Quyết liệt "nói không với nợ đọng xây dựng cơ bản"

Cập nhật, 18:30, Chủ Nhật, 25/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (GNBV) và Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, chủ trương này là cần thiết và phải tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, tôi  nhất trí cao về sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và GNBV.

Đã qua, 2 chương trình này đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, qua đó đem lại nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc tiếp tục triển khai thực hiện 2 chương trình này trong giai đoạn mới còn là sự đảm bảo tính liên tục, liền mạch trong lãnh đạo điều hành và ưu tiên huy động nguồn lực để tiếp tục giải quyết các mục tiêu mà 2 chương trình này chưa thực hiện xong trong giai đoạn trước, cũng như tập trung giải quyết một số mục tiêu kinh tế - xã hội mới, cấp bách cần đầu tư công quốc gia.

Đóng góp thêm cho chủ trương này, tôi đề nghị Chính phủ, các ngành chủ quản tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể đối với các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan để tránh trùng lắp nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng của 2 chương trình này, từ đó tối ưu hoá các giải pháp triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn tiếp theo.

Song song đó, khắc phục cho được những hạn chế, bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu ở đoạn trước: Tình trạng nợ tiêu chí; nợ đọng xây dựng cơ bản, đã qua Chính phủ cũng quyết liệt chủ trương cứ địa phương nào còn nợ đọng là không công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nên kỳ vọng trong giai đoạn mới, chúng ta sẽ quyết liệt “nói không với nợ đọng xây dựng cơ bản”. 

Đối với chương trình GNBV, một số chính sách giảm nghèo chưa được các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực hay tình trạng nguồn vốn tín dụng tăng lớn nhưng chương trình tín dụng có thời hạn ngắn, mức cho vay thấp so với yêu cầu thực tế; mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng của nhiều chương trình, tiểu dự án còn trùng lặp (có khi cũng không đúng đối tượng thụ hưởng), gây lãng phí nguồn lực, chưa đảm bảo tính công bằng.

Những hạn chế trên làm cho hiệu quả xây dựng NTM & GNBV chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn cao, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn.

Do vậy, để thực hiện tốt chủ trương đầu tư xây dựng NTM và GNBV trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt, đề nghị đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng  NTM: Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ huy động, phân bổ, giải ngân và sử dụng các nguồn lực theo nguyên tắc mà chúng ta đã từng làm là lấy nguồn vốn cân đối từ ngân sách nhà nước đóng vai trò là “nguồn vốn mồi” thu hút các nguồn lực khác ngoài nhà nước (có cả nguồn lực trong nhân dân và nguồn lực trong hợp tác quốc tế).

Hiện, các xã chưa đạt chuẩn NTM thường là những xã khó khăn, địa bàn rộng và càng về sau càng có nhiều thách thức hơn, bởi yêu cầu cao hơn.

Do đó, những cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện chương trình tích cực phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thống kê chính xác, làm rõ chủ thể, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ cụ thể, cân nhắc phân bổ đầu tư cho từng tiêu chí, chỉ tiêu, để có sự phân khai nguồn lực phù hợp, không dàn trải, dàn đều, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực; bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và bền vững của mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh mới.

Song song đó, ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng NTM, chú trọng phát huy lợi thế của từng vùng, miền, cũng như các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm; và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, nông nghiệp công nghiệp cao, để đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai và thỏa được nguyên tắc “NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia GNBV, cần xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra tiêu chí đánh giá, đo lường đa chiều không rõ ràng, không hài hòa, cân đối giữa các yếu tố định tính và định lượng, có như vậy mới cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững, khi triển khai cũng cần tập huấn kỹ, nhất quán từ nhận thức đến cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của giai đoạn mới.

Rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính hỗ trợ, bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ và không muốn thoát nghèo, so bì chính sách. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn với vùng phát triển, để không phát sinh tình trạng vùng thiếu vùng thừa, nơi ăn không hết nơi lần không ra.

Nhanh chóng thúc đẩy phát triển chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng ĐBSCL, cũng như các chính sách giảm nghèo gắn với quốc phòng an ninh, giảm nghèo hướng đến các đối tượng bị tác động trực tiếp, nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

TÂM THI (ghi)