Sáng mãi tinh thần hào khí Nam Kỳ

Cập nhật, 08:18, Thứ Bảy, 21/11/2020 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long trong khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những địa phương có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhất, góp phần viết nên trang sử oanh liệt của “Nam Bộ thành đồng”. Cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên ở huyện Vũng Liêm đã thể hiện rõ tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của đảng bộ, quân và dân trước kẻ thù xâm lược. 80 năm đã qua, nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tiếp thêm dũng khí cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) ghi dấu ấn Nam Kỳ khởi nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) ghi dấu ấn Nam Kỳ khởi nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khúc tráng ca sống mãi

Cùng với việc quân Nhật kéo vào Bắc Bộ, thừa cơ quân Pháp bối rối, tháng 11/1940, quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính người Nam Bộ và người Khmer ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.

Theo ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khởi nghĩa Nam Kỳ, tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhất và thu được những thành công có ý nghĩa to lớn. Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long gắn liền với tên tuổi của những nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn Thị Hồng, Võ Văn Kiệt. Khởi nghĩa diễn ra trên phạm vi rộng ở 3 quận: Châu Thành, Vũng Liêm và Tam Bình. Tại Vũng Liêm, quân cách mạng đã giành chính quyền toàn huyện Vũng Liêm, chiếm giữ huyện lỵ trong 8 giờ, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên nóc trại lính bảo vệ dinh quận.

Chúng tôi đến thăm đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) là “chứng nhân” nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuối năm 1940, thực dân Pháp đàn áp phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa, lục soát ngôi đình và bắt đi hơn 20 nghĩa quân. Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ ở đình khắc ghi những dòng chữ: “Ngày 23/11/1940, nhân dân tỉnh Vĩnh Long kiên cường nổi dậy tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo. Nghĩa quân Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, hạ các đồn: Trung Ngãi, Ngã tư Nhà Đài, Quới Thiện, Nước Xoáy, giành được chính quyền từ quận đến các xã. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Vũng Liêm… Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, toàn quận Vũng Liêm có 37 người bị giết hại, 457 người bị bắt, 159 người bị lưu đày, hơn 300 căn nhà bị đốt, hàng ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất…”

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa to lớn, là một trong “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc”. Nói về những bài học của khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, đồng chí Trương Công Giang- nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long- đã viết: Khởi nghĩa Nam Kỳ đã diễn ra cách đây 80 năm nhưng bài học về cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị; vì lý tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không sợ gian khổ, hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đảng vì dân, dân tin Đảng, theo Đảng đoàn kết thành một khối thống nhất là một trong những yếu tố quyết định biểu lộ tinh thần của khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, là nguồn gốc thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và mọi thành tựu của công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước ta hiện nay.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long tiếp nối truyền thống cách mạng, phấn đấu xây dựng quê hương. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ thắp hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long tiếp nối truyền thống cách mạng, phấn đấu xây dựng quê hương. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ thắp hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa.

Câu kết trong Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ ở đình Bình Phụng đã ghi: “Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi mãi biểu tượng ý chí quật khởi và khí phách bất khuất của người dân yêu nước. Oanh liệt thay, một khúc ca bi tráng trong bản anh hùng ca chống giặc ngoại xâm”.

Về Trung Hiệp hôm nay

Xã Trung Hiệp- quê hương của chú Chín Hòa (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cũng là vùng đất đầu tiên nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long. Sau ngày giải phóng, từ một địa phương có hạ tầng yếu kém; kinh tế, văn hóa- xã hội chưa phát triển, Trung Hiệp hôm nay vươn mình đổi mới từng ngày như mong muốn lúc sinh thời của chú.

Tuyến Đường tỉnh 907- đường về quê chú Chín Hòa- được trải nhựa phẳng lỳ, cây xanh, hoa cỏ đua nhau khoe sắc. Dọc bên đường, những ngôi nhà tường khang trang mọc lên. Cô Nguyễn Thị Thơm gắn bó thời gian dài với Hội LHPN ấp Rạch Ngay, chỉ con đường trước nhà: “Ngày xưa lùm bụi hoang vu, giờ đường nhựa xe bon bon, đèn năng lượng mặt trời vừa mới lắp trong năm, bà con yên tâm tránh trộm cắp, đi buổi tối an toàn hơn…”

Theo cô Thơm, mỗi bước thay đổi của địa phương đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và nhân dân: “Phát huy tinh thần từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, từ cuộc đấu tranh với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đảng và dân ta đoàn kết chống giặc. Đến thời bình thì Đảng cùng dân góp sức để quê hương phát triển. Vì sao lại tin Đảng?

Đảng vì dân, Đảng làm những việc có ích cho dân thì dân đoàn kết cùng làm. Chính quyền địa phương quan tâm đời sống bà con, nếu đi vận động bà con làm việc có ích cho họ như hiến đất làm kinh, lắp đèn… bà con đồng thuận ngay. Nếu có gì còn băn khoăn, bà con không ngại góp ý để chính quyền cùng làm với dân. Giờ hầu như không còn hộ nghèo nữa, ai cũng sống được với nghề nông, đan lục bình, nuôi gà…”

Đầu năm 2014, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh khi đó là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Long (nay là Phó Chủ tịch nước)- đã quan tâm và đặt vấn đề cho BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, lãnh đạo huyện Vũng Liêm phải đưa xã Trung Hiệp- quê hương của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt- vào danh sách xây dựng đạt chuẩn xã NTM giai đoạn 2016- 2020. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, xã Trung Hiệp được công nhận NTM năm 2017 và đang phấn đấu để trở thành xã NTM nâng cao.

Đồng chí Phạm Thành Chiến- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Hiệp- cho biết, truyền thống cách mạng của địa phương ghi nhận công lao của các chú đi trước, Đảng bộ xã Trung Hiệp lấy đó làm tấm gương nêu cao tinh thần cách mạng địa phương, từng bước Trung Hiệp xây dựng xã NTM, phấn đấu lên NTM nâng cao để cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.

Xã Trung Hiệp- quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- quê hương của khởi nghĩa Nam Kỳ hôm nay.
Xã Trung Hiệp- quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- quê hương của khởi nghĩa Nam Kỳ hôm nay.

“Trung Hiệp nổi tiếng phát triển đàn gà của huyện, khoảng 90.000 con, người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người 49 triệu đồng/năm. Chúng tôi vận động mỗi ngõ trồng hoa, vận động làm đèn đường 7/7 ấp hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.

Bác Hồ từng nói: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tinh thần dựa vào dân là chính, dân đồng lòng mới thành công, chương trình, kế hoạch, dự án muốn hoàn thành đều phải có sự góp ý của dân. Cuối tháng 11 này sẽ đến kỳ phúc tra xã NTM nâng cao. Chúng tôi phấn đấu làm sao để không cần phải nói mà ai bước vô cũng thấy quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa giờ là xã NTM”- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ.

Với sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Trung Hiệp đổi mới từng ngày. Về thăm nơi đây, chúng tôi thêm tự hào về vùng đất và con người trên quê hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt- quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa.

Kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY