Người lao động có thể thỏa thuận nghỉ phép gộp 3 năm 1 lần

Cập nhật, 05:01, Thứ Tư, 01/01/2020 (GMT+7)

Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung thêm một số trường hợp nghỉ việc riêng hưởng 100% lương và phải thông báo với người sử dụng lao động. Cùng với đó, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để quyết định thời gian nghỉ hàng năm và có thể nghỉ gộp 3 năm 1 lần.

Theo đó,  Điều 115 của Bộ luật Lao động quy định, trường hợp người lao động kết hôn sẽ được nghỉ 3 ngày; con đẻ, con nuôi kết hôn được nghỉ 1 ngày; cha, mẹ  đẻ, cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi của vợ hoặc chồng chết được nghỉ 3 ngày.

Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động nghỉ thêm ngày nhưng không hưởng lương.

Đối với ngày nghỉ phép, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được phép nghỉ 12 ngày làm việc đối với công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày đối với lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm công việc nặng nhọc, độc hại; và 16 ngày đối với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

Trong trường hợp, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hàng năm tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Đáng chú ý, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm 1 lần.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động quy định, người lao động khi nghỉ hàng năm được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

HP (nguồn Tạp chí Điện tử Tài chính)