An Nhơn làm theo lời Bác

Cập nhật, 05:43, Thứ Sáu, 09/06/2017 (GMT+7)

Xe chúng tôi bon bon chạy trên những tuyến đường liên ấp An Nhơn (xã Trung Thành- Vũng Liêm), khó tin được rằng đây là xã còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dân vận, năm 2016 có thêm 700m đường đan liên ấp được hoàn thành, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn.

Bí thư kiêm Trưởng ấp An Nhơn Trần Văn Tâm trên con đường Tổ 8.
Bí thư kiêm Trưởng ấp An Nhơn Trần Văn Tâm trên con đường Tổ 8.

Dân vận khéo

Sau những ngày mưa liên tiếp, chúng tôi đến ấp An Nhơn trên những con đường xanh- sạch- đẹp. Bí thư kiêm Trưởng ấp Trần Văn Tâm cười thật tươi: “Năm rồi, ấp làm xong 2 tuyến đường Tổ 8 và đường liên Tổ 1, 2, 3, 4 nên giờ đường sá ngon lành lắm”.

Ông Trần Văn Tâm rành rọt từng ngôi nhà, từng hộ dân trong ấp này vì “đã 10 năm làm bí thư kiêm trưởng ấp”.

Cho nên, khi thấy người dân đi lại khó khăn, học sinh bì bõm lội bùn lầy đi học mỗi mùa mưa, ông lại không yên lòng. Ấp đề nghị xã, xã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí làm đường và được chấp thuận để “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Hiểu được làm gì cũng phải có nhân dân ủng hộ, ông Trần Văn Tâm tổ chức họp dân để lấy ý kiến về việc hiến đất làm đường và kinh phí để xây dựng. 2 tuyến đường dài trên 759m, người dân đồng thuận hiến hơn 1.600m2 để làm đường giao thông thay cho con đường mòn nhỏ bấy lâu nay.

Về kinh phí, nhân dân đóng góp 49%, hộ trực tiếp thụ hưởng từ tuyến đường đóng góp 1 triệu đồng, hộ thụ hưởng gián tiếp 500.000đ. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo đều được miễn giảm tùy hoàn cảnh.

Ấp An Nhơn có 122/515 hộ dân là người dân tộc Khmer, đa số bà con còn khó khăn với 39 hộ nghèo và 60 hộ cận nghèo. Để làm được 2 tuyến đường này, ông Trần Văn Tâm và các thành viên hội, đoàn thể đã đi vận động ròng rã hơn một tháng trời.

Chú Sơn Ơn- người dân trong ấp- nói: “Làm đường thì ai cũng phấn khởi nhưng mà đi thâu tiền thì ông bí thư ấp cực trăm bề. Tui thấy có hộ phải đi đến 3- 4 lần, mà để làm đường này phải vận động cả trăm hộ chứ đâu có ít”.

Ông bí thư kiêm trưởng ấp chỉ cười, chia sẻ: “Dù 500.000đ không phải nhiều nhưng vì nhiều hộ còn khó khăn lắm nên mình phải thông cảm. Có những hộ già neo đơn, bệnh tật thì mình xin phép bà con trong ấp cho miễn, hộ nghèo thì có nhiêu đóng góp bấy nhiêu”.

Để bù đắp vào khoảng thiếu hụt này, ông bí thư kiêm trưởng ấp vận động các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ 40 triệu đồng.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũng Liêm cho biết, ấp An Nhơn là địa phương đã được tuyên dương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đang đề nghị báo cáo cấp Trung ương về công tác dân vận làm đường liên xóm.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Đường liên Tổ 1, 2, 3, 4 sáng- xanh- sạch- đẹp.
Đường liên Tổ 1, 2, 3, 4 sáng- xanh- sạch- đẹp.

Khi dân đã đồng thuận thì chỉ trong 2 tuần, 2 con đường liên ấp được hoàn thành. Con đường liên Tổ 1, 2, 3, 4 dài 420m, rộng 2,5m và con đường Tổ 8 dài 339m rộng 2m, tổng kinh phí hơn 530 triệu đồng.

Ông Bí thư kiêm Trưởng ấp Trần Văn Tâm cho biết, nổi bật trong phong trào làm đường ở đây là những hộ dân sẵn lòng đóng góp thậm chí đóng góp gấp đôi số tiền quy định.

Ngôi nhà mới khang trang của chú Thạch Oen nằm xa xa con đường đan Tổ 8 mới làm, chú có thửa ruộng nằm trên con đường này nên là hộ hưởng lợi trực tiếp phải đóng 1 triệu đồng. Khi chúng tôi đến nơi thì chú cũng vừa đi thăm đồng.

Con trai chú- thầy giáo Thạch Xa Riết- vui vẻ: “Nghe có chủ trương làm đường Tổ 8, nhà tôi mừng lắm, đóng liền 3 triệu đồng. Hồi đó, mỗi lần đi ruộng toàn lội bộ, vì đường mòn bằng đất mà, thu hoạch lúa cũng phải thuê người chở ra tới lộ mới có lái mua, tính ra mỗi mùa mất hơn 1 triệu tiền thuê chở lúa”.

Niềm vui của thầy Xa Riết còn vì thấy học trò mình đỡ vất vả hơn khi tới lớp bởi “có mấy trăm mét đường đất mà mưa thì lội bì bõm, lấm lem thấy thương lắm”.

Không chỉ có những hộ khá giả, hộ trung bình cũng mạnh dạn đóng góp và sẵn sàng hiến đất làm đường. Chú Sơn Ơn có căn nhà lá vách ván đơn sơ nằm cuối con đường Tổ 8, thu nhập chính từ chăn nuôi và 3 công ruộng.

Chú Sơn Ơn vui vẻ: “Dù đất đai không có bao nhiêu nhưng hiến đất làm đường thì bao nhiêu tui cũng hiến. Còn đóng tiền thì sau khi họp ở ấp về là tui chuẩn bị liền, một triệu với tui lớn thiệt nhưng để làm đường cho con cháu đi thì bao nhiêu tui cũng ráng lo.

Từ hồi có cái đường này, lái đã vô tận ruộng mua lúa, giá trị nông sản cũng được nâng lên”.

Con đường liên Tổ 1, 2, 3, 4 thật khang trang với những ngôi nhà mới đa màu sắc mọc lên. Cô Nguyễn Thị Én có nhà dọc theo tuyến đường này không giấu được niềm vui: “Làm đường xong, nhà tui mua 2 chiếc xe máy” trong khi trước đây, nhà chỉ có một chiếc xe đạp.

Bởi mùa nắng thì còn nương theo đường mòn chạy xe đi chợ, đưa con đi học và đi làm hột điều. Còn mùa mưa thì vác xe đạp xăn quần, dẫn con lội bùn ra đầu đường xin nước rửa chân.

Cô Én nói: “Bây giờ xe 7 chỗ chạy in in tới tận nhà”. Thấy được lợi ích khi làm đường nên ngay khi được vận động, cô Én sẵn sàng đóng góp dù “nhà tui không có ruộng đất, chỉ sống bằng nghề làm thuê, tháng nào xong tháng nấy hà”.

Nhìn những con đường mới đẹp đẽ, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Trần Văn Tâm không giấu được niềm vui ánh lên trong mắt. Ông chỉ tay vào những ngôi biệt thự gần đó: “Có đường là có nhà đẹp, lại có mấy hộ ở xa lại mua đất cất nhà, đất đai ở đây đã có giá hơn trước nhiều”.

Sức mạnh của lòng dân là thế, khi người đảng viên làm tốt công tác dân vận, được mọi người đồng tình thì mọi việc dù khó khăn mấy cũng có thể thực hiện được.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành Võ Văn Thanh cho biết: Ấp An Nhơn là ấp có đông người dân tộc lại còn nhiều khó khăn. Gần đây, đời sống người dân đang được nâng lên nhờ giao thông phát triển, đặc biệt là những tuyến đường liên ấp. Cố gắng đến cuối năm 2017 này, khi đoàn của tỉnh xuống kiểm tra sẽ công nhận ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa tiêu biểu sáng- xanh- sạch- đẹp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

TIN LIÊN QUAN