Truyện ngắn: Người giúp việc

Cập nhật, 08:08, Chủ Nhật, 13/08/2017 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

Vừa thi xong học phần, tôi và nhóm bạn tự thưởng cho mình một buổi tiệc ăn mừng. Để tạo không khí vui vẻ, mấy đứa con gái bày thêm trò chơi hái hoa dân chủ.

Đến lượt tôi bốc thăm không ngờ lại trúng ngay câu hỏi: “Trong đời, bạn ấn tượng người (khác giới) nào nhất?” Như một phản xạ, không do dự, tôi buột miệng: “Con Bông!” Là ai? Cả bọn trố mắt.

Tôi lúng túng định rút lại lời nói thì thằng Minh cười lớn: “À, con Bông! Con nhỏ giúp việc nhà… Mấy lần ghé nhà mầy, tao thấy nó… hơi lạ lạ… nói chung là sao sao á! Đúng rồi! Mầy ấn tượng là phải!” Tôi cười gượng rồi đánh lảng cho qua chuyện.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Thật ra mẹ tôi không có ý định mướn người giúp việc. Nhưng nội, mỗi bữa cơm chiều, lúc có đông đủ cả nhà, bà nội hay than: “Tụi bây… sáng ra đứa đi làm, đứa đi học, bỏ bà già này ở cái nhà vắng teo một mình, nhiều lúc buồn mà hổng biết nói chuyện với ai.

Như vầy hoài… chắc má về quê sống với vợ chồng thằng Út Anh luôn quá!” Nội nói mà mắt thì nhìn ba mẹ tôi như phân trần.

Chủ nhật, ba và mẹ về quê còn dắt lên theo con nhỏ giúp việc nhà. Nhìn cô gái ôm giỏ quần áo, đứng nép bên mẹ tôi, nội hỏi: “Con tên gì? Năm nay bao nhiêu tuổi?”

Nó rụt rè: “Dạ… con… tên Bông. Tuổi Tây mười tám, còn tuổi Ta thì mười chín”. Kiều- em gái của tôi- che miệng thì thầm: “Anh Hai ơi, mắc cười quá, con nhỏ này nói chuyện… tuổi Tây, tuổi Ta… y chang cách nói của bà nội luôn!”

Buổi sáng đầu tiên, không biết con Bông thức tự lúc nào, khi tôi vừa trên lầu bước xuống thì thấy nó đang lui cui dọn chén mời cả nhà ăn sáng. Nhìn nồi cháo trắng và chảo kho khô quẹt, Kiều nhăn mặt, khều vai bé Hà là con của chú Bảy nhà ở Cầu Muối từ nhỏ đã sống với gia đình tôi: “Mầy ăn không Hà?” Thấy hai đứa to nhỏ với nhau, nội kêu:

- Chần chờ gì nữa, ăn lẹ lên rồi đi học! Tụi bây chê cháo trắng, cứ mê mấy cái món bán ngoài chợ, dầu mỡ nhiều không tốt cho sức khỏe đâu con!

Hai đứa miễn cưỡng ngồi vào bàn. Mẹ tôi biểu con Bông cùng ngồi ăn chung cho vui rồi tấm tắc:

- Chà, con bé này coi bộ nấu ăn được. Kho khô quẹt vừa thơm lại vừa ngon.

Con Bông mừng ra mặt:

- Thiệt hả thím Tư? Vậy bữa nào thím có đi chợ nhớ mua cái ơ đất, má con dạy kho khô quẹt hay kho cá bằng ơ đất mới ngon. Ờ mà… hổng biết ở Sài Gòn người ta có bán như ở chợ quê không nữa?

Nội cười:

- Có chớ con- rồi bà quay sang mẹ tôi, cười- Tánh ý của con nhỏ thiệt là… đúng ngay trân ý của má luôn.

Lâu rồi mới thấy nội vui đến vậy nên ba, mẹ thấy hài lòng và cười theo.

Gia đình tôi không xem con Bông là người giúp việc, không bắt nó phải thức sớm nấu ăn sáng vì từ nào tới giờ người thì ăn mì gói, người ăn bánh mì, hủ tiếu, xôi hộp,… quen rồi.

Mẹ tôi nói nó là cháu hàng xóm của thím Út ở dưới quê nên không bắt nó phải làm hết việc nhà, trưa hay chiều mọi người về cùng làm rồi cùng ăn.

Nhưng con Bông không nghe theo, nó làm hết mọi việc từ giặt giũ, lau nhà cho đến nấu nướng. Nó nói suốt ngày ngồi không thì buồn lắm.

Một hôm, tôi đang tưới mấy chậu lan trên sân thượng thì Kiều và Hà- hai đứa em gái- bước lên:

- Em chịu hết nổi rồi Hai ơi!- Kiều cau có.

- Chuyện gì khiến hai đứa em dễ thương của anh giận dữ vậy?

- Con Bông!- Hai đứa đồng thanh.

Tôi tròn mắt:

- Con Bông? Nó… nó đã làm gì? Nó ở dưới quê, thiệt tình thì con người nó cũng quê quê nhưng… tánh tình tốt, tốt lắm!

Nghe tôi khen, hai đứa em không hài lòng và kể hết mọi chuyện. Thì ra tụi nó giận con Bông cũng vì… cái tánh tốt đó. Từ ngày có con Bông, chuyện gì nội cũng lấy con Bông ra so sánh.

Thí dụ như có hôm hai đứa đi siêu thị mua về mấy bộ quần áo, thật ra chỉ là quần Jean, áo thun, váy theo thời thôi, nhưng nội lại… “Tụi bây mặc đồ riết rồi nội thấy y như người nước ngoài. Nhìn con Bông kìa, ăn mặc đơn giản mà đẹp, mà thùy mị, dịu dàng”.

Có bữa, bà nhìn hai chị em nó rồi lắc đầu: “Thiệt, nội rầu quá, mơi mốt gả hai đứa con gái suốt ngày chỉ biết nhõng nhẽo này rồi sao mà làm dâu?” Con Kiều nũng nịu: “Nội cứ chê hoài, cháu của nội cũng giỏi lắm chứ bộ!”

Nội cười: “Thôi đi cô ơi! Nhìn hai cô chiên trứng vịt ốp la là tui biết giỏi cỡ nào rồi! Cố gắng học theo con Bông, người ta chiên trứng tròn như cái nắp vung thấy mà thèm, người ta nấu ăn không chê vào đâu được!”…

Hai đứa em của tôi không thích con Bông vì ganh tỵ rằng nó đã dành hết tình thương của nội. Tụi nó đặt cho con Bông cái tên “Thấy Ghét”. Còn tôi, tôi không thấy ghét mà chỉ thấy nó “lạ”.

Con Bông lạ! Ở cái đất Sài Gòn phồn hoa đô hội, một thời là Hòn ngọc Viễn Đông này mà nó chê là buồn, buồn hơn ở quê nó. Nó nói ở đây nhà sát vách, là chòm xóm mà suốt ngày không nói với nhau câu nào. Sáng thấy hai vợ chồng, mỗi người một chiếc xe đi làm, đứa con gái cũng đi học.

Đến trưa, có khi chiều tối họ mới về, kéo cửa sắt lại cái rầm, là xong. Có bữa, đang quét sân, con Bông nhìn qua rào cười xã giao, không biết họ có thấy hay không mà im lặng, ngó lơ.

Không như ở quê, chòm xóm thân nhau, biết nhau từ đầu vàm đến cuối ngọn. Gặp khách lạ hỏi thăm nhà người quen, dù cách xa hàng cây số, người ta vẫn biết và đương nhiên là chỉ đường tận tình.

Thậm chí nếu đường trắc trở kinh rạch, họ biểu con cháu bơi xuồng đưa đi dùm. Ở quê, đến bữa cơm, nhà thiếu trái ớt, cọng hành hay nước mắm, nước tương chạy qua hàng xóm là có ngay…

Thời đại ngày nay, người ta thích chát hay kết nối facebook trên mạng để kết bạn, làm quen, vậy mà con Bông… “Tìm bạn, kết thân nhau chi với những người ở tận đâu đâu mà quên mất tiêu những láng giềng gần nhau, cần nhau khi tối lửa tắt đèn?” Nó nói chuyện lạ đời như vậy mà nội tôi lại cười, lại đồng tình và cho là đúng.

Con Bông còn lạ ở chỗ mê ca cổ, cải lương y như nội. Buổi tối, các thành viên trong nhà tôi mỗi người đều có khoảng không gian riêng với những sở thích khác nhau.

Trong khi ba mẹ tôi xem thời sự, tôi mê bóng đá, hai đứa em gái mê thần tượng Hàn Quốc thì hai bà cháu vào phòng mở đĩa coi cải lương. Nhiều lúc hai bà cháu tung hứng rất “ăn rơ”.

Nội nói nội mê giọng ca “chuông ngân” của Lệ Thủy, giọng mượt mà chân phương của Phượng Liên,… Thông thường ở lĩnh vực này nội chỉ nói một mình, bây giờ có con Bông, nó hưởng ứng nhiệt tình.

Hai bà cháu bàn luận nào là cuộc đời gian truân của ông Hoàng đĩa nhạc Tấn Tài, Khôi Nguyên vọng cổ Minh Vương, Đệ nhất đào thương Út Bạch Lan, Cải lương chi bảo Bạch Tuyết, Nữ hoàng kiếm hiệp Mỹ Châu,…

Không biết con Bông đọc báo hay coi ti vi mà biết và nhớ rất nhiều về cuộc đời nghệ sĩ đến vậy, trong khi hai đứa em tôi trạc tuổi nó lại mù tịt về cải lương.

Có bữa đang ăn cơm chiều, ti vi phát chương trình thi giọng ca cải lương, con Hà nói với nội: “Con thấy thí sinh này đẹp, nhưng… ca như vậy là hay hay dở? Thiệt tình, con nghe ca cổ giọng của ai cũng giống như nhau, không phân biệt được!”

Nghe nhỏ em đang học lớp mười nói mà tôi mắc cười trong bụng. Tôi vốn không mê cải lương nhưng đâu đến nỗi tệ và ngớ ngẩn như nó. Thí dụ như có bữa nghe ké bà nội bài tân cổ “Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà”, tôi thấy ông Minh Cảnh hồi trẻ ca hay “ác liệt” lắm.

Nội nhìn con Hà, lắc đầu: “Tụi trẻ bây giờ cứ thích nhạc “cà híp cà hóp”gì đó, còn anh Hai mầy thì mê trái banh mấy chục người giành té lên té xuống, có thích cải lương, ca cổ đâu mà biết!”

Con Bông giải thích: “Hà nè, nghe ca cổ mình phải nhập tâm, giống như đang nghe bằng tấm lòng vậy đó, mới thấy hay! Như thí sinh số 58 này giọng thì trong, ngọt nhưng mấy chữ có dấu huyền thì hay bị mất hơi. Còn thí sinh 57 lúc nãy giọng mùi, nhấn giọng mấy chữ dấu sắc, dấu hỏi rất hay”.

Nội hỏi con Bông biết ca vọng cổ không mà nói chuyện “nghề” dữ vậy. Nó nói hồi ở quê có tham gia trong ban đờn ca tài tử của ấp nên được các cô, các chú dạy kỹ lắm.

Mắt nội chợt sáng lên: “Ờ, ờ, vậy mơi mốt rảnh ca cho bà nghe thử, nghen?” Con Bông ngập ngừng: “Dạ… dạ… nhưng con ca dở lắm!” Hai đứa con gái thấy ghét, nguýt một cái, vậy mà con Bông không biết.

Con Bông thích vào bếp, thích nấu món ngon cho cả nhà. Món nào không biết thì nội dạy. Nội nói nó sáng dạ, thích học hỏi giống bà thời trẻ.

Từ ngày có nó, không biết hai đứa em gái nghĩ sao mà bực mình, riêng tôi thấy bữa cơm của gia đình chu đáo hơn, không đơn giản, qua loa cho no bụng. Ngoài bữa cơm ra, hai bà cháu hay bày ra nấu chè, cơm nếp, chuối chưng, bánh lọt,…

Mùng năm tháng năm, nghe hai bà cháu bàn nhau đổ bánh xèo, mẹ tôi cản: “Má à, con không sợ tốn tiền nhưng muốn cúng tết nửa năm thì ra chợ mua, đổ bánh ở nhà chi cực lắm!”

Nội không chịu: “Biết vậy, má đã cao tuổi rồi thì hướng dẫn cho con Bông làm, nó không than cực mà còn thích nữa là đằng khác. Bánh xèo chợ, người ta làm thì ngon nhưng nhân bánh… không vừa ý mình đâu con!”

Đi học về, tôi thật bất ngờ và nể phục tài nghệ của bà nội và con Bông. Bánh xèo ngon, nước mắm vừa miệng đã đành, đằng này nhân bánh đủ loại vừa ý cho cả nhà: bánh nhân thịt ba rọi cho nội, nhân tép nhiều đậu xanh cho mẹ tôi, nhân xương cổ và cánh vịt bằm nhuyễn cho ba, hai đứa con gái thì có bánh xèo ngọt.

Riêng con Bông nói thích bánh xèo nhân thịt chuột bằm mà ở đây không có. Bánh xèo nhân thịt chuột! Em tôi lè lưỡi: “Ăn gì mà thấy ớn, thấy con chuột là nổi gai ốc rồi, nuốt sao vô!” Nội cười: “Là chuột đồng, chuột dừa mập ú, thịt trắng nõn, không phải chuột ống cống như ở Sài Gòn này đâu con!”

Ngày rằm, nội dạy con Bông nấu kiểm, cái món mà lâu rồi tôi không được ăn kể từ khi nội không dắt mấy anh em tôi đi lễ chùa như lúc nhỏ. Nội nói món kiểm mà không có bông trang rắc lên coi như mất ngon. Câu nói làm con Bông nhớ tới ngoại, ngoại của nó cũng thường nói với con cháu cái câu như vậy.

Sống ở quê, con Bông biết nhiều thứ mà tôi, em tôi, thậm chí đám bạn của tôi sinh ra và lớn lên ở thành thấy ngộ và xa lạ như ở tận một miền sâu thẳm nào đó trong cổ tích. Thí dụ như việc cúng căn cũng là một chuyện lạ.

Nó nói nhà thì nghèo nhưng mấy đứa cháu trong nhà, ngoại đều không quên cúng căn cho mạnh giỏi.

Nghe con Bông nói, nội lại nhằn và còn đổ thừa: “Thì đó, hồi mấy đứa còn nhỏ, tui cứ nhắc hoài phải cúng căn vậy mà có ai chịu đâu, người ta học thức, người ta chê cúng căn là mê tín dị đoan! Hổng chịu cúng bởi vậy mấy đứa nhỏ hồi đó cứ bệnh rề rề hoài hà”.

Em gái tôi thắc mắc hỏi cúng căn là gì, bữa nào nội cúng một lần cho nó biết. Nội cười đến chảy nước mắt, vỗ nhẹ vào đầu nó: “Mồ tổ cha mầy! Người ta cúng căn thì ba năm một lần vào lúc ba tuổi, sáu tuổi, chín tuổi và mười hai tuổi là xong. Ai đời con gái đang học đại học năm thứ nhất mà đòi cúng căn”.

Rồi nội nhìn tôi: “Ờ, hồi con được ba tuổi, nội nhằn riết mới cúng được một lần. Chiều, tụi nó đi làm về ghé chợ mua con vịt quay, cúng như vậy cũng bằng không”.

Con Kiều thắc mắc tại sao cúng vịt quay không được, nội giải thích muốn cúng căn thì phải nấu chè, xôi, một con vịt luộc tréo cánh và người được cúng phải đội cái sàng trên đầu có trầu, cau, giấy vàng bạc, một bộ đồ thế,…

Đội cái sàng tới khi nào tự nó đổ xuống mới thôi. Cúng xong, phải giữ lại hình ông cọp, dán trên đầu nằm, ban đêm có “ông Ba Mươi” phù hộ, con nít ngủ hổng bị giật mình.

Một buổi tối, sau khi vừa ăn cơm xong, con Bông nghe điện thoại từ dưới quê gọi lên. Lát sau, nó thủ thỉ với nội tôi:

- Dạ, xin phép bà Hai… mơi mốt cho con… nấu bánh bò, bánh chuối, khi nào xong việc nhà thì mang ra đường bán kiếm thêm tiền gởi về quê phụ ba má lo cho em đi học. Ba của con lúc này đau khớp nhiều, sức khỏe không tốt nên ít đi phụ hồ.

Nội nhìn con Bông, im lặng rất lâu rồi lẳng lặng đi vào phòng, hình như nội khóc. Con Bông thấy nội không trả lời, nó cúi mặt hối lỗi. Em tôi hỏi:

- Mẹ ơi, nội không cho con Bông làm bánh bán thì nói cho nó biết, sao… bữa nay… nội lại giận đến rớt nước mắt vậy?

Mẹ không trả lời mà nhìn ba. Ba ngó mấy anh em tôi bằng cặp mắt đỏ hoe:

- Không phải nội giận, nội nhớ chuyện xưa- rồi ba quay sang con Bông- Bông à, con bây giờ giống y chang như bà Hai hồi trẻ. Hồi đó sống ở quê, tánh bà cũng bộc trực, thật thà và hiền hậu như con vậy.

Ông mất sớm, nhà chỉ có hai công ruộng nên bà phải làm bánh bò, bánh chuối, bánh bèo,… cho chị Hai và chị Ba của chú bưng khắp xóm, thậm chí mang ra ngoài chợ bán kiếm tiền nuôi gia đình cả chục người con.

Bông à, người già thường nhớ quê, gần một năm nay có con lên đây, bà với con nói chuyện hợp nhau, cùng sở thích như nhau, chú thấy bà vui, ăn cơm được nhiều và khỏe ra. Thiệt tình, chú rất mừng, chú cảm ơn con nhiều lắm!

- Dạ… con không dám. Tình cảm của gia đình đối với con như vầy, lời cảm ơn… đáng ra là con phải nói. Con xin lỗi chú thím, tại… con thấy ba bệnh nhiều, gia đình đang gặp khó khăn, sợ em con phải nghỉ học giữa chừng như con, mới lớp tám nên… Cho con xin lỗi.

Hình như con Bông còn muốn nói thêm điều gì đó, tôi chỉ thấy môi nó mấp máy, mắt thì đỏ hoe, ướt nhèm khiến tôi và có lẽ hai đứa em cũng vậy, đang nghe lòng mình chùng xuống, nặng trĩu.

Từ bữa đó, hai đứa em tôi đã thay đổi thái độ với con Bông. Tụi nó hay hỏi chuyện ở quê và rất thích thú khi được nghe kể về những con cá linh nhảy xoi xói trong khoang ghe vào mùa nước nổi; giáp tết thì mùi khô cá lóc, cá chạch, cá sặt hăng nồng trong gió.

Chúng nó còn biết được để có hạt gạo trắng ngần, người nông dân phải bao ngày dầm mưa dãi nắng và nhiều đêm trằn trọc vì dịch rầy nâu hay ốc bưu vàng.

Con Bông thường say sưa kể về những dòng sông quê. Nơi ấy, đàn bà con gái không biết lái xe hơi hay taxi như ở Sài Gòn nhưng sử dụng máy Koler hoặc cầm máy vỏ lãi chạy băng băng qua sông Cái hay xuôi ngược khắp trăm con sông ngàn con rạch thành thạo không thua cánh đàn ông.

Trên những dòng sông ấy, có những gia đình lấy ghe làm nhà, vì chén cơm manh áo mà cả đời lênh đênh phiêu bạt, để mặc cho chữ nghĩa của con cái trôi theo dòng nước. Lại có người suốt ngày phải trầm nghịch dưới nước, dưới bùn sình để kiếm con tép, con cá hay con cua, con ốc vậy mà “Bà Cậu” không thương bắt phải túng thiếu quanh năm…

Một hôm, tôi- thằng con trai học năm thứ ba đại học- tự dưng hỏi thằng bạn thân một câu (hơi ngớ ngẩn): “Minh à, trên đời này… có khi nào hai người tưởng rằng ở hai thái cực, trái tánh, trái nết lại kết thành một đôi tâm đầu ý hợp không?”

Thằng Minh vo vo ngón tay trỏ bên thái dương theo thói quen một lúc rồi bất ngờ cười lớn: “A! Thằng này, có người yêu rồi hả, mậy? Mầy, mầy yêu con Bông rồi phải hông?” Tôi lắp bắp: “Đâu… đâu có… nghĩ gì mà… tầm bậy không hà!”

Bắt được nhược điểm nói lắp mỗi khi che giấu sự thật của tôi, thằng bạn khoái chí cười lớn hơn và ca vống lên: “Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều. Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui. Mơ vành môi thơm ngát hương đời. Tình kia phong kín mây trời. Khi yêu riêng một người thôi…”.

Hổng lẽ tôi yêu con Bông? Không thể nào! Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại lắp bắp khiến thằng bạn nghi ngờ. Không lý giải được, chỉ biết rằng càng ngày tôi càng thích ăn những món do con Bông nấu.

Và mỗi khi tiếp xúc với mấy đứa con gái trong lớp, học thức, ăn mặc thời trang, gia đình khá giả, tôi hay đem so sánh với con Bông, con nhỏ nhà quê chưa học hết lớp tám.

Và có lần con Bông nấu cho tôi tô cháo (sao giống bát cháo hành của Thị Nỡ nấu cho Chí Phèo quá!), rồi nhẹ nhàng: “Nè, anh Hai ăn đi! Cháo còn nóng, ăn xong là khỏe liền hà! Hồi hôm anh đi dự sinh nhật về chắc uống rượu nhiều hay sao mà xỉn quá chừng!

Bà Hai ngủ sớm, thím Tư ra mở cửa, nhằn anh dữ lắm!” Nhìn tô cháo và nghe những lời của con Bông (giống như một người thân, thân lắm!), tự dưng tôi nghe tim mình đập lung tung như loạn nhịp.

Chạng vạng, con Bông đang gom quần áo phơi đã khô trên sân thượng, tôi thì cũng loay hoay với mấy chậu lan.

- Anh Hai ơi, tự dưng em thấy nhớ nhà quá hà! Chắc tại hồi trưa trời mưa, từ sân thượng nhìn xuống thấy người ta mặc áo mưa băng qua đoạn đường nước ngập, tự dưng… em nhớ ông ngoại đội mưa lùa bầy vịt ngoài đồng, nhớ muốn rớt nước mắt luôn vậy á!

Con Bông nhớ nhà. Mỗi lần nhớ, nó lại nhắc chuyện ở quê. Ở vùng quê xa xôi đó có mùi bùn, mùi rơm ẩm ướt, mùi mồ hôi của những con người lam lũ.

Tôi hình dung được tiếng nước chảy lấp xấp qua những gốc rạ trơ khi hết mùa, rồi tiếng vịt kêu thảng thốt trong những chiều nắng tắt và đâu đấy mùi khói đốt đồng bảng lảng trôi trong gió.

Tôi như được tận mắt nhìn những căn nhà quê ven bờ kinh nhuốm vàng bông điên điển và tưởng tượng nửa đêm trở mình trong tiếng côn trùng nỉ non, không ồn ào tiếng còi xe…

Con Bông “lạ”!

Tôi, thằng con trai đang học đại học năm thứ ba tự dưng phát hiện ra một điều: Bây giờ… mình… cũng “lạ”!