PHỎNG VẤN: CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG NĂM 2014

Chọn khâu đột phá là dân vận chính quyền

Cập nhật, 12:50, Thứ Năm, 26/12/2013 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động số 19 để triển khai cụ thể nghị quyết này. Năm 2014, Tỉnh ủy đã chọn khâu đột phá là công tác dân vận chính quyền.


Đồng chí Huỳnh Thị Diện- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Đồng chí Huỳnh Thị Diện- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trao đổi một số vấn đề xoay quanh công tác này.

* Năm 2014, Tỉnh ủy đã chọn công tác dân vận chính quyền là khâu đột phá để thực hiện, đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về công tác dân vận thời gian qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long?

- Từ Đại hội VI đến nay, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể cho từng đối tượng, từng lĩnh vực trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Những chủ trương này đã từng bước giải quyết những vấn đề cấp bách về công tác vận động quần chúng trong bối cảnh đất nước và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân” (gọi tắt là Nghị quyết 8B). Nghị quyết ra đời đã phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình cách mạng, của mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, công tác vận động quần chúng của Đảng bộ Vĩnh Long đã có những bước tiến quan trọng cả nhận thức và hành động. Các cấp ủy và tổ chức Đảng quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp về quan điểm công tác vận động quần chúng của Đảng được nâng lên. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội, được đổi mới một bước quan trọng.

Tình hình tư tưởng trong nhân dân cơ bản ổn định, dân trí phát triển, dân chủ được quan tâm thực hiện, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực, quyết tâm khắc phục vượt qua khó khăn, động viên mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội.
 
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng đã tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; an ninh chính trị bảo đảm, trật tự xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác vận động nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy.

Các phong trào như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xã hội hóa giáo dục, y tế, dân số- kế hoạch hóa gia đình, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tỉnh ngày càng vững chắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của Đảng trong thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận chưa chặt chẽ, việc nắm tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội chậm đổi mới, một số nơi còn biểu hiện hành chính hóa.

Công tác xây dựng bộ máy, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ làm công tác dân vận cấp cơ sở còn nhiều khó khăn; điều kiện, phương tiện vật chất phục vụ cho hoạt động của Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội các cấp chưa được quan tâm đúng mức.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, một số cơ quan chính quyền các cấp lúng túng về nội dung, phương pháp công tác dân vận chính quyền. Cán bộ dân vận nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ, chưa tâm huyết với công việc.

Biên chế cán bộ công chức Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội còn bất cập như: cán bộ chuyên trách dân vận cấp cơ sở không được bố trí biên chế; chế độ chính sách chưa khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

* Để thực hiện tốt Nghị quyết này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận

- Để triển khai nghị quyết này, trong năm 2014, Ban Dân vận Tỉnh ủy tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị- xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới; tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan khối chính quyền.

Cụ thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp cùng Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh có kế hoạch, chọn điểm chỉ đạo đột phá một đơn vị rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình ở các cơ quan tỉnh. Chỉ đạo điểm tại TX Bình Minh và phân công cán bộ hỗ trợ cùng thị xã xây dựng mô hình dân vận chính quyền ở cơ sở để nhân rộng toàn tỉnh. Cuối năm tiến hành kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm.

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững an ninh chính trị. Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, các hội quần chúng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Hoạt động phải hướng về cơ sở, quan tâm lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên.
 
Mỗi đoàn thể chính trị- xã hội phải có kế hoạch của ngành mình thực hiện Nghị quyết 25/TW và Chương trình hành động số 19/TU. Đặc biệt là vận dụng vào thực tế xây dựng nông thôn mới ở 22 xã điểm trong năm 2014 này.

Ngoài ra, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận, đồng thời thực hiện tốt chức năng phản biện của MTTQ và các đoàn thể.

* Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

THANH TÂM (Thực hiện)