Truyện ngắn

Có một niềm riêng

Cập nhật, 17:11, Chủ Nhật, 17/09/2017 (GMT+7)
  • LÊ KUNG DIỄM

Chị Nhân cao ráo, khuôn mặt dễ nhìn, hiền hậu, rất hay cười nên mười người thì đến chín nói số chị sướng.

Sướng? Từ tám đến hai mươi tuổi lần lượt bồng, dỗ, đút cơm, phát vào mông... bầy em bốn trai, ba gái. Mỗi khi ba mẹ đi giao hàng tận Nha Trang, Sài Gòn, một tay chị cáng đáng việc nhà, đi chợ, nấu ăn, tắm rửa mấy em, nhắc nhở việc học hành...

Giỏi giang là vậy, hay cười là vậy, nhưng sao quãng đời chị chưa thấy chi sướng...

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Cuối năm 1978, chị sinh thằng Thái được mười một tháng thì anh Bình chồng chị là công nhân đường sắt bị tai nạn điện giật qua đời.

Chị xin gia đình bên chồng ẵm con về nhà cha mẹ ruột ở. Bố mẹ thương con gái còn trẻ đã sớm giữa đường đứt gánh nên cắt chia cho hai mẹ con một căn phòng để ở, rộng chưa tới mười lăm mét vuông.

Chị Nhân có bằng tú tài toàn phần, giỏi văn nên xin được việc làm ở một nhà in của thành phố. Chừng bốn năm thì chuyển sang làm nhân viên văn thư của một xí nghiệp vận tải có công ty mẹ ở Hà Nội.

Về công tác ở xí nghiệp gần một năm thì anh Tần- Phó Phòng Kinh doanh- vật tư, là thương binh loại 3/4, nhỏ hơn chị hai tuổi, lại để ý thương rồi ngỏ lời xin cưới.

Tần thoát ly theo cách mạng năm 1966. Lúc ấy nhiều hạt nhân của phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh chống Mỹ- ngụy của thị xã bị bố ráp, lùng bắt. Cách mạng đã tổ chức đưa nhiều anh chị lên vùng giải phóng... T

ần khoái cầm súng, không như nhóm anh em thích hoạt động văn nghệ, báo chí. Anh xung phong vào bộ đội, tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây của tỉnh. Năm 1969, anh bị thương trong một trận càn bằng bom của địch, sau đó được đưa ra miền Bắc chữa trị...

Biết tin anh lấy vợ nhưng lấy người đã có một đời chồng, một con riêng thì gia đình, bà con thân ruột phản đối quyết liệt. Song, anh bất chấp mọi lời can ngăn, xỉa xói lẫn hăm he... Đám cưới rồi cũng diễn ra.

Ngoài cơ quan, họ nhà trai, nhà gái bên nào cũng có vài người thân dự. Anh Tần thương thằng Thái như con ruột. Ngược lại, nó cũng rất quý mến bố Tần. Căn phòng hẹp nhưng đầy ắp tình thương yêu.

Khi chị Nhân mang thai được ba tháng thì cha và anh chị của anh Tần mới thôi làm mặt lạ. Chị cả anh Tần năng lui tới hỏi han cô em dâu... bất đắc dĩ và dặn dò nhiều chuyện. Ba anh Tần nhắn bảo chở chị Nhân về quê cho biết bà biết con. Thế là “bình thường hóa quan hệ”.

Hai vợ chồng càng yêu thương gắn bó hơn. Nhưng khi thai đến tháng thứ tư thì điều không may xảy đến. Chị Nhân bị hư thai. Chị buồn, khóc suốt bốn, năm đêm; ngày ăn uống cầm chừng. Anh Tần hết lời an ủi, dỗ dành.

Hơn một năm sau, chị báo tin lại có thai. Bà con bên anh Tần ai cũng mừng và hy vọng. Nhiều buổi chiều tan sở, anh chị lại đèo nhau đi mua quần áo trẻ sơ sinh, khăn, tã lót,...

Chạng vạng ấy, chị chuyển bụng. Đưa chị đến bệnh viện có gần ba chục người, gồm cha mẹ, anh chị em, bà con hai bên và cả bạn bè thân thiết. Anh Tần chạy tới chạy lui tìm bác sĩ gửi gắm...

Nửa đêm chị sinh. Cô y tá kêu riêng anh Tần đến chỗ khuất nói nhỏ. Chắc là điều chẳng lành đã xảy ra. Linh tính cho anh biết điều đó. Đúng thế! Một bé gái, bị dị tật... đã chết sau năm phút chào đời. Anh Tần lặng người đi. Ai nấy không hé môi, nhìn anh đồng cảm. Tần nghĩ, có lẽ mình phải đi bệnh viện. Biết đâu những ngày ở chiến trường ác liệt...

Những ngày buồn rồi cũng qua. Sau những đau thương, mất mát người ta lại hy vọng...

Ông Bảo- cha Tần chia cho anh mảnh đất. Có ít vốn tích cóp và vay mượn thêm, anh chị xây một căn nhà cấp bốn đầy đủ tiện nghi. Anh Tần lên chức trưởng phòng. Công việc nhiều hơn, anh đi công tác ngoại tỉnh liên miên.

Đi làm thì thôi, ở nhà anh lo tròn mọi chuyện, gánh vác cả việc nội trợ. Anh thương vợ, lo cho con riêng cũng hết mực. Thằng Thái học lớp mười trường công. Hắn thương bố mẹ, chăm học, ngoan hiền ai cũng khen.

Năm ba mươi chín tuổi, chị Nhân lại báo tin có thai. Khỏi phải nói sự vui mừng của anh Tần. Niềm hy vọng của vợ chồng anh chị lại được nhen lên.

Có nên nói với vợ về sự lo lắng của mình? Không, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của vợ và cả thai nhi! Anh chờ cơ hội thuận tiện sẽ nói chứ không thể mãi giấu kín...

Bà con hai bên, bạn bè, hàng xóm ai cũng vui khi nghe tin chị lại có thai. Mẹ chị không tối nào không đi chùa cầu nguyện phước lành đến với con gái.

Chị Trà không giấu được lo lắng, nói với em trai: “Tần ơi, chị sợ Nhân lớn tuổi, sinh khó là một. Hai nữa là ...” Anh ngắt lời chị, trấn an: “Em có đưa đến bác sĩ Hưng khám. Thai tốt. Không có vấn đề gì đâu”.

Anh tăng cường chăm sóc chị. Anh dặn chị gối đầu hơi cao một chút khi nằm. Cố ăn làm nhiều bữa và ăn tối sớm hơn. Trước khi ngủ cần tập thể dục nhẹ, tắm nước ấm, anh mát xa chân cho.

Nửa đêm, có lúc chợt thức giấc, thấy chị nằm nghiêng bên phải, anh nhẹ nhàng lật chị nghiêng về bên trái để cho máu lưu thông đến dạ con dễ dàng hơn. Mấy cô ở cơ quan bảo vậy! Anh ngoan ngoãn, dễ bảo cứ như chàng thanh niên sắp cưới được vợ. Trước sự ân cần chăm sóc của anh, nhiều khi cảm động, chị không cầm được nước mắt.

Chị Nhân xin cơ quan nghỉ trước khi sinh hai tháng. Anh sắp xếp việc, phân công người khác đi công tác thay để dành thời gian ở gần chăm sóc vợ. Trước một tuần chị sinh, không may anh bị té xe, gãy chân phải băng bột. Chị được đưa vào bệnh viện trước, nằm ở phòng dịch vụ, để phòng ngừa tình huống xấu, sinh khó...

Nhìn cảnh anh chống nạng đi tới đi lui liên hệ nhờ vả một số y tá, bác sĩ quen biết, chị bảo: “Sẽ ổn mà! Anh đừng lo lắng quá, bệnh đấy!” Anh vuốt tóc chị, nhỏ nhẻ: “Tất nhiên là ổn cả thôi! Em thấy trong người thế nào?” “Ngủ sâu hơn mấy đêm trước. Có má và mấy đứa em chia nhau trực ở đây. Anh ở nhà với Thái đi!” Anh ừ hử cho xong chuyện...

Tin chị sinh con trai lan nhanh. Bà con, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của anh chị kéo đến bệnh viện thăm. Đứa bé hơi yếu phải cách ly mẹ, chuyển nuôi trong lồng kính. Trước khi thiếp đi, chị còn nghe tiếng khóc ngằn ngặt của con...

Sáng sớm hôm sau, bác sĩ Thế và anh vào căng tin bệnh viện. Hai người tìm một chỗ khuất. Anh nhấp một ngụm cà phê sữa để tìm lấy cảm giác ngòn ngọt sau mấy lời của bác sĩ Thế: “Chỉ riêng bàn tay trái của cháu là không có ngón. Nó như năm hột bắp vậy. Vẫn còn may đấy ông ạ! ”

Anh chợt nghĩ đến những đồng đội của mình, hẳn không ít người đã gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh khủng khiếp...