Đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI

Cần có cơ chế sáng tạo để giữ người giỏi, tạo điều kiện cho người Vĩnh Long đóng góp vào sự phát triển của tỉnh

Cập nhật, 05:43, Thứ Ba, 08/09/2020 (GMT+7)

 

PGS.TS Trần Minh Tuấn.
PGS.TS Trần Minh Tuấn.

Đóng góp cho dự thảo “Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025”, Phó GS.TS Trần Minh Tuấn- Phó Giám đốc Thường trực Học viện Khoa học Xã hội- đã có những ý kiến rất thiết thực, chân tình.

Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, khoa học, bố cục hợp lý, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, giúp người đọc hình dung bức tranh toàn cảnh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015- 2020 và nhìn lại 35 năm đổi mới trên các mặt thành tựu, hạn chế và nguyên nhân cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Bên cạnh, tôi cũng góp ý: về chủ đề đại hội, cần được viết khái quát, ngắn gọn, dễ nhớ, thể hiện ý chí và khát vọng, mang tính định hướng, tạo sự đột phá trong tư duy phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn phát triển mới.

Theo đó, đề nghị nên lựa chọn phương án 1 và có thể điều chỉnh là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy khát vọng dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững”.

Dự thảo Báo cáo chính trị về cơ bản có kết cấu khá hợp lý. Song, tiêu đề các phần nên được cân nhắc viết gọn và rõ hơn nhưng vẫn đảm bảo phản ánh được các nội dung cần trình bày.

Về nguyên tắc, báo cáo chính trị cần dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X và đề cương xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Vĩnh Long lần thứ XI để phân tích, đánh giá toàn diện về các mặt thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học. Theo đó, cần cấu trúc lại báo cáo này một cách khoa học, logic, mạch lạc và hoàn thiện hơn.

Về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, phần dẫn nhập (trang 1- 2) từ đoạn “Thực hiện... tất cả các lĩnh vực” nên nêu rõ hơn thuận lợi và khó khăn để thấy được bối cảnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Cân nhắc bỏ mục II: Kết quả 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, hoặc nên lồng ghép trong “Đánh giá chung”; nội dung về “Kết quả thực hiện các chương trình hành động chuyên đề” nên lồng ghép vào nội dung “Kết quả thực hiện các khâu đột phá” để thấy rõ hơn việc thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá và 6 chương trình hành động cũng như kết quả đạt được.

Nội dung về “Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ” nên chuyển vào nội dung lĩnh vực kinh tế thì phù hợp hơn để ở nội dung lĩnh vực văn hóa- xã hội.

Mục V (từ trang 15) đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa còn chung chung, mang tính hình thức và các nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa cũng vậy, chủ yếu nhấn mạnh vào các phong trào văn hóa, các hoạt động văn hóa mà chưa thực sự tập trung vào chiều sâu văn hóa.

Nội dung phát triển bền vững, phát triển con người, phát triển văn hóa chưa được thể hiện rõ cả trên phương diện đánh giá lẫn phương diện xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2020- 2025.

Về nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh (trang 32- 33), với tính cách là thành tựu quan trọng của Vĩnh Long trong nhiệm kỳ qua, nội dung này cần được tiếp tục đánh giá sâu trên các khía cạnh. Ngoài ra, cần bổ sung một mục đánh giá về mối công tác giữa HĐND và các cơ quan hữu quan.

Trong đánh giá nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém cần phân tách ra thành 2 nhóm nguyên nhân: Nguyên nhân chủ quan từ phía tỉnh Vĩnh Long và nguyên nhân khách quan. Nên làm rõ và nhấn mạnh nhiều hơn đến các nguyên nhân về thể chế, về đội ngũ cán bộ và nhân lực của tỉnh.

Về dự báo tình hình trong 5 năm tới, cần cân nhắc làm rõ nội dung “Dự báo bối cảnh tác động đến phát triển kinh tế- xã hội tỉnh” bao gồm: bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước và bối cảnh tỉnh Vĩnh Long trong những năm tới cần được trình bày một cách đầy đủ và sâu sắc hơn.

Về phương châm, phương hướng, mục tiêu chung, khâu đột phá và chỉ tiêu: Phát triển tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm tới cần được xác định rõ dựa trên các quan điểm, định hướng phát triển chủ đạo.

Cần định vị phát triển Vĩnh Long dựa trên phát huy mạnh hơn nữa lợi thế của tỉnh, gắn với vị trí, vai trò hợp tác, liên kết, kết nối với các tỉnh- thành vùng ĐBSCL cũng như các tỉnh- thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy các thành tựu khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thúc đẩy cấu trúc lại kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của nhân dân; phát triển theo hướng thuận thiên chủ động, phù hợp với đặc thù biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL, gắn sát với nhu cầu thị trường.

Nên trình bày riêng về “Nhiệm vụ và Giải pháp” đối với từng tiểu mục. Hiện, 2 nội dung này được trình bày lẫn vào nhau nên rất khó theo dõi. Đặc biệt là nội dung về giải pháp không được thể hiện rõ. Cân nhắc các định hướng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các phương hướng đưa ra cần hết sức cụ thể.

Vấn đề đào tạo nghề cần được ưu tiên chú ý đặc biệt trong nhiệm kỳ tới để cải thiện chất lượng lực lượng lao động của tỉnh. Cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề và hướng nghiệp.

Nên có chính sách thu hút người giỏi từ các tỉnh khác và từ nước ngoài đến làm việc trong tỉnh. Liên quan đến nguồn nhân lực là vấn đề di dân lao động.

Vĩnh Long là tỉnh xuất cư nhiều hơn nhập cư, và người lao động di cư cũng đều là người trẻ, có trình độ. Cần có cơ chế sáng tạo để giữ người giỏi cũng như tạo điều kiện cho người gốc Vĩnh Long đang sống và làm việc ở xa đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

XUÂN TƯƠI (ghi)