Vén khéo chi tiêu

Cập nhật, 15:03, Thứ Năm, 28/05/2015 (GMT+7)

Từ những khoản thu nhập hàng tháng, bài toán làm sao để chi tiêu hợp lý và vẫn có khoản tiền tiết kiệm cho gia đình luôn được các “nội tướng” quan tâm. Đó là cách vén khéo để phòng ngừa những khó khăn tài chính mà mỗi gia đình có thể gặp.

Chọn mua những thực phẩm với giá cả phù hợp nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
Chọn mua những thực phẩm với giá cả phù hợp nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất.

Từ ngày lập gia đình, chị Thanh Thúy được tư vấn của mẹ và các chị bạn đồng nghiệp nên chị có cách chi tiêu hợp lý hơn. Chị Thúy làm nhân viên văn phòng, lương và khoản tăng thêm cố định tầm 6 triệu/tháng. Chồng chị làm nhân viên kinh doanh, thu nhập dao động từ 7- 9 triệu mỗi tháng. Hàng tháng, chi tiêu gì chị đều ghi chép cẩn thận và để riêng những khoản “tiền cứng” (gồm tiền nhà, điện, nước, điện thoại, tiền ăn); “tiền dự phòng” (đám tiệc, gửi ba mẹ, đau bệnh) và gửi tiết kiệm tích lũy hàng tháng ở ngân hàng để dành nuôi con, cất nhà. Chị Thúy chia sẻ: “Vợ chồng tôi ít đi ăn quán xá mà thường xuyên nấu cơm nhà để vừa ăn ngon, vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm. Tôi lên danh sách chi tiết những thứ cần mua nếu phải đi chợ, đi siêu thị; cố gắng tránh mua những thứ ngoài danh sách. Ngoài ra, khi nạp điện thoại, mua quần áo cho cả nhà, mua đồ dùng gia đình, cá nhân tôi luôn đợi khuyến mãi để mua với giá tốt”.

Vì ngoài việc chi tiêu cho gia đình chúng ta còn phải tích lũy để cho sau này con cái học hành, lỡ những lúc đau bệnh, rồi tiết kiệm để mua xe, mua nhà… Một hình thức tiết kiệm có kế hoạch hơn đang được không ít người quan tâm, đó là tiết kiệm tiền lương gửi ngân hàng. Hàng tháng, những người tiết kiệm theo hình thức này sẽ được trích một khoản tiền chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Hình thức này phù hợp với những cán bộ, nhân viên lĩnh lương qua thẻ ngân hàng, cứ đến kỳ lương ngân hàng sẽ tự động khấu trừ số tiền tiết kiệm theo đăng ký trước đó của người tiết kiệm...

Vợ chồng chị Phương Lan từ lâu đã làm bạn với ngân hàng. Mỗi tháng, chị để khoản tiền chi tiêu cần thiết trong gia đình ra riêng. Chị Lan đều dành ra một khoản để gửi tiết kiệm. Con gái chị 7 tuổi nhưng được chị mở tài khoản tiết kiệm Phù Đổng từ tiền lì xì tết của bé, mỗi tháng 1 triệu để dành cho bé. Mỗi năm chị đóng tiền bảo hiểm an sinh giáo dục để dành cho con gái học đại học. Ngoài vốn xoay vòng hàng tháng cùng với đồng nghiệp, vợ chồng chị để dành khoản cố định gởi tích lũy ngân hàng. Cứ tích cóp đều đặn hàng tháng như vậy, cộng với chi tiêu hợp lý, sau một thời gian chị Lan vui sướng với khoản tiết kiệm kha khá để đầu tư cho tương lai. Cứ hàng tháng sau khi lãnh lương của cả 2 vợ chồng, chị Thảo Hương cũng trích ra 1 khoản đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng, cứ tích tiểu thành đại, chứ để tiền ở nhà đôi khi hứng chí lên lại mua sắm. Chị Hương chia sẻ: “Gửi tiết kiệm tích lũy ngân hàng rất hay. Hàng tháng, họ bắt buộc mình gửi một khoản nhất định, nên đòi hỏi mình phải tiết kiệm, để dành khoản đấy trước khi tiêu các khoản khác. Ngoài ra, tôi còn nuôi heo đất để dành những khoản tiền lẻ. Tiền định mua sắm gì đó nhưng không mua thì sẽ nuôi heo; tiền định đi spa nhưng tiết kiệm chăm sóc da tại nhà bằng mặt nạ trái cây, sữa tươi cũng dành để nuôi... heo”.

Với những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt này thôi, nhưng nếu bạn khéo léo, “ví tiền” của bạn luôn khỏe và luôn “rủng rỉnh” để đầu tư tương lai.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG