Món ngon 3 miền

Xôi thấm tình người dân đất Việt

Cập nhật, 13:58, Thứ Ba, 03/03/2020 (GMT+7)

Đối với vùng đất có bề dày văn hóa lúa nước như Việt Nam thì những chế phẩm từ gạo có vị trí đặc biệt trong ẩm thực. Trong hầu hết bữa ăn của người Việt, từ mâm cơm gia đình, đến phở, bún, các món bánh truyền thống như bánh tét, bánh ú, bánh chưng, bánh dày,… đều không vắng mặt gạo hay nếp. 

Xôi ngũ sắc- đặc sản hấp dẫn của núi rừng Tây Bắc.
Xôi ngũ sắc- đặc sản hấp dẫn của núi rừng Tây Bắc.

Xôi cũng là một phần hồn cốt ẩm thực quê hương. Những tình cảm yêu thương của bà gửi gắm trong những nắm xôi đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ của dân tộc.

Hình ảnh quen thuộc nhất trong tuổi thơ của nhiều người là những gói xôi bọc lá chuối. Gói xôi nhỏ, nằm vừa khít trong lòng bàn tay.

Có khi buổi sớm đến trường mua vội gói xôi còn ấm sực, phảng phất mùi nếp và mùi đậu thơm nức rồi nhét trong cặp, đến giờ ra chơi mới lấy ra ăn. Dù “bẹp dí” nhưng đó là thứ quà khoái khẩu, có thời chỉ tốn từ 2.000- 3.000đ là chắc dạ.

Xôi đồng hành từng ngày, từng giờ từ lúc biết cắp sách đến trường cho đến lúc chúng ta trưởng thành. Xôi đã xuất hiện như một vật phẩm cúng không thể thiếu trong tiệc thôi nôi (khi trẻ em tròn 1 tuổi), cũng phải có trong lễ Cúng Mụ (tập tục cúng khi trẻ em tròn 12 tuổi âm lịch, nhân dịp đủ một vòng 12 con giáp). Trong đám hỏi, đám cưới, xôi xuất hiện với màu sắc tươi tắn, được in chữ “hỷ” hay hình hoa cầu kỳ.

Phần lễ cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp cũng có xôi in hình cá chép. Mâm cúng giỗ ông bà, cúng tết nhất cũng phải có một dĩa xôi. Hơn cả một món ăn đơn giản, xôi gắn liền với rất nhiều tập tục quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Xôi cũng đi vào thơ, ca, văn học dân gian, trở thành câu nói nằm lòng của biết bao thế hệ. Nhắc đến câu chuyện phú ông và thằng Bờm, chẳng có gì quý hơn một nắm xôi:

“Phú ông xin đổi hòn xôi, bờm cười”. Câu chuyện về khác biệt trong góc nhìn của mỗi người, điều có giá trị với người lớn phải thật to tát như “ba bò, chín trâu” hay “bè gỗ lim” thì đối với trẻ con, chỉ cần có nắm xôi là đủ tươi rói cả ngày.

Chuyện này đồng thời cũng nói lên sự gắn bó với xôi trong tư duy của người Việt Nam, vì sao không phải là món khác mà phải là xôi?

Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà văn Thạch Lam miêu tả về xôi mà phát thèm: “Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa.

Ồ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù…

Và có ai ngẫm nghĩ kỹ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp non bung: hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong...”

Hay xôi Tương Mai đi vào bài đồng dao mà người Hà Nội thuộc lòng: “Giếng Tương Mai vừa trong vừa mát/ Đường Tương Mai mới lát dễ đi/ Nghề làng: xôi lúa, hành phi/ Xa xôi bạn nhớ những gì quê hương”. 

Xôi Tương Mai ngon nhất là vào những hôm tiết trời se lạnh, cuối thu, đầu đông, lúc ấy người ta mới cảm nhận hết giá trị của miếng hành phi giòn tan trong miệng và đặc biệt là chút mỡ nước làm mềm xôi.

Ở Tây Nguyên như Đăk Nông, chúng tôi quyến luyến mãi món xôi nấu từ nếp rừng. Hạt nếp màu hồng nhạt, ở giữa có vân đỏ như mạch vừa dẻo vừa lạ, nấu lên có hậu ngọt thêm cái bùi bùi của đậu xanh đãi vỏ.

Đến Tây Bắc vào những dịp lễ tết hay chợ phiên, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng và thưởng thức cái đẹp, vị ngon của xôi ngũ sắc- món ăn dân dã đặc trưng của người Dao, người Tày.

Màu sắc của xôi ngũ sắc được tạo nên theo màu sắc tượng trưng cho ngũ hành như trắng (kim), xanh (mộc), đen (thủy), đỏ (hỏa), vàng (thổ).

Một đĩa xôi có 5 màu sắc khác nhau không chỉ cho thấy sự khéo léo, cầu kỳ của người chế biến mà còn tượng trưng cho khát vọng hạnh phúc, no ấm, mưa thuận gió hòa và sự hài hòa giữa trời đất và lòng người của đồng bào trên dải đất hình chữ S.

Món xôi khắc sâu trong tâm thức mỗi thế hệ, mỗi tầng lớp con người với nhiều phiên bản, bao nhiêu biến tấu từ hương vị, hình dáng cho đến màu sắc. Nhưng tất cả đều ngon với bí quyết nấu xôi gói ghém bởi sự tần tảo, yêu thương của những người phụ nữ Việt Nam.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY