Nhà báo và tướng cướp

Cập nhật, 18:39, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)

Nắng ban mai trải nhẹ trên cành non lá biếc. Sân trại giam ngập tràn hoa, nước mắt và tiếng cười trong ngày trở về của hàng trăm phạm nhân. Bảy Thanh bắt tay Sáu Lục Bình- một kẻ cướp nổi tiếng trên sông nước miền Tây. Câu chuyện Bảy Thanh thu phục Sáu Lục Bình hơn bốn năm trước được tái hiện.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Hoàng hôn trải màu vàng nhạt trên sông Hậu, gió phả hơi nước mát rượi lòng người, Bảy Thanh bước xuống chiếc ghe của cô lái đò tuổi độ ba mươi.

- Anh về đâu? - cô lái đò hỏi Bảy Thanh.

- Tôi qua Xóm Cồn, Mỹ Phụng.

- Anh là người thành phố xuống?

- Ừ, tôi có việc dưới này. Đi đò qua đó mất bao lâu vậy cô?

- Gần một tiếng đó anh.

- Vậy hả? Cô tên gì vậy, đưa đò ở đây lâu chưa?

- Em tên Hường. Em đưa đò trên sông rạch này được hơn mười năm rồi.

- Chắc miền quê sông nước này cô rành như lòng bàn tay nhỉ?

- Dạ, cũng hiểu biết quanh đây thôi.

- Nghe nói vùng này hay xảy ra cướp lắm hả cô?

- Dạ, cũng thỉnh thoảng thôi anh. Nhưng dạo này công an hình sự lùng sục dữ lắm nên bọn chúng dạt đi nơi khác hết rồi.

- Ừ, vậy thì tốt quá!

Bỗng…

- Đưa túi xách đây- tên cướp trên chiếc xuồng máy vừa ập tới nhảy sang đanh giọng.

- Khoan đã mấy anh. Trong túi xách tôi chẳng có gì đáng giá- Bảy Thanh nói- Các anh muốn gì thì từ từ thương lượng.

- Thương lượng cái đ. gì. Có tiền vàng đưa hết đây.

- Tôi chỉ có vài trăm ngàn đi công tác và cái máy ảnh cũ, các anh có lấy thì tôi đành chịu.

- Ông là nhà báo hả?- tên cướp hỏi khi cầm cái máy ảnh cũ vừa cướp được.

- Vâng, tôi đi công tác xuống miền Tây.

- Ông đi điều tra chuyện gì dưới này?

- Tôi đi tìm gặp những người phạm tội hoàn lương và chưa hoàn lương.

- Chưa hoàn lương như bọn tôi hả?

- Ủa, các anh là cướp?

- Trời, ông hỏi quá ngớ ngẩn. Nãy giờ bọn tôi làm vậy với ông thì không phải cướp thì là gì?

- Ừ nhỉ! Đôi khi nhà báo cũng đãng trí- Bảy Thanh cười nhẹ, rồi ông nói tiếp- Các anh muốn hoặc không muốn thì tôi cũng gặp.

- Ông biết gì về bọn tôi mà đòi gặp?

- Dĩ nhiên chưa biết, tôi đang tìm gặp tướng cướp Sáu Lục Bình ở vùng này.

- Sao ông gan quá vậy? Ở miệt sông nước này, khi nhắc đến Sáu Lục Bình thì ai cũng phải né. Ông có tài nghệ gì mà muốn gặp Sáu Lục Bình?

- Nghe danh tướng cướp Lục Bình, tôi muốn gặp xem Bình
ra sao.

- Ông cũng lãng mạn đấy ! Sáu Lục Bình không dễ bị ông thu phục đâu.

- Tôi nghĩ Sáu Lục Bình cũng là con người, cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chẳng lẽ ngày giỗ cha mà Sáu Lục Bình không thắp được cây nhang sao?

- Anh Sáu! Cha này đang dụ mình nè anh Sáu!

- Để tao- người được gọi là anh Sáu nãy giờ không lục túi xách cũng không nói năng gì đã lên tiếng.

Anh ta hỏi Bảy Thanh:

- Ông muốn tìm Sáu Lục Bình hả? Tôi là Sáu Lục Bình đây!

Sáu Lục Bình nói với tên đồng bọn:

- Trả lại máy ảnh cho ổng đi. Và cả cái đồng hồ của cô gái nữa.

- Đại… ca!

- Không nói nhiều! Y lệnh!

Sau khi tên đồng bọn trao lại túi xách cho Bảy Thanh và cái đồng hồ cho cô lái đò, Sáu Lục Bình cất tiếng:

- Xin lỗi đã mạo phạm nhà báo. Tôi rất ghét nhà báo nhưng cũng rất khâm phục nhà báo. Ông có biết nhà báo Bảy Thanh không?

- Anh biết nhà báo Bảy Thanh hả?- Bảy Thanh hỏi lại thay câu trả lời.

- Chưa gặp mặt, chỉ biết tiếng ông ta qua những bài báo của ổng, nhất là những bài điều tra về bọn cướp. Tôi rất khâm phục tài điều tra và cả cái tâm của ông ấy nữa. Bài điều tra của ông ta về tướng cướp Tâm Noben rất hay. Ông ta từ chối hai cây vàng Tâm Noben hối lộ làm tôi rất khâm phục. Nếu không có bài điều tra của ông ấy thì chắc gì công an bắt được Tâm Noben và đồng bọn.

- Vậy hả? Nếu gặp nhà báo Bảy Thanh thì anh cư xử thế nào?

- Tôi sẽ lắng nghe những lời khuyên của ông ấy.

- Lắng nghe chứ chắc gì ông làm theo lời khuyên?

- Ông cũng là nhà báo giỏi đó. Xin lỗi chưa biết tên ông. Ông nói về mình đi.

- Tôi là nhà báo Bảy Thanh đây!

- Ông nên nhớ, giả danh nhà báo là phạm tội, hay chí ít là ông thấy người sang bắt quàng làm họ, hay cũng là kẻ núp bóng mượn danh.

- Anh cũng hiểu đời lắm. Rồi anh sẽ biết tôi có phải là Bảy Thanh hay không.

- Thẻ nhà báo ông đâu?- Sáu Lục Bình hỏi sau khi dướn mắt thật lâu vào tấm hình trong chứng minh nhân dân Bảy Thanh trao.

- Đi điều tra mà đầy đủ giấy tờ thì khác gì lạy ông tui ở bụi này. Lỡ gặp mấy tay cướp manh động thì nguy.

- Biết nguy hiểm sao ông còn làm cái nghề này?- tên đồng bọn lên tiếng.

- Thì tùy cơ ứng biến. Vả lại tôi tin mình làm việc đúng, việc tốt thì những người tốt sẽ bảo vệ.

- Như lần này thì cô gái yếu ớt giữa sông nước mênh mông này làm sao bảo vệ ông được?- Sáu Lục Bình nói.

- Anh nhầm rồi. Anh chưa nghe câu “thấp mưu thua mẹo đàn bà” sao? Anh không thấy trong tay cô ấy đang cầm cái gì à? Chỉ cần cô ấy quất mạnh cây dầm vào cổ là anh lộn nhào xuống sông. Khi ấy tôi cũng ra tay thì tên đồng bọn của anh cũng cùng chung số phận.

- Ông có võ?

- Chẳng võ nghệ cao cường gì. Chỉ vài miếng phòng thân thôi.

- Giọng điệu này thì đúng ông là Bảy Thanh rồi. Xin ông thứ lỗi, nãy giờ đã mạo phạm.

- Không có chi. Con người ai mà chẳng có những lúc nhầm lẫn. Hơn nữa các anh là cướp mà. Cướp của ai mà chả được.

- Không đâu, bọn tôi chỉ cướp của những người có tiền, còn người nghèo thì không đụng tới. Nhìn bộ dạng ông và túi xách, tưởng ông là thằng buôn lậu có tài sản đáng giá, nào ngờ ông là thần tượng của lòng dân.

- Thế cô lái đò nghèo mà sao các anh cũng lột cái đồng hồ?

- Xin lỗi, đói quá thằng này nó làm ẩu. Sáu Lục Bình này đắng họng rồi. Xin lỗi ông nhé!

- Có gì đảm bảo anh là Sáu Lục Bình?- Bảy Thanh đột ngột hỏi kẻ đang “phỏng vấn” mình.

- Tôi là người tổ chức vụ cướp trên sông Hậu vào trưa mùng tám Tết Canh Dần và sém bị công an tóm. Sau nhiều năm không tìm được tôi, có lẽ công an đã quên tôi rồi.

- Vụ cướp trưa mùng tám tết năm đó ai chả biết. Anh đọc báo rồi tự nhận mình là tác giả vụ cướp thì sao?

- Có điên đâu mà không làm lại nhận chuyện động trời như vậy?

- Đúng vậy! Từ vụ đó, tôi quyết định đi tìm anh. Nhưng hiện giờ tôi không thể tin anh là Sáu Lục Bình được. Vì tôi chưa từng gặp mặt Sáu Lục Bình. Tôi cần tính xác thực. Anh nói về gia cảnh của mình xem sao.

- Ông muốn biết về trực hệ ba đời hay năm đời?

- Không cần. Anh nói đúng những chi tiết tôi cần là ok.

- Cha tôi chết trong một vụ chìm xuồng trên sông này vào năm 1980. Tôi còn mẹ già gần 70 tuổi. Mẹ tôi rất thương tôi. Vợ tôi đã bỏ đi để lại cho tôi đứa con gái 13 tuổi. Tôi để con cho mẹ nuôi. Nay con tôi cũng đã có chồng.

- Vì sao anh không dự đám cưới con gái mình?

- Lúc đó tôi bận đi… cướp- Sáu Lục Bình trầm giọng.

- Dì Út của anh là một cơ sở cách mạng, đã hy sinh trong một lần chuyển thư từ cho Ban An ninh huyện xuống vùng ấp chiến lược của địch?

- Sao ông biết rõ quá vậy?

- Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Phải biết về anh đôi phần mới nói chuyện với anh được chứ. Thân tộc anh có một truyền thống tốt đẹp như thế mà anh lại đi hại nhân dân, anh không thấy hổ thẹn với vong linh người dì của mình sao?

- Tôi… tôi, tôi quấy quá rồi.

- Mình có thể nói chuyện ở một quán cóc nào đó, hay nhâm nhi rượu đế tán chuyện đời trên sông nước này thì còn gì thú vị bằng.

- Được đó đại ca- tên đàn em lên tiếng- Ghé quán nhà ghe bà Hai Chừng đi. Nghe nói bả có tôm nướng ngon lắm. Mình đãi nhà báo luôn.

- Mày trả tiền nha!

- Dạ… dạ - Tên đàn em gãi đầu sau tiếng dạ yếu ớt.

- Không cần, để tôi- Bảy Thanh nói- Mấy chú cứ dẫn đường.

- Mời em đi luôn. Mời qua xuồng máy cao tốc của bọn tôi đi cho nhanh, móc xuồng của em vào đuôi xuồng của anh- Sáu Lục Bình nói với cô lái đò.

- Dạ- Út Hường thở phào nhẹ nhõm- Chuyện của các anh hấp dẫn quá. Em đi theo nghe về kể lại cho bà con vui mừng.

Bảy Thanh và Út Hường cùng sang xuồng máy. Chiếc xuồng xẻ đám lục bình, lướt nhanh trên dòng nước đục ngầu.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ sau)

PHẠM THANH NGHỊ