Truyện ngắn: Mùa nước son

Cập nhật, 10:11, Chủ Nhật, 03/03/2019 (GMT+7)

 

NGUYỄN LINH

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chiều, tôi vừa ăn cơm xong là điện thoại reo, thì ra thằng bạn chí cốt ở quê.

- A lô! Tính hả? Tao nghe nè, có gì hông mậy?

- Cái thằng… lâu quá sao hổng về quê mà cũng không gọi cho tao lấy một cuộc?

Tôi ngập ngừng:

- Tại vì… tao…

Tính cười:

- Mầy lúc nào mà hổng có lý do. Nước son về rồi, có thèm cá bống trứng thì về! Còn bây giờ, nếu… chỉ biết nghe ghiền phở Sài Gòn thì… ở trển luôn đi!

Tôi tặc lưỡi rồi thở dài cái thượt. Thằng bạn đổi giọng:

- Nói giỡn chơi, mầy đừng giận. Mà… bữa nay mầy… mầy sao vậy?... Bị bệnh hả?

Tôi im lặng, cúp máy cái rụp. Chuông điện thoại lại đổ, biết thằng bạn đang lo, tôi bắt máy: “Ừ, mai mốt rảnh tao về”.

Tôi bần thần bước ra cửa nhìn xe cộ đang xuôi ngược trên đường. Lời của thằng bạn khiến trong tôi gợn lên bao kỷ niệm rồi cồn cào một nỗi nhớ.

Ký ức tôi chợt hiện ra một vùng quê, đêm ngủ nghe tiếng nước chảy bên tai, sáng mở mắt là đã thấy nước, nước lớn, nước ròng đang mải miết trôi. Nước trôi về đâu, nơi nào là cuối sông, cuối rạch?

Trăm con sông, ngàn con rạch, biết đâu là nguồn, biết đâu là điểm cuối dừng chân. Nơi ấy, có biết bao đứa trẻ được sinh ra trên sông, không ít những con Giang, thằng Hải, con Hà, thằng Hai Cá Chạch, thằng Ba Cá Rô,… lớn lên trên sông rồi cả đời mưu sinh trên sóng nước bằng những chiếc ghe thương hồ.

Sau này, khi lớn lên chúng nó sẽ có bạn có đôi, tay chèo tay lái, đỡ đần nhau khi tối lửa tắt đèn, chăm sóc nhau lúc bệnh hoạn khi ốm đau.

Nhưng cũng có những phận đời quạnh hiu, quanh năm chỉ vò võ một mình, đơn côi, một chiếc ghe, một mái chèo lang bạt với sông nước. Người có lúc vô tình nhưng nước thì bao đời vẫn vậy, vẫn luôn thủy chung với những kẻ chân lấm tay bùn. Và tôi đã được sinh ra, lớn lên nơi ấy.

“Nước son về rồi, có thèm cá bống trứng thì về!” Thì ra bây giờ đã là mùa nước son. Đúng rồi, vào tháng sáu, tháng bảy âm lịch hàng năm là nước sông quê tôi bỗng ngầu đỏ.

Không biết tự bao giờ mọi người gọi đó là mùa nước son, chỉ biết rằng nước son về là mùa của cá bống trứng, những con cá bống to cỡ ngón tay út, bụng căng trứng vàng ươm. Hồi nhỏ, tôi, thằng Tính và mấy đứa trong xóm hay bắt chước người lớn xách rổ lội cặp mé xúc những con cá dưới gốc gừa, gốc bần hay những đám lục bình.

Bất chợt tôi nghe thèm ơ cá bống trứng kho tiêu ăn với cháo trắng, cái mùi vị mà lúc xa nhà như thế này mỗi khi nhớ tới là tôi muốn chạy ngay ra bến xe mua vé để về quê cho kịp.

Xóm tôi có một con bé tên Son. Má tôi kể, thím Tư sanh ra nó vào mùa nước son mà lại sanh rớt khi đang trên đường tới bệnh viện. Lúc ấy, trên chiếc vỏ lãi, người đàn bà vừa qua lần vượt cạn mở mắt ra thấy xung quanh là nước, một màu ngầu đỏ, thím mỉm cười với bà nội con bé- cũng là bà mụ bất đắc dĩ: “Mình đặt nó tên Son, nghen má!”

Son nhỏ hơn tôi hai tuổi, hay đi theo tôi và thằng Tính nũng nịu xin chúng tôi làm cho con diều, cất cho cái nhà chòi, nặn con tu hú bằng đất,…

Mùa nước son, là con gái nên nó không được thím Tư cho trầm nghịch dưới sông. Nó lại lẽo đẽo trên bờ xách xô cá cho chúng tôi. Được cá bống trứng, ba đứa tới nhà thằng Tính, nhờ chị Hai nó kho tiêu, nấu cho nồi cháo trắng.

Bên tô cháo quyện mùi thơm của ơ cá kho, bé Son cười tít mắt. Ăn xong, nó vén áo, vỗ vỗ vào cái bụng no căng tròn: “Mơi mốt, hai anh đi xúc cá bống trứng nữa, hén”. Chị Hai thằng Tính cười: “Con nhỏ này, ăn cháo trắng hoài hổng biết ngán hả?”

Tôi và thằng Tính đi đá bóng ngoài ruộng, đi câu cá, bắt dế… bất luận là ở đâu, con bé cũng nằng nặc đòi theo, theo hoài đến nỗi tóc nó cháy xém, da thì đen thui.

Có lần, thằng Tính bẹo vào má nó, ghẹo: “Con gái mà dang nắng hoài, da đen tóc cháy mơi mốt lớn lên làm sao lấy chồng? Ế là cái chắc!” Nó cười: “Ế chồng thì ế, ai mà thèm lấy. Lớn lên em hổng lấy chồng đâu, ở vậy hoài với má, đi chơi hoài với hai anh luôn”.

Nó chớp mắt suy nghĩ một lúc rồi nhìn qua tôi: “Ừ mà… nếu má bắt lấy chồng thì phải cưới đúng ngay trân… anh Viễn em mới chịu!”

Thằng Tính ôm bụng cười: “Nó đòi cưới mầy kìa, Viễn”. Tự dưng tôi thấy da mặt mình tê rần, con gái gì xấu hết chỗ chê mà lớn lên đòi làm vợ người ta. Cốc vào đầu nó một cái, tôi nhằn: “Ế, ế, mơi mốt đừng nói chơi bậy bạ vậy, nghen Son!” Con nhỏ cong môi lên: “Ứ, em nói thiệt đó!” rồi ba chân bốn cẳng chạy riết về nhà.

Chúng tôi đã sống ở một vùng quê êm đềm như thế, đã trải qua bao mùa nước son người ta í ới rủ nhau đi xúc cá bống.

Đêm, bên nồi cháo trắng bập bùng ngọn lửa thơm thơm mùi củi bưởi phơi chưa đặng nắng, tụi con nít ngồi nghe người lớn kể chuyện về những dòng sông, về những mảnh đời sống trôi nổi trên sông.

Nơi ấy, có không ít những con người khẳng khái như Vân Tiên hay an nhàn bên mái dầm, mái chèo, cái chài, cái lưới cả đời không màng danh lợi tựa ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên”.

“Nếu má bắt lấy chồng thì phải cưới đúng ngay trân… anh Viễn em mới chịu!”, mãi đến năm hai mươi tuổi tôi vẫn còn nhớ như in câu nói ngây ngô năm nào của con bé hàng xóm. Mười tám tuổi, con bé không còn “xấu hết chỗ chê” nữa.

Mấy bận tôi vô tình thấy nó ngồi gội đầu dưới bến, lạ thiệt, da nó trắng như cơm dừa, tóc không cháy nắng mà dài và mượt như một dải lụa. Bất chợt, tôi muốn được dùng tay sờ vào làn da ấy, mái tóc ấy: Chà, chắc nó mềm và thơm lắm!

Tự dưng tôi lại có ý nghĩ thật kỳ, lạ lùng rồi thầm cười cho bản thân. Nhưng tôi không kiềm chế được vì đó không phải ý nghĩ từ khối óc mà… có lẽ… từ con tim, con tim của một chàng trai lần đầu biết rung động. Có đêm, tôi nằm mơ thấy mình đám cưới với Son. Trong lúc làm lễ trước bàn Tơ hồng, tôi liếc qua, thấy cô dâu đẹp như một thiên thần.

Khi đãi tiệc, Son bị mấy đứa bạn ép uống rượu, chỉ một ly thôi cũng khiến đôi má cô dâu ửng đỏ thật đáng yêu… Tôi tỉnh giấc, lẩm bẩm: vậy mà hồi con nít sao mình lại vô tình, lại nặng lời với nó?

Sáng ra, gặp thằng Tính, nó nói một câu như là đang đi guốc trong bụng tôi: “Hồi nãy, tao thấy con Son bơi xuồng đi chợ với thím Tư. Lúc này, nó đẹp thiệt! Hồi đó, nó đòi cưới mầy, mầy chê con gái người ta. Bây giờ thấy sao? Nếu hổng chịu thì… thì để tao… tao ừ cái rụp cho mầy coi”. Tôi cười, hổng lẽ nói thiệt với nó là… là… Thiệt, đúng là cái thằng vô duyên.

Một buổi trưa, thằng Tính kéo tôi ra hè, khoe:

- Hôm qua, thím Tư qua nhà trả cái cối giã cua cho má tao. Hai bà ngồi nói chuyện một hồi tự dưng bàn chuyện… sui gia. Mầy biết má tao nói gì không: “Chị Tư à, năm nay thằng Tính hai mươi tuổi, con Son nhà chị cũng mười tám, tụi nó lớn bộn rồi phải không chị? Hồi bằng tuổi nó là mình đã có chồng rồi. Vài năm nữa… hổng ấy chị em mình ngồi sui…”.

Tôi giật mình, lặp bặp:

- Cái… gì…? Rồi… rồi thím Tư nói sao?

Bằng vẻ mặt hài lòng, thằng Tính học bộ lại y chang giọng điệu của thím Tư:

- Ờ, thấy tánh tình thằng Tính hiền, tui ưng lắm. Năm nay nó nhổ giò, trổ mã coi cũng được trai quá. Chị em mình từ nào tới giờ là láng giềng mà thân như ruột thịt, coi như mình “bỏ hàng rào thưa” chờ vài năm nữa thì tính chuyện lâu dài cho tụi nó, nghen chị!

Giữa trưa, trời đang nắng nhưng tôi có cảm giác như mây đen đang bao phủ, vây quanh lấy tôi. Cố lấy hết sức bình tĩnh, tôi cười với thằng bạn một cách gượng gạo:

- Mấy bà già ham ngồi sui đã đành, còn mầy, nghe điệu bộ là biết muốn vợ lắm rồi, hả cu? Bả khen mầy trổ mã, đẹp trai! Cái bà này, nhìn người sao vậy trời? Nhan sắc của mầy… ụa… chắc hơn Chí Phèo một chút!

Thằng Tính vênh vênh cái mặt thấy mắc ghét:

- Kệ, xấu cỡ nào hổng biết nhưng được bà già vợ tương lai chấm điểm mười là ô kê rồi. Ai biểu mầy chê người ta, chê xấu, chê đen. Gái đẹp mà bỏ rơi rớt mình lượm lên… xài đỡ. He! He!

Con gái người ta mà nó làm như chiếc dép, chiếc giày, rớt rồi lượm lên xài đỡ, tự dưng tôi thấy ghét nó, dù từ nhỏ đã là bạn nối khố. Nó cười thêm một tràng đắc ý rồi bỏ đi, miệng không ngừng huýt sáo.

Tôi chết lặng trong người: Làm gì? Phải làm gì bây giờ, Viễn ơi? Mầy thương người ta sao hổng chịu nói? Không lẽ phải ngậm ngùi hát điệu “Lý con sáo sang sông” để nhìn người ta với thằng bạn thân… Không! Tôi không đang tâm. Đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm, tôi muốn lắm nhưng không biết mình phải bơi bằng cách nào, không lẽ nói “Anh yêu em!” trơ trẽn vậy sao ta! Không bơi được, vậy là tôi phải chìm.

Đầu óc tôi ngày thường vốn thông minh, sáng suốt bây giờ bỗng trở nên mụ mẫm một cách đáng sợ. Tôi đang lo sẽ tới ngày đám cưới của cô bé hàng xóm và thằng bạn thân. Nhà gần, chắc hai họ sẽ đi bộ rước dâu, tụi con nít sẽ chạy theo reo hò vang cả xóm,… Tôi bần thần nhìn ra lung dừa nước, gió đang thổi, xà quần miết trên đám bòng bong. Và… lòng tôi cũng vậy, đang ngổn ngang như mớ bòng bong ngoài kia.

Tối, tôi lén ba má ngồi ngoài đống rơm uống rượu một mình. Uống rượu không giải quyết được gì cả. Biết vậy, nhưng bây giờ tôi không biết mình phải làm gì. Chợt có tiếng ai đó nghe quen quen từ bên kia mương:

- A, thằng Viễn! Bữa nay bắt chước người lớn uống rượu hả mậy?

Thì ra là thằng Tính. Cũng lại là nó. Sao trái đất này lại quá tròn như vậy? Tôi bực mình nên nói giận:

- Ừ, tao uống rượu, mầy làm gì tao?

Nó phóng qua mương, chắc không biết tôi đang giận nên nhoẻn miệng cười:

- Làm gì? Có làm gì mầy đâu? Bữa nay trong bụng thấy vui, mầy lén lén… cho tao nhậu chung, hen?

Tôi gắt giọng, trả lời cộc lốc:

- Ừ, mầy ngồi xuống đi!

Nó ngồi xuống, ực một ly, vẫn là đề tài hồi trưa, chuyện nó với Son. Nó tưởng tượng viễn vông cái ngày nó với Son là vợ chồng, bắt chước giọng điệu người lớn bày ra cái chuyện một gia đình hạnh phúc.

Nào là tụi nó sẽ ra riêng, cất một căn nhà nhỏ ngoài đầu bờ đất; nào là hàng ngày khi nó đi đồng về, vợ nó dọn mâm cơm chờ sẵn; nào là tới mùa nước son, vợ nó sẽ kho ơ cá bống;…

Nó còn lý sự cái chuyện con cái sau này y chang lời mấy người đàn ông trong xóm thường nói. Những điều nó nói thật không sai, là những chuyện mà tôi hay bất cứ thằng thanh niên nào khi biết yêu và muốn sống với người mình yêu đều có thể nghĩ ra.

Nhưng bây giờ, những lời nó nói khác nào như đang cầm lưỡi dao đâm mạnh rồi dùng dằng miết ở trái tim của thằng bạn đang khốn khổ.

Cái thằng thiệt là… không biết bạn nó đang nóng như ngồi trên đống lửa, im lặng không xong, nói cũng chẳng nên lời hay sao mà cứ châm dầu vào lửa hoài. Tôi cắt lời:

- Tới lượt mầy kìa! Uống đi! Mới hai mươi tuổi, muốn vợ lắm hay sao mà oang oang cái miệng hoài, hổng biết mắc cỡ hả?

Nó lại cười, thiệt vô duyên hết chỗ nói.

- Vợ hổng muốn, mầy biểu tao muốn cái gì?

- Thiệt, bó tay với mầy luôn.

Tôi giật mạnh ly rượu trên tay nó, uống cạn, nghe men nồng đốt ruột, đọng lại thành giọt cay xè trên khóe mắt. Cầm chai, tôi rót thêm một ly định uống tiếp, chợt thằng Tính ngăn lại, ngó tôi không chớp mắt:

- Đừng uống nữa, Viễn!

- Mầy biểu tao đừng uống. Vậy bây giờ tao phải làm gì đây, Tính?

Thằng Tính nhỏ giọng lại:

- Nói thiệt đi, mầy thương con Son phải hông?

Lần này thì tôi lại nhìn nó, cũng không chớp mắt:

- Tao… tao…

Nó nắm tay tôi, xiết chặt:

- Cái gì mà tao… tao! Mầy thương con Son, thương thì nói đại là thương, đàn ông con trai gì mà...

Tôi cúi mặt, nó nói tiếp:

- Từ trưa tới giờ, tao… đặt chuyện để thử lòng mầy thôi. Tao biết con Son từ lâu đã có tình ý với mầy. Vậy mà mầy… phất phơ kiểu này, là tao chớ gặp thằng nào là mất ghệ như chơi nha, con!

Tôi như không tin vào tai mình, mắt mình:

- Mầy… mầy… Thiệt hả Tính?...

Thằng bạn gật đầu. Tôi bỏ tay ra, vỗ một cái thật mạnh vào vai nó:

- Mầy… Thằng quỷ! Chơi thân từ nào tới giờ, chắc mầy cũng hiểu tấm lòng của tao với con Son… Vậy mà, phen này bị mầy chơi một vố, đau điếng luôn.

Thằng Tính lại cười lớn:

- Tao hiểu mầy, không cần thiết! Quan trọng là mầy có nói gì để con Son hiểu lòng mầy chưa? Người ta hay nói “Lấy lửa thử vàng”, còn mầy… lấy gái để thử bạn Viễn của tui! He! He!

Đêm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi và thằng Tính uống nhiều rượu. Vì quá vui nên tôi ép nó, hai đứa hết một lít.

Ba mùa nước son, đã qua ba mùa nước, con sông quê tôi ngầu đỏ kể từ hôm tôi lấy hết can đảm hẹn Son ra cầu Đình để nói với “cô bé hàng xóm” tiếng yêu. Nước son về, những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tới nhà thằng Tính. Chị Hai, chị Ba đã có chồng, Bé Sáu- em thằng Tính- phụ Son kho cá, nấu cháo trắng.

Và, cũng giống như bé Son ngày nào, con Sáu bắt chúng tôi đêm nào cũng phải nấu cái món dân dã ấy cho nó ăn. Ba mùa nước, Son đã kho những ơ cá do chính tay tôi xúc về, Son đã nấu những nồi cháo do chính tôi đã đổ bao giọt mồ hôi trên đồng để làm nên hạt gạo. Tôi nghe lòng vui sướng và ngập tràn hạnh phúc.

Chúng tôi đã mơ ước có một gia đình, cũng bình thường, giản dị của riêng mình như những điều mà thằng Tính đã bịa chuyện nói với tôi hồi ba năm về trước.

(Còn tiếp)

Mời xem trên VLCN kỳ tới