Truyện ngắn: Thằng Cò

Cập nhật, 08:29, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)

LÝ THỊ MINH CHÂU

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
 

Nắng trải thềm sông, thứ nắng mà thằng Cò chẳng bao giờ thích bởi đó là thứ nắng ốm yếu và xấu xí mà vùng bán sơn địa này có thể làm hài lòng ai đó ăn không ngồi rồi nhưng rất ngắn ngủi khi mà bầu trời thấp thoáng mù mây.

Chiều xuống nhanh như rớt thang.

Nắng không xua nổi những đám sương núi không biết từ đâu tới nhưng đó là chiều. Thứ chiều mà thằng Cò chưa bao giờ được đọc qua sách vở của lớp bốn, lớp năm rất yêu thích của nó.

Cả xóm chỉ có nó là con trai duy nhất. Trang lứa với nó chỉ là đám con gái choai choai miệng còn hôi sữa, thứ sữa luôn hăng hắc mùi núi rừng. Mới chín, mười tuổi mà chúng dám coi trời như chiếc lá.

Thứ lá bé tẹo không thể so sánh với lá buông có thể chằm nón cho mẹ chúng đi khắp chợ xa, chợ gần. Loại lá ấy có thể che nắng che mưa, che cả cái rét không mời mà đến của rừng sâu nước độc này. Trong thâm tâm thằng Cò loài lá ấy là loài vĩ đại nhất trần gian mà nó biết.

Mẹ đi chợ về quà chia chung. Thứ quà mà mẹ thằng Cò luôn hào phóng đổi bằng quả cau thừa hay liễn trầu héo. Thế cũng oách lắm rồi.

Chẳng ai dám bảo trong cái khó ló cái khôn bởi cái khôn mà không biết đặt vào đâu cho hợp thì cũng thành cái dại. So với loại mâm cao cỗ đầy thì có khi ăn mày đổ ruột mà nhà giàu chưa chắc đã đứt tay.

Mẹ Cò không học hành cao xa nên nghĩ thế và làm thế. Ấy vậy mà chúng luôn coi bà như bà tiên trong câu chuyện chẳng ra ngô ra khoai gì của chúng, rằng khi nào nguy khốn cực cùng thì luôn có thánh thần phù hộ miễn là mình không thuộc loài đá cá lăn dưa.

- Sao sáng nay mày lãnh cái trứng vịt thuộc loại nhất, nhì hành tinh vậy?

- Hết vở, tao chép vào trang ba thông thái.

- Mày học cách nói từ nơi nào vậy?

- Phát thanh truyền hình. Lịch sử dân tộc chúng còn chưa thông thì trách gì tới tao. Bạn thằng Cò bĩu môi.

- He he… Đụng chạm à nha!

- Thật như mía lùi. Nếu hỏi về Quang Trung- Nguyễn Huệ, tao kể từ Hồ Thơm đến ba đời trước của ổng còn thông ro ro nữa là.

- Bái phục. Bái phục. Hình như nhà mày họ Hồ đúng không?

- Oái. Đừng thấy người sang…

Chiều xuống thấp. Thấp đến nỗi người đi cách nhau dăm bảy bước không ai nhận ra là thân thuộc, họ hàng. Vẫn loại quần áo nâu chì, thứ màu mà mưa nắng có cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể làm cho nó bạc bẽo tí thôi.

Chút bạc bẽo mà người đời không thường nhìn thấy. Với cái nón bán trời không mời thiên lôi trơ cả hài cốt, xương xảu ra cùng năm tháng thì có núi cũng phải cúi chào nhưng với mẹ thằng Cò đó là vật bất ly thân.

Thứ vật hiếm và quý hơn những gì bà có bởi muốn mua thì cũng phải đi hết một ngày hàng và phải mời chào đến mắt cũng phải xót lòng, mủi dạ rưng rưng.

Thằng Cò học giỏi. Còn giỏi đến cỡ nào thì không ai biết bởi cả làng này vẫn cứ i tờ i ti. Ngay cả ông trưởng thôn tên Năm cũng ký con số năm rất đúng “mốt” mà không biết ai bày, ai vẽ.

Ấy thế nên ông ghét nó, bởi ông sợ nó mai kia sẽ thay ông ngồi chiếu trên oang oang nói chuyện quê kiểng, xóm làng. Những chuyện đầu gà, đuôi vịt chẳng đâu vào đâu khi mà người quê cần cơm, cần áo, cần cái thứ văn chương sao thật văn chương.

Tháng năm, nắng bung lửa hạ nung hè. Nóng thì có nóng nhưng vài giọt mồ hôi lăn tăn trên má thì có thấm tháp gì. Xót xa gì. Sông cạn.

Đồng khô chân chim nứt nẻ, cây lúa bỗng dưng hụt hẫng không biết nương tựa vào đâu. Cái cua, cái còng cũng trốn biệt, chúng hiểu rằng chỉ có thể an thân khi đã xuống tới đáy cuộc đời. Lúa ngả vàng như hoàng hôn của vùng bán sơn địa này.

Thằng Cò và bạn của nó thích lắm bởi nhờ thế mà chúng tha hồ tung tăng chạy nhảy khắp chiều đồng quê. Thả điều. Bịt mắt bắt dê. Rồng rắn mà không bị ai la rầy.

- Mình giẫm hết lúa của người ta.- bạn thằng Cò lo lắng.

- Mày sao thế, lúa vầy mà lúa ư? Thứ lúa không chồng thì có thể đẻ đái gì. Hại nhà hại cửa. Tốn nước, tốn phân.

- Nhưng công sức của người ta thì chúng ta đâu thể phớt lờ.

- Mày thành nhà đạo đức học từ khi nào thế?

- Từ khi mày có điểm 10, còn tao thì con số 0.

- Nghĩa là mày không được thông minh đúng không?

- Có thể, nhưng với ba lém thì chịu.

Ánh mắt đá nhau nảy lửa. Thứ lửa không hẳn của hận thù mà là tam muội bởi chúng nhìn đời qua lăng kính tuổi thơ ăn chưa no lo chưa tới. Thứ lửa hồn nhiên hơn các loại hồn nhiên.

Trăng đã lên nghĩa là đêm đã dần trôi về phía sáng, thằng Cò vẫn không ngủ được. Tiếng phên lá ri ri rè rè thừa sức ru nôi cha mẹ nó, những người luôn hào phóng bán mặt cho đất bán lưng cho trời khi ngày ngày phải vất vả mưu sinh nhưng với nó sao mà đinh tai nhức óc thế. Một sự đánh đổi quá khủng khiếp khi mà gạo chửa thành châu, củi chửa thành quế. Mùa hè nào có đâu xa.

- Mai phải ra đồng phụ mẹ. – Thằng Cò quyết tâm.

Nhưng làm gì nhỉ? Hú gió gọi mưa ư? Gió thì lắm gió bởi cái hẻm núi này mà không có gió thì mới là lạ. Gió hung như quỷ, tốc hết mọi thứ miễn là chúng thích. Còn mưa thì hun hút ngàn xa bởi nó với gió thì chẳng đội chung trời bao giờ.

Thằng Cò suy tính miên man cho đến khi tiếng gà gọi mẹ nó quang gánh về chợ. Mo cau bà đã ngâm trong nước nhưng cũng không giữ được lặng im khi đêm còn trong văn vắc và tiếng tre khô vỡ vụn khi lửa đè bẹp một cách không dung tình.

Nó thương mẹ quá. Nó thương người quê nghèo quá. Nó muốn ra đi. Mà đi đâu cơ chứ? Bụi ư? Nó không có can đảm.

Ở làng này không có bụi. Bao đời nay không có bụi. Chữ hiếu không cho những đứa trẻ quê chất phác có quyền mặc áo qua khỏi đầu. Vậy thì chỉ còn con đường duy nhất là phải học nhưng phải học thật giỏi để không cho cái nghèo nàn đến bủn xỉn của nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này trói chân.

Một đời ta ba đời nó, nhưng nó là ai nếu không nói là vất vả, tảo tần. Một chuyến đi đến trăm năm mà chắc gì đã chạm đích.

Thằng Cò muốn thành ông giáo. Một nghề chỉ bán nước bọt mà không phải hít bụi phấn độc hại như cái thời chống muỗi nằm mùng. Lạy ông cao xanh, ông có thấy ai còn bán nước bọt khi mà máy tính, laptop đã thay thầy làm cái việc vô cùng thiêng liêng là tải đạo văn chương cho nhân loại kia không.

Nhàn hơn các loại nhàn là thế, mà tiền thì cứ rủng rẻng vào mà chẳng mấy khi phải đi ra. Thằng Cò cố hết sức bình sinh ngồi dậy.

Nó buông thõng đôi chân xuống giường thách đố giấc ngủ đêm qua không tròn nhưng thâm tâm nó biết nó chưa hề thắng. Khi đã định thần nó lao xuống bếp, một hành động hoàn toàn vô thức bởi nó đói. Đói đến xôn xao.

Và cũng bởi cánh cửa bếp mẹ nó khi đi chỉ khép hờ mời gọi. Nó bỏ qua công đoạn nhờ muối và nước làm sạch cái mùi ngủ của đêm rồi. Tự nhiên thôi bởi cái mùi ấy cũng sẽ theo xôi, theo cơm về nơi không đất không trời.

Thánh cũng bó tay chứ nói chi đến những cô bạn quê mùa chỉ biết nhặt thóc, lặt rau. Nó cười thật đẹp, hồn nhiên giở nồi bốc vốc xôi thật đáng mặt rồi vò vò trong tay cho hả lòng sau đó mới khề khà từ tốn nhâm nhi.

Ngày đã lên. Nó quên phéng chuyện phải học cho thật giỏi để làm thầy. Nó chạy như ma đuổi ra cánh đồng chưa thật chín vàng nắng ấm. Điều đầu tiên mà nó nhớ là gọi thật to đám con gái bạn bè đang còn chải lược soi gương.