Truyện ngắn: Chuyện ngoài tri thức

Cập nhật, 20:48, Chủ Nhật, 20/05/2018 (GMT+7)

TRẦN XUÂN THỤY

Có khi nào bạn nghe hoặc thấy những chuyện rất thật nhưng không thể giải thích được. Theo dòng thời gian, nghĩ đến bạn chỉ biết tặc lưỡi lắc đầu trong sự bất lực của lý trí.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Năm lên mười tuổi, cậu Út tôi là một đứa trẻ rất nghịch. Ông bà ngoại tôi đến khổ vì cậu. Cậu có một cái tật quỷ quái là vào lúc xẩm tối dùng lọ nồi bôi mặt giả làm ma đi nhát những đứa trẻ hay những người già neo đơn.

Bởi ông ngoại tôi là bá hộ, hầu hết những hộ dân trong làng là tá điền của ông nên người ta cắn răng bấm bụng mà chịu chứ không dám làm gì cậu. Tuy vậy, ông ngoại tôi không phải là người không biết lẽ phải trái nên đã nhiều lần đánh cậu giập mông ngồi không được nhưng cậu vẫn tính nào tật nấy.

Đến khi chiến sự lan đến quê tôi, xẩm tối là ai ở nhà nấy không dám ra đường bởi lính đi kích, gài mìn chống du kích vì “Việt cộng” trên cứ về bắt liên lạc với dân. Nếu ai có việc cần thì phải đi năm ba người và xách theo đèn bão. Cậu là nỗi lo canh cánh trong lòng ông bà ngoại.

Tối lại là ông bắt cậu ở bên ông không rời nửa bước. Ấy vậy mà sểnh một tí là cậu vọt mất. Một chiều xẩm, cả gia đình đứng ngồi không yên vì cậu chưa về nhà. Cả gia đình ngoại tôi hơn mười người xách đèn bão, dắt chó săn đi tìm cậu.

Nhờ tiếng chó sủa, mọi người kinh ngạc thấy cậu ngồi thu lu trong lùm tre ri- loại tre bụi, thấp, dày đặc những gai. Cậu vào bằng cách nào khi xung quanh cậu gai dày đặc?

Ông ngoại tôi dùng rựa phát trống một lối vào mới đưa được cậu ra rồi dùng roi dâu tằm quất túi bụi lên người cậu. Vừa quất vừa gọi “ba hồn bảy vía” cậu mới tỉnh lại. Từ đó cậu sinh ra ngớ ngẩn, ngây ngô một thời gian mới trở lại bình thường.

Chuyện của cậu Út tôi nghe mẹ tôi kể lại nhưng tôi không tin vì khi ấy tôi chưa sinh ra. Nhưng dường như cuộc sống buộc tôi phải tin, bởi sau năm 1975 gia đình tôi trở về quê làm ruộng.

Trong làng có một bé gái lâm vào trường hợp như cậu tôi nhưng vào giấc trưa đứng bóng. Rất tiếc khi phát hiện ra cô bé ở ngoài nghĩa địa của làng, miệng ngậm đầy phân bò, người nhà không dùng roi dâu tằm để quất nên hóa ngây ngô vĩnh viễn.

Những chuyện như trên người ta gọi là “bị ma giấu”. Đặc biệt là chỉ với những đứa trẻ dưới mười hai tuổi nghịch ngợm.

Những đứa trẻ này “cứng vía” nên “bà mụ” cầm không được, bỏ lẫy. Bọn “ma” lang thang thừa cơ bắt hồn khôn rồi đem giấu để đùa. Còn người lớn thì đôi khi vào giấc trưa đúng ngọ có chuyện đi đâu đấy, giữa chặng đường bỗng dưng không đi tiếp theo đường đã định mà lại đi vòng vèo theo một lối khác để đến một thời điểm nào đó chợt nhận ra mình đi trên một con đường lạ hoắc mà không hiểu vì sao? Người ta bảo trong trường hợp này là bị “ma lạc”.

Những chuyện thật kể trên đã từng xảy ra. Vậy mà thực hay hư?

Tôi có một cậu bạn tên Hoan làm chung trong công ty. Gia đình Hoan rất giàu. Cha Hoan là cán bộ cao cấp ngành tư pháp, mẹ là giáo sư dạy đại học. Mỗi khi nhắc đến cha, Hoan biểu lộ sự ngưỡng mộ và kính trọng đặc biệt. Theo Hoan, cha cậu là một người đàn ông thông minh, người cha mẫu mực, người chồng chung thủy.

Xuất thân với mảnh bằng trung cấp pháp lý, chỉ với hơn năm năm ông vừa công tác vừa tự học để có được tấm bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ luật. Quan lộ của ông nhờ đó mà thăng tiến vùn vụt.

Vậy mà ông không nuông chiều Hoan dù Hoan là con một. Hoan vào công ty, rồi được ngồi vào ghế phó phòng bằng chính sức lực của Hoan chứ không nhờ ảnh hưởng của cha. Ngoài những khi họp hành công tác, ông luôn dành thời gian cho gia đình, cho vợ, không như báo chí lên án mấy ông quan to khoái du hí với bồ nhí hơn vợ nhà- Hoan tâm sự.

Ấy vậy mà sau một trận ốm kịch liệt, khi có ai gợi nhắc đến cha là Hoan chuyển hướng lảng tránh. Nhân một lần đi dã ngoại với nhau, trong câu chuyện nhắc đến gia đình, Hoan trầm ngâm nói:

- Có lẽ tôi phải kể anh nghe chuyện này. Có thể tâm sự được với anh thì tôi sẽ được giải tỏa phần nào chứ không tôi phát điên mất. Tin hay không là tùy anh chứ chuyện là thật một trăm phần trăm đó.

* *

*

…Tình cờ tôi gặp nàng vào một đêm ở vũ trường sau Tết Ất Mùi. Nàng thuộc tuýp phụ nữ mà ở đâu có nàng là ở đó có tiếng thở dài của đàn ông. Tôi nghĩ nàng rất giàu bởi khi thanh toán hóa đơn nàng luôn giành chi trả và thỏ thẻ với tôi: “Hãy để bản lĩnh đàn ông cho chuyện ấy”.

Tôi nghe mà lòng rạo rực ngộp thở như sắp chết đuối trên cạn… Đêm ấy nàng đưa tôi về nhà. Chúng tôi có với nhau những giờ phút thật tuyệt vời cho đến khoảng gần sáng nàng mới đưa tôi về.

Từ đó tôi như bị bỏ bùa mê mà cứ trông đêm mau đến để gặp nàng. Tôi thường xuyên bỏ bữa cơm gia đình khiến mẹ tôi rầy la, còn bố tôi đi công tác dài ngày nên đỡ phải nghe ông thuyết giảng về đạo đức làm người.

À mà tôi chưa kể anh nghe về gia cảnh của nàng. Đúng là gia đình nàng rất giàu và đang ở Sài Gòn. Chỉ một mình nàng ở lại đây trông nom ngôi nhà bề thế và vườn cây ăn trái. Đường đến nhà nàng phải đi vòng qua một khu nghĩa trang.

Có lần nàng hỏi tôi: “Nếu em là cư dân của thành phố chết này anh có sợ không?” Tôi nghe mà rùng mình sởn tóc gáy nhưng cũng trả lời như những thằng đàn ông lém lỉnh: “Dù em có là ma anh cũng yêu em, đến chết vẫn còn yêu”.

Đêm đó, tôi đang ôm nàng trong vòng tay ngồi hút thuốc thì bất ngờ nàng đẩy tôi ra, nói mau: “Chết! Sao lão già về bất tử vậy? Anh mau trốn ra lối cửa sau. Rồi em sẽ giải thích. Nhanh lên!”

Tôi sửng sốt rồi tỉnh ngay khi nghe tiếng xe nghiến trên lối đi rải sạn trước nhà. Tôi quáng quàng quơ vội quần áo vọt ra cửa sau. Nhưng thật quỷ quái cho cái tính hiếu kỳ của tuổi trẻ.

Tôi chưa chịu mau chuồn mà vừa mặc quần áo vừa áp tai vào cửa khi nghe tiếng nàng: “Sao anh nói bốn ngày nữa mới về?” “Công việc xong sớm, anh vội về với em chứ đúng ngày thì con đầm già nó trói anh ở nhà làm sao đến với em được. Nhớ em quá cưng ơi! Anh nựng chút nào”.

Chỉ vài mươi giây im lặng trôi qua mà với tôi thật quá dài. Một nỗi tức tối ghen tuông bùng lên trong lòng. Và cái chất giọng của người đàn ông sao quá đỗi quen thuộc với tôi? Không những quen thuộc mà còn thân thiết nữa!... “A… Thằng nào đến đây mà cái gạt tàn thuốc đầy ắp? Hả?! Thằng nào!”


“A… ơ… có ai đâu? Ơ mà khi chiều có mấy người công nhân đi đo đạc gì đó hỏi thăm, em phải tiếp mà”. “Thật không?... A! Láo! Khi chiều mà tàn tro còn nóng bỏng tay thế này hả? Con khốn! Tao cung phụng cho mày để mày dẫn thằng khác về đú đởn hả?”

Chất giọng của người đàn ông đang như những nhát búa gõ vào tai tôi để trí tôi phi nước đại tìm đáp số thì tiếng khóc van xin của nàng vọng xuống. Thì ra nàng là gái bao của một thằng cha nào đó. Mặc! Tôi phải cứu nàng.

Nàng là của tôi. Tôi kéo cửa phóng những bước dài lên phòng khách thấy người đàn ông đang nắm tóc nàng tát túi bụi. Tôi lao đến thụi vào nách lão một đấm, hất lão ngã chỏng vó trên nền nhà. Tôi cung tay hét lên: “Tao g.i.iết…”.

Tiếng hét đứt đoạn nghẹn lại trong cuống họng, lưỡi tôi cứng đờ khi nhìn mặt người nằm dưới đất. Và người đó cũng trợn mắt, giơ tay chỉ vào tôi, miệng há to mà không phát ra tiếng được…

Thời gian như ngưng đọng và nỗi hoảng loạn bộc phát. Tai tôi ù đi, con người nằm dưới đất bỗng chốc phình to, nhòe đi trước mắt tôi. Tôi nhào ra cửa. Chạy. Chạy như bị ma đuổi…

Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy mẹ tôi đang ngồi bên. Nỗi lo còn đượm buồn trong mắt mẹ. Mẹ vuốt tóc tôi nói: “Sao vậy con? Con làm mẹ lo quá!...

Bố mới điện về cho mẹ hỏi con đã tỉnh chưa. Kế hoạch công tác còn ba ngày nữa nhưng chiều nay bố xin bay về sớm.

Bố về con hãy kể cho bố biết chuyện gì đã xảy ra với con con nhé!” Sau đó, tôi nghe mẹ kể người ta phát hiện tôi nằm mê man ngoài nghĩa trang gần nhà nàng. Nhờ giấy tờ và danh bạ điện thoại trong di động của tôi, người ta gọi điện báo tin cho bố mẹ tôi. Hôm sau, bố tôi vào và tôi nói dối bố rằng tôi không nhớ gì hết.

Xuất viện tôi tìm đến nhà nàng nhưng cổng khóa. Hỏi thăm thì người ta cho biết ngôi nhà đã bỏ trống từ lâu. Chủ nhà đau buồn vì có đứa con gái duy nhất bị bọn xấu làm nhục đã tự tử chết chôn trong nghĩa trang gần bên nên đã bỏ vào Sài Gòn sinh sống. Mộ cô gái ấy là nơi hôm trước có người thanh niên nằm mê man. Ngôi nhà rao bán bấy lâu mà chưa ai dám mua.

- Sao lạ vậy?! Hay là cậu hỏi nhầm? Cậu nói là nàng đưa cậu về nhà nhiều lần hả? Còn người đàn ông nữa. Mà ai vậy? Người quen à?

Hoan bứt cọng cỏ vò nát trong hai ngón tay, lắc lắc đầu:

- Không thể được! - Hoan thả xác cỏ, hai tay ôm đầu chống cùi chỏ trên hai đầu gối, mắt dõi về khu nghĩa trang khuất sau những rặng thông, giọng trầm xuống, nói tiếp- Mà cũng không thể không tin… Bố tôi vẫn cư xử bình thường với mẹ, vẫn nghiêm khắc với tôi như vốn vậy… Gần tháng nay tôi đi tìm nàng khắp các vũ trường mà không gặp.

Một ý nghĩ lóe lên trong tôi, tôi hỏi Hoan:

- Cậu có giữ tấm hình nào của nàng không?

- Rất tiếc là chúng tôi không trao đổi hình bóng cho nhau. Mà anh hỏi để làm gì?

Tôi cười:

- Để ra nghĩa trang so với hình trên bia mộ.