Truyện ngắn: Mùa nước son

Cập nhật, 08:12, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)

 NGUYỄN LINH

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

 

- Bữa nay bị bạn gái “xù” hay sao mà từ chiều tới giờ ngồi thừ, buồn hiu vậy, con trai? Khuya rồi, vô ngủ đi con!

Tiếng của bà chủ phòng trọ làm tôi giật mình nhận ra lúc này đường phố đã vắng người và xe cộ qua lại. Tôi không ngủ được. Không phải vì căn phòng chỉ vỏn vẹn mười hai mét vuông làm tôi cảm thấy ngột ngạt, cũng không phải vì công việc quần quật cả ngày quá nặng nhọc.

“Nước son về rồi, có thèm cá bống trứng thì về!”, chỉ một câu nói ngắn ngủi của thằng bạn lại khiến bao ký ức buồn vui trong tôi hiện về, trọn vẹn như mới vừa hôm qua. Tôi bật điện thoại. Một cuộc gọi… Hai cuộc gọi… Ba cuộc gọi…

Cuối cùng thì thằng Tính cũng bắt máy, bằng cái giọng ngái ngủ, nhừa nhựa như người đang say rượu:

- A lô!… Tao… nghe nè. Có gì… mà gọi khuya lắt, khuya lơ… vậy?

- Sáng mai tao đi làm một buổi, trưa xin nghỉ, về chơi với mầy vài bữa.

- Ủa, chịu nhớ nhà rồi hả, con? Ừ, mai gặp lại. Ngủ đi thằng quỷ!

Xuống xe, tôi lại trở về với những dòng sông. Mùa này, nước son vẫn trôi, lặng lẽ, chùng chình, đưa những hạt phù sa đến phương trời nào, xa lắc, bỏ lại sau lưng ngút ngàn kỷ niệm.

Nước nhẹ nhàng lướt qua làn tóc mượt mà, thướt tha khiến hàng gừa đang in bóng bỗng chốc đẹp tựa cô thôn nữ tuổi tròn trăng. Rồi nước khua nhẹ làm những giề lục bình chợt thức, lao xao trên bến vắng sau một giấc ngủ dài.

Nước không vô tình. Nhờ nước mà những hạt gạo trắng thêm dẻo, thêm thơm, góp phần nuôi nấng những người dân quê nghèo lam lũ nên vóc, nên người. Họa chăng chỉ có những con người vô tình, thành nhân rồi lại quay lưng với sông, với nước.      

Tối đến, khi trăng vừa treo ở đầu ngọn gáo bên kia sông thì thằng Tính tới nhà. Biết tôi về, nó chuẩn bị sẵn cá bống trứng lăn bột chiên chấm nước mắm cay. Tôi ra sau hè bẻ một mớ lá cách, sung dè, hai đứa xuống bến ngồi cạnh gốc gừa làm lai rai vài xị đế mà dân sành nhậu hay gọi đùa là “nước mắt quê hương”.

Má tôi nói: “Trong bếp còn ơ cá bống kho tiêu, nhưng tụi bây nhậu nhẹt thì… cá bống trứng lăn bột chiên là ngon nhất”. Tôi gật đầu, vậy cũng tốt, cháo trắng, cá kho tiêu, tôi sợ… mình sẽ nghĩ đến một người.

Tôi và thằng Tính lâu ngày gặp lại, bên ly rượu, thôi thì đủ chuyện để hàn huyên tâm sự.

- Chuyện mầy với nhỏ Lan sao rồi, Tính?

- Thì… ba má nó biểu tao về thưa lại với người lớn, con ưng thì người ta gả chớ không đòi hỏi gì đâu.

Tôi uống một ly rượu, giọng chùng xuống:

- Ừ… vậy là tốt rồi!... Ước gì các bậc cha mẹ đều hiểu con và thương con như vậy.

- Mầy… mầy đang nhớ chuyện… của con Son ngày trước hả?

Tôi ừ nhẹ, có cái gì đang chặn ở cổ khiến tôi nghẹn nói không nên lời. Tôi nhìn qua mương, gió đang đưa nước son lên cao, mấp mé như sắp bò lên bờ.

Hai năm trước, ngày Son xuất giá theo chồng cũng đúng mùa nước son. Con nước năm ấy đã ngậm ngùi tiễn chân người con gái miệt vườn về nhà chồng, rũ bỏ bao bùn đất để trở thành cô gái thị thành.

Cũng chính nơi này, cho dù thằng Tính đã hết lời ngăn cản nhưng tôi vẫn mặc kệ, vẫn uống không biết bao nhiêu là rượu, để ngăn lòng mình lại, đừng khóc, cố quên. Lúc đó, má tôi ngồi co ro ngoài sàn nước, lưng má cong oằn lại, mắt đăm đắm nhìn ra sau hè, thấy thằng con đang đau mà không biết phải làm gì.

Chắc má tôi đã khóc nhiều lắm. Nếu Son vì ham giàu mà nỡ phụ tình chắc tôi sẽ mau quên. Đằng này, “Em lấy chồng cũng vì chữ hiếu. Ba má đã quyết thì phận làm con… Không biết rồi đây em sẽ sống thế nào, với một người chưa từng quen biết.

Tấm lòng của em, em đã trao trọn cho một người, liệu có thể hạnh phúc với chồng khi lòng lúc nào cũng đang tơ tưởng đến một người khác, ở quê nhà…”, trước đêm xuất giá, Son đã rưng rức bên bờ vai tôi cạnh dòng nước son như vậy.

- Viễn nè, mầy lên Sài Gòn để tránh gặp cảnh nhớ người. Vậy mà… hai năm rồi, Son đã lấy chồng hai năm, tao thấy mầy có quên được đâu. Lúc này, tao thấy Bác Hai ốm đi nhiều. Mấy chị của mầy lấy chồng xa, về thăm, một năm được mấy lần? Mẹ góa, con côi, tao thấy mầy nên về quê, lo ruộng vườn để dễ bề phụng dưỡng mẹ già mới phải đạo làm con, đúng hôn?

Tôi im lặng, nghe tiếng con nhái bén đang khóc trong lùm cây, cô đơn, lẻ bạn. Tiếng khóc rưng rức bay trên sông rồi hòa vào dòng nước đang im lìm, thổn thức.

- Đúng là tao không quên được Son. Nhất là những lúc như vầy, nước son về… Mà thôi, chắc bây giờ người ta đang hạnh phúc bên chồng... Mắc gì phải nhớ, rồi buồn, cũng có ai biết đâu.

Thằng Tính tặc lưỡi:

- Hạnh phúc? Chuyện đó tao không dám chắc. Chồng của con Son, nhắc tới là tao muốn đổ quạu. Nó giàu có được bao nhiêu mà làm mắc ghét. Mấy lần về bên vợ mà cái mặt cứ hếch lên, gặp người trong xóm không chào hỏi lấy một câu.

Hôm đám giỗ ông Hai, nội con Son, vô “năm trăm đồng rượu” là nó nói chuyện không vị nể một ai. Lúc đó, mấy người ngồi chung bàn tiệc, toàn chú bác, anh em chòm xóm ai cũng đều lắc đầu.

Thấy nó cứ kiếm cớ gây sự hoài với chú Bảy Thiệt, nếu không nghĩ con Son và nể tình thím Tư, tao và mấy đứa trong xóm đã đập cho một trận nhớ đời rồi. Còn chuyện này, lâu nay sợ mầy buồn nên tao không điện thoại cho biết, tháng trước con Son giận bỏ về đây hết mấy ngày vì bị chồng đánh.

Tôi giật thót tim, nghe xót xa như thể chính mình đang đau:

- Rồi… rồi… Son có bị làm sao không?

- Thì mặt mày bầm tím, mắc cỡ hổng dám ra đường. Mà… hồi đó giận thím Tư ham giàu, bây giờ tao thấy tội nghiệp, thím hối hận rồi mầy ơi.

- Được rể giàu sao phải hối hận?

- Mấy ngày trước, bả qua nhà tâm sự với má tao, mặt buồn hiu hà: “Chị Ba ơi, hồi đó tui ép con Son, hổng phải ghét bỏ con, muốn gả nó về chợ, chỗ khá giả đặng nhờ tấm thân. Ai dè… gặp thằng rể, đúng là “rể điên điển”.

Đâu phải con nhỏ mới bị nó đánh lần đầu. Thằng chồng ăn nói thô lỗ, bạn bè, nhậu nhẹt thâu đêm. Vợ nín thinh chịu đựng thì thôi, hễ trả lời lại đôi ba tiếng là bị đốp chát ngay vô mặt. Trời ơi, con tui mang nặng đẻ đau, từ nhỏ tới lớn chưa đánh một roi nào, vậy mà…

Để yên làm như không biết thì lòng mình đau, mình xót, còn làm lớn chuyện… con gái gả đi rồi, có bậc cha mẹ nào lại muốn con mình rã đôi, gãy gánh!” Má tao an ủi một hồi, thím Tư ra về, vừa tới cửa thì kéo khăn lau nước mắt: “Son ơi, hồi đó nếu má chịu gả con cho thằng Viễn thì bây giờ đời con đâu có khổ! Tha thứ cho má, con ơi!”

Tôi lặng người. Son ơi, nước son đã về, ở phương trời nào đó em có nghe thèm tô cháo trắng và ơ cá bống trứng kho tiêu? Em có biết, giờ đây, ở quê nhà có một người đang thổn thức dưới ánh trăng khuya, vỡ vụn, từng mảnh, tan dần trong dòng nước ngầu đỏ màu son ./.