Quy định mới về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, mất việc

Cập nhật, 13:45, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05 hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012.

Trong đó, có 9 nội dung sửa đổi đáng lưu ý sau

1. Người giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với hộ gia đình, tổ chức không có tư cách pháp nhân: Theo quy định mới, người được ủy quyền làm người đại diện theo quy định pháp luật sẽ là người giao kết HĐLĐ bên phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) thay vì mặc định là chủ hộ/người đứng đầu tổ chức ký.

2. Nội dung HĐLĐ

- Với phần chế độ nâng bậc, nâng lương: Bổ sung trường hợp 2 bên giao kết HĐLĐ có thể thỏa thuận thực hiện theo quy chế của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể.

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Bổ sung trường hợp 2 bên có thể thỏa thuận  thực hiện theo nội quy lao động, quy chế của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật.

(Không nhất thiết phải cụ thể ngày giờ làm việc trong HĐLĐ).

3. Quy định về HĐLĐ với người lao động cao tuổi: Khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì 2 bên thỏa thuận (thay cho cụm từ “thực hiện”) chấm dứt HĐLĐ.

4. Nghĩa vụ của NSDLĐ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế: Quy định mới về việc NSDLĐ thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh về những thay đổi nêu trên cần thực hiện bằng văn bản (có hướng dẫn nội dung chi tiết).

5. Quy định về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, mất việc.

- Thời gian thử việc, học nghề, tập nghề không được tính trong tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho NSDLĐ khi tính trợ cấp.

- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được NSDLĐ trả lương được tính là thời gian đã làm việc thực tế cho NSDLĐ.

- Thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính là thời gian người lao động đã tham gia BHTN khi tính trợ cấp (hiện hành không có quy định phần này).

- Bổ sung trường hợp NSDLĐ được kéo dài thời gian giải quyết quyền lợi của người lao động khi chấm dứt HĐLĐ lên tối đa 30 ngày đó là:

Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật Lao động.

6. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ: Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo HĐLĐ (thay vì là tiền lương ghi trong HĐLĐ của tháng trước liền kề) chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của NSDLĐ, nhân với số ngày người lao động nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

7. Bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

8. Đăng ký nội quy lao động: Không bắt buộc cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thông báo bằng văn bản (chỉ cần thông báo) đến NSDLĐ khi nội quy trái quy định pháp luật.

9. Trình tự xử lý kỷ luật lao động.

- NSDLĐ chỉ phải đảm bảo thông báo mời họp được gửi đến tay các thành phần tham dự trước khi diễn ra cuộc họp xử lý kỷ luật (không yêu cầu phải gửi trước ít nhất 5 ngày làm việc như quy định hiện nay).

- Nếu bất kỳ thành phần tham dự nào vắng mặt mà không có lý do chính đáng, NSDLĐ có quyền tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật; thay vì phải chờ đến khi đã tiến hành thông báo ít nhất 3 lần như quy định hiện nay.

Nghị định 148 có hiệu lực từ ngày 15/12/2018.

HP (nguồn nld.com.vn)