còn sợ xe bị hỏng máy nữa. Đúng là cơ duyên, vậy là tôi sẽ có dịp gặp chị, trả lại số tiền dư chưa kịp thối lại, trả cho chị cái nón lá quai màu tím sen,…

==***==

Là một thầy giáo dạy văn, lại thích viết nên tôi rất mong mình viết những gì thực tế trong cuộc đời, có ý nghĩa nhân văn, đặc biệt tôi rất trân trọng những con người sống thủy chung, sống đẹp cho cuộc đời.

Tôi cứ trăn trở, xót xa, xúc động khi nhớ lại hình ảnh chị “một người đàn bà mặc bộ bà ba màu đen, chiếc nón lá có quai màu tím sen đặt kế bên, đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút ngân ngấn nước mắt, trên tay vê vê điếu thuốc cháy dở, có lẽ chị đốt cho người nằm dưới mộ.”

Tôi quyết định phải gặp chị và viết về chị “người đàn bà đẹp với chiếc nón lá có quai màu lá sen đang xách một xô nước từ dưới mé sông đi thẳng vô ngôi nhà có cổng trồng giàn hoa giấy màu tim tím.”

Tôi không bỏ qua cơ hội hiếm có này, tôi đã có cảm tình với ngôi nhà có giàn hoa giấy màu tím này mỗi lần chạy ngang qua, không ngờ lại là nhà của chị. Ngôi nhà tường nhỏ nằm khuất trong khoảng sân rộng trồng nhiều hoa hồng, hoa nở đỏ thắm, rực rỡ thơm ngan ngát.

Tôi bước nhẹ vòng sang mé trái ngôi nhà, một bà lão mái tóc gần như bạc phơ đang ngồi nhổ cỏ bên cạnh một tháp đá hoa cương, xung quanh nơi cụ ngồi là một thảm hoa mười giờ bông nở tim tím cả một vùng, cụ như một bà tiên hiện ra, hiền hậu, đẹp lạ lùng! Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn cụ, cho đến khi cụ đến gần tôi lúc nào tôi cũng không hay, cụ hỏi:

- Con kiếm ai? Vào nhà má làm gì?

Lúc này tôi mới hoàn hồn, nhưng không giật mình mà thấy cụ thật gần gũi, thân thương làm sao khi cụ gọi tôi bằng con và xưng là má. Tiếng “má” giọng miền Nam sao mà nghe thân thương, ấm áp, ngọt ngào, gần gũi. Thấy vẻ mặt như đứng hình của tôi, má nở nụ cười trên gương mặt nhăn nheo nhưng phúc hậu, má hỏi lại:

- Con kiếm ai? Vào nhà má làm gì?

Đến lúc này tôi mới bừng tỉnh, gật đầu chào má và đáp:

- Dạ, con chào má! Con định vào gặp chị…

Má vội cắt lời tôi:

- Con định gặp con Tím hả? Nó mới vào nhà sau rồi, con theo má vào nhà trên, rồi má kêu nó lên gặp con.

Không ngờ, một bà lão hơn chín mươi tuổi mà lời lẽ gọn gàng, ân cần như vậy. Tôi gật đầu, đỡ má bước vào nhà nhưng má xua tay, mỉm cười chỉ cây gậy tre bên cạnh, rồi nhanh nhẹn bước đi nhẹ nhàng như bà tiên trong chuyện cổ tích vậy. Thấy tôi vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại tháp hoa cương, má nói như để giải đáp thắc mắc của tôi:

- Tháp đó là má và con Út Tím xây để nhớ các con của má hy sinh, mấy đứa nó đã được an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ TX Bình Minh rồi nhưng má biết hồn vía của tụi nó vẫn muốn quấn quít ở đây với má nên má và con Tím làm cái tháp này để sớm chiều má và con Tím tiện ra vào chăm sóc cho anh em tụi nó.

Giọng nói của má nghe như xa xăm, nghẹn ngào, chan chứa biết bao tình nghĩa. Tôi như đang lạc vào chốn thần tiên với bà tiên tóc trắng, chiếc gậy tre và bà tiên đang kể chuyện nhân văn đầy xúc động.

Không phải chuyện Thánh Gióng, chuyện Sự tích Hồ Gươm,… mà là chuyện của các con của má đã hy sinh cho quê hương, cho đất nước. Tôi như xúc động nghẹn ngào men theo cái bóng gầy gò, liêu xiêu của má bước vào nhà trên.

Một phòng khách nhỏ gọn gàng, sạch sẽ, thoang thoảng mùi nhang trầm với những làn khói bay lãng đãng hòa quyện quanh cái bàn thờ đặt giữa gian nhà, nhìn lên tôi càng rưng rưng nước mắt: rất nhiều tấm hình và những tấm bằng Tổ quốc ghi công… Má lặng lẽ đốt bó nhang thơm và trao cho tôi:

- Con chào các anh và cắm nhang lên bàn thờ đi con!

Tôi vội đỡ bó nhang trên tay má, tôi tưởng mình đang về thăm lại gia đình của mình, sao mà ấm cúng và gần gũi như một đứa con trai lâu ngày được về với gia đình, với mẹ. Tôi kính cẩn khấn vái và cắm bó nhang lên bàn thờ.

Lúc đó má đã ngồi ở một góc phản bỏm bẻm nhai trầu, cái mùi thơm của trầu, cau, vôi như quện vào không gian một mùi thơm hăng hắc đến ngỡ ngàng, ngất ngây.

Tôi lại nhớ đến ngoại tôi lúc bà còn sống, mỗi lần về thăm ngoại, thấy ngoại ăn trầu ngon quá nên cũng bắt chước làm theo: bỏ trầu, cau, quệt vôi rồi bỏ vào cái cối bằng đồng của ngoại quết cho nhuyễn ra rồi kê miệng đẩy cái hỗn hợp đó vào miệng, ôi thôi nó cay sè cả miệng nhưng vẫn cố mà nhai, ngoại hỏi “Ngon không con?” Tôi cố gật đầu nhưng nước mắt, nước mũi trào ra khiến bà ngoại phải phá lên cười húc hắc…

Chị Tím bưng ly nước dừa, vừa khẽ mỉm cười chào tôi. Tôi hơi ngạc nhiên sao chị lại bình thản và ánh mắt chị nhìn tôi chẳng có vẻ gì xa lạ cả, giống như chị đã biết hết mọi việc. Tôi hỏi chị:

- Chị nhận ra em không?

Chị nói ngay không chút do dự:

- Em là thầy giáo bán cà phê quán Sông Quê, đúng không? Hôm đi chợ, chị đã đi lên cầu Cái Vồn Nhỏ nhưng bỗng nghe những bài hát cách mạng. Chị nghĩ thầm ai lại phát những bài hát rung động lòng chị thế này? Chị quyết định quay xuống đường dân sinh hướng chùa Cao Đài, nhìn thấy quán mang tên Sông Quê, thấy em, ngỡ ngàng và xúc động khi nghe những bài hát về mẹ, về người lính…

Tôi gật đầu, thấy vui trong lòng vì chị vẫn nhận ra tôi. Không để tôi kịp bối rối, chị mỉm cười nói tiếp:

- Chị nhớ lần đi viếng nghĩa trang gặp em rồi vô tình đọc được truyện ngắn “Viếng mộ” của em đăng trên báo Vĩnh Long, chị xúc động và ngưỡng mộ em lắm!

Chị cứ ngỡ chiến tranh đã qua lâu rồi, nhiều thế hệ mới sống trong thanh bình, an vui sẽ không còn ai nhớ về quá khứ, mất mát đau thương của những năm tháng đầy bom đạn của kẻ thù xâm lược.

Vậy mà em vẫn lặng lẽ đến viếng các anh em, đồng chí trong nghĩa trang liệt sĩ và còn thể hiện tình cảm đáng quý gửi một thông điệp đầy ý nghĩa đến mọi người phải biết tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay...

Chị nói rất nhiều, tôi như uống từng lời của chị, chỉ biết xúc động nghẹn ngào và lắng tai nghe. Tôi như thấy mình đang đứng trên bục giảng nhìn ánh mắt ngây thơ của các học trò thân yêu say mê, xúc động khi tôi giảng về chủ đề chiến tranh, về lòng yêu nước, yêu làng của ông Hai (truyện ngắn “Làng” của Kim Lân), về tình cha con sâu đậm của ông Sáu, bé Thu (truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng).

Cả hình ảnh của chị ngồi lặng bên nấm mộ của người thân “một người đàn bà mặc bộ bà ba màu đen, chiếc nón lá có quai màu tím sen đặt kế bên. Đôi mắt đẹp với hàng mi cong vút ngân ngấn nước mắt, trên tay vê vê điếu thuốc cháy dở, có lẽ chị đốt cho người nằm dưới mộ.”

Cả Thùy Hương- cô học trò dễ thương tôi đã viết trong truyện ngắn “Viếng mộ”… Trời ơi, sao bây giờ thiêng liêng quá! Hay tại nơi này mình hữu duyên gặp được những con người bằng xương, bằng thịt đã từng chịu mất mát, đau thương của thời kỳ đánh Mỹ cứu nước nên mình có những xúc động dâng trào vậy không?

Đúng rồi, bài giảng và thực tế đan lồng vào nhau đã nói lên rất thật và vô cùng ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay.

Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng dùng hết vốn hiểu biết của mình để cho các học trò của tôi và cả độc giả của mình sẽ không quay lưng với quá khứ hào hùng của dân tộc, phải biết tri ân đến những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất đất nước để chúng ta có được cuộc sống thanh bình, an vui, hạnh phúc cho ngày hôm nay!

Với cảm xúc dâng trào, có lẽ tôi còn đến ngôi nhà của má và chị để được sống trong vòng tay ấm áp, thân thương. Nhất định tôi sẽ viết về má, về chị, về cuộc đời của những con người đã trải qua một thời kỳ mất mát, đau thương mà anh dũng của dân tộc Việt Nam anh hùng chống đế quốc Mỹ xâm lược!

Mùa xuân đang về trên quê hương, trên TX Bình Minh, khắp nơi trong nội ô đang dần đổi thay xứng tầm với một thị xã mới với diện mạo mới. Đường phố rộn rịp, mọi người đang hân hoan đón tết.

Đường phố đầy hoa, dưa hấu, bánh mứt được bày bán theo từng lô, ngăn nắp, gọn gàng trông thật hấp dẫn, đẹp mắt khiến cái không khí những ngày cận tết sôi nổi, náo nức lòng người. Đường phố được mang tên mới: đường Lê Văn Dị, đường Phan Văn Năm,.. Đó cũng là sự tri ân của Đảng và Nhà nước ta đến các anh, đến cái nghĩa, cái tình thật đáng trân trọng biết bao!…

Cứ mỗi sáng, trên đường đến trường, nhìn cảnh vật, con người, đường phố rộn rịp, tôi càng thấy lòng mình cũng rộn lên niềm vui và thêm tin yêu cho cuộc sống mới đầy ý nghĩa nhân văn! Đây đó những chậu mai vàng hai bên đường phố đã lác đác nở những bông hoa vàng rực rỡ…

TX Bình Minh, 2 giờ rạng sáng 27/11/2018.