Nhiều trường hợp bị can không được đọc hồ sơ vụ án

Cập nhật, 14:42, Thứ Ba, 27/03/2018 (GMT+7)

Liên bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư liên tịch 02 quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.

Theo đó, bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được quyền đọc, ghi chép tài liệu từ sau khi kết thúc điều tra, trong giai đoạn truy tố đến trước khi tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa phải bảo đảm các yêu cầu về giữ bí mật theo quy định của pháp luật, không gây cản trở và bảo đảm thời hạn của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án quyết định việc để bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thực hiện việc đọc, ghi chép khi họ có yêu cầu nếu không thuộc một trong các trường hợp như quy định dưới đây.

Cụ thể, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án phải từ chối việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu hoặc từ chối việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tiếp tục đọc, ghi chép tài liệu trong các trường hợp:

Các tài liệu liên quan đến bí mật Nhà nước; bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình của người tham gia tố tụng mà họ đã yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giữ bí mật…;

Các quyết định, lệnh, văn bản tố tụng đã được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội;

Có căn cứ xác định bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thực hiện một trong các hành vi: Mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, giả mạo chứng cứ; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại…;

Xúc phạm đe dọa sử dụng vũ lực với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Đã được triệu tập mà vắng mặt không lý do;

Có căn cứ xác định tiết lộ thông tin vụ án, bí mật điều tra mà mình biết khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu giữ bí mật…

Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng từ chối cho đọc hoặc sao chép tài liệu khi chưa kết thúc điều tra vụ án, vụ án đang trong giai đoạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung hoặc điều tra lại hoặc tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử;

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra đối với bị can; đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Thông tư liên tịch 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 18/3.

HP (nguồn PLO)