Cán bộ tuyên giáo phải "đi trước, đi cùng và đi sau"

Cập nhật, 07:40, Thứ Sáu, 31/07/2020 (GMT+7)

 

Trong xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác tuyên giáo đã cổ vũ người dân hiến đất, hiến công, hiến của, hiến kế để xây dựng hạ tầng nông thôn.
Trong xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác tuyên giáo đã cổ vũ người dân hiến đất, hiến công, hiến của, hiến kế để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng và có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Trong bối cảnh mới với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen đòi hỏi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải đương đầu với tinh thần “đi trước, đi cùng và đi sau”- đó là nhận định của đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- khi kể về chặng đường 90 năm vẻ vang ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930- 1/8/2020).

Cổ vũ phong trào, động viên tinh thần cách mạng

“Công tác tuyên huấn là một phần quan trọng trong vận động quần chúng làm cách mạng. Từ khi Đảng thành lập đã có công tác tuyên huấn. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, mọi ngành, mọi cấp, chứ không riêng gì ngành tuyên huấn (tuyên giáo).

Để có phong trào cách mạng, gầy dựng cơ sở, giác ngộ quần chúng thì công tác tuyên huấn đóng vai trò quyết định, nhất là những giai đoạn ác liệt, những khúc quanh của lịch sử, công tác tuyên huấn có vai trò cổ vũ phong trào, động viên tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân”- đồng chí Nguyễn Thanh Hùng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và là một trong những đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong thời kháng chiến- chia sẻ.

Công tác tuyên giáo phát huy vai trò “đi trước, đi cùng và đi sau” để tuyên truyền, động viên và lắng nghe dư luận xã hội.
Công tác tuyên giáo phát huy vai trò “đi trước, đi cùng và đi sau” để tuyên truyền, động viên và lắng nghe dư luận xã hội.

Những năm 1954- 1960, Đảng ta hoạt động bí mật nên mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ nơi đâu cũng tuyên truyền, vận động nhân dân, thành lập và gầy dựng cơ sở đến đó.

Từ đó, đã cổ vũ quần chúng tham gia Đồng khởi Vĩnh Long (14/9/1960), cùng với Tỉnh ủy Vĩnh Long giải phóng vùng chữ V ở huyện Châu Thành (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), gồm 3 xã: Hòa Tân, An Khánh, Tân Nhuận Đông. Đây là một trong những địa bàn mà Tỉnh ủy đã “đứng chân” trong thời chiến. Nơi đây có các ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam…

Trong đó, Ban Tuyên huấn có nhiệm vụ xây dựng phong trào, tuyên truyền, cổ vũ phong trào, một mặt giữ vững được vùng giải phóng, mặt khác đấu tranh chính trị với địch, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Lúc đó, Ban Tuyên huấn là một ban của Đảng bộ tỉnh có rất đông cán bộ, nhân viên được bố trí trong các tiểu ban và đơn vị chuyên môn như: Huấn học, Tuyên truyền, Thông tấn- Báo chí, Giáo dục, Văn nghệ; Trường Đảng, Nhà in, đoàn Văn công… cùng làm công tác tuyên truyền, vận động, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam.

Thời chiến, tình hình tỉnh ta rất ác liệt, có lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng nhờ làm tốt công tác tư tưởng, chính trị và sự động viên của cán bộ, đảng viên đã cổ vũ người dân theo cách mạng.

“Nếu không có công tác tuyên truyền, vận động thì không có cách mạng”- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh và kể lại- “Trước đây, ngành tuyên huấn vừa tham mưu, vừa tác chiến, đảm nhận vai trò xây dựng lực lượng, làm công tác tuyên truyền dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Song, trước những gian khổ, khó khăn có một số người dao động và chiêu hồi, nhưng đa số giữ vững được tinh thần cách mạng. Cả trăm người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, nhưng tất cả đều tin tưởng vào thắng lợi cách mạng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là niềm tự hào của ngành tuyên huấn.

“Đi trước, đi cùng và đi sau”

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng: Mỗi thời kỳ, giai đoạn, công tác tuyên huấn đều có những khó khăn riêng. Thời chiến, công tác tuyên huấn động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước; vận động mọi người ủng hộ cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến, trang bị cho cán bộ, đảng viên niềm tin, lý tưởng về tính chính nghĩa, sứ mệnh lịch sử của Đảng và sự nghiệp cách mạng trước dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Người làm công tác tuyên huấn phải đi đầu, đi vào tuyên truyền vận động ngay cả vùng kiềm, luôn đối mặt với sống- chết, bị địch vây ráp, bắt bớ, tù đày. Phương tiện, điều kiện làm việc thiếu thốn, máy móc nếu có cũng thô sơ, trong tuyên truyền không có hình ảnh minh họa đi theo và chẳng mấy người tốt nghiệp cấp 3, nhưng giờ đây phương tiện làm việc tương đối đáp ứng yêu cầu, một nửa nhân sự trong ban đã là thạc sĩ…

Hiện nay, tuy không đối mặt với hy sinh, nhưng công tác tuyên giáo đối mặt với sự sa ngã, suy thoái về tư tưởng, chính trị, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, khó nhận diện rõ “bạn- thù” như trong thời chiến. Cùng với đó là sự tấn công quyết liệt của thế lực thù địch; giữa những chủ trương, đường lối với thực tiễn diễn ra đôi khi có những “khoảng cách”, “độ vênh” nhất định…

Trong bối cảnh mới có những khó khăn, đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải đương đầu với tinh thần “đi trước, đi cùng và đi sau”- đồng chí Nguyễn Bách Khoa nhận định và giải thích: Khi có chủ trương, tuyên giáo phải “đi trước- mở đường” để tuyên truyền, vận động, định hướng; “đi cùng” để nắm bắt, giải thích, động viên, nuôi dưỡng phong trào; “đi sau” để tổng kết, rút kinh nghiệm, theo dõi quá trình thực hiện xem có vướng mắc gì không và để lắng nghe kết quả của chủ trương.

Đồng chí cũng cho rằng: để làm tốt công tác tuyên giáo, đi đôi với xây dựng trình độ năng lực cần phải quan tâm xây dựng chuẩn mực đạo đức. Ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, thì phải có đam mê, có tấm lòngcó trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thuyết phục và hiệu quả. Ngoài cái tâm, cần phải có cái tầm, có nghệ thuật để triển khai. Đồng thời, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ, để tiến kịp gần đòi hỏi của tình hìnhphải nắm chắc, nắm sát thực tế hơi thở của cuộc sống.

* Ông Lê Minh Hà- Trưởng Ban Xây dựng hội thuộc Hội Nông dân tỉnh: Công tác tuyên huấn có vai trò quan trọng hàng đầu trong 3 mặt công tác của hội, đó là: tuyên truyền, tổ chức xây dựng hội và phong trào nông dân. Muốn tập hợp được nông dân để thực hiện các mục tiêu của hội, trước hết phải vận động, tuyên truyền giáo dục để mọi người biết, hiểu và tự giác làm theo mình. Thời gian qua, các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm cho nông dân nâng cao nhận thức về mọi mặt, củng cố, xây dựng niềm tin vào Đảng, Nhà nước và tổ chức hội. Mục tiêu cuối cùng là làm cho nông dân tự giác tham gia, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của Hội Nông dân.

 

* Đồng chí Lưu Nhất Linh- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Ôn: Công tác tuyên giáo là một lĩnh vực trọng yếu của Đảng. Với vai trò là cơ quan tham mưu cấp ủy trên lĩnh vực tuyên giáo, thời gian qua, ngành tuyên giáo huyện luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức theo hướng chủ động bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, linh hoạt, phù hợp từng đối tượng cụ thể. Nhất là, luôn lấy tuyên giáo cơ sở làm trọng tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc làm nòng cốt, đã giúp cho ngành tuyên giáo huyện nhà có nhiều dấu ấn đậm nét.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI