Chuyện về hai hàng tre bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật, 12:18, Thứ Sáu, 24/01/2020 (GMT+7)

Còn nhớ những năm đầu vào ĐH ngành báo chí hơn 30 năm trước, khi từ ký túc xá Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì, quận Thanh Xuân- Hà Nội) đạp xe lên khu Ba Đình viếng Bác vào đầu thu, anh em sinh viên xứ Nghệ xa nhà chúng tôi vẫn thường đứng ngắm thật lâu hàng tre trong khu Lăng Bác. Và, ai nấy đều không quên ghi lại hình ảnh bình dị với cây tre Việt Nam tại đây...

Hàng tre xanh xanh bên Lăng Bác Hồ.
Hàng tre xanh xanh bên Lăng Bác Hồ.

Tìm về nét xưa đất Việt ngàn năm

Nhờ các anh bạn học ở Báo Nhân Dân giúp, tôi gặp được Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử- trưởng nhóm tham gia thiết kế khu Di tích Lăng Bác.

Ông niềm nở: “Anh em kiến trúc bàn về ý tưởng trồng hai hàng tre bên Lăng Bác Hồ, khi vào xin ý kiến thì được bác Trường Chinh đồng ý ngay, vì theo ông, cây tre tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, ý chí của con người Việt Nam”.

Và thế là năm 1972, sau khi được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho phép, đi nghiên cứu về kiến trúc cảnh quan tại nước bạn Cuba, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử về nước để làm việc.

Đầu năm 1973, ông được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn giao chủ trì cùng một nhóm kỹ sư đầu ngành của Bộ Xây dựng và cán bộ chuyên ngành xây dựng, thực hiện ý tưởng về thiết kế các cảnh quan cây xanh ở Quảng trường Ba Đình và khu vực Lăng Bác Hồ.

Nhận nhiệm vụ, ông vừa mừng vừa lo, là bởi không phải bố trí cây cảnh gì cũng được khi khung cảnh không rộng, mà lại có ý nghĩa với hàng triệu người khi vào viếng Bác.

Và thế là Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử cùng cả nhóm nghiên cứu vào thăm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, thực địa xung quanh Quảng trường Ba Đình, nghiên cứu tổng thể khu vực Lăng Bác và các cây cảnh đang có tại khu vực Phủ Chủ tịch.

Sau khi tìm hiểu kỹ cảnh quan, cả nhóm kiến trúc sư đưa ra ý tưởng chủ đạo, đó là khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác phải hội tụ cây của các vùng miền Bắc- Trung- Nam. Đó là các loại cây đặc trưng nhất của 3 miền, khi trồng tại đây đều có ý tưởng nghệ thuật cao.

Sau một tháng nghiên cứu, các tác giả của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình bản vẽ về bố trí cảnh quan lên Trung ương.

Theo các kiến trúc sư, loại cây được nghĩ đến đầu tiên trong khu di tích Lăng Bác là cây tre. Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử lý giải, cây tre tượng trưng cho các vùng miền là rõ nhất, mà miền nào cũng có, vì từ miền ngược đến miền xuôi, từ rừng núi Bắc Bộ đến Nam Bộ vùng nào cũng có hàng tre xanh tươi.

Đồng thời, cây tre còn gắn bó hơn cả với con người Việt Nam nông thôn cũng như đô thị, vì ngay từ thời dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm trước đã có bóng tre in hình mỗi làng quê.

Và điều đặc biệt, là thể hiện ý chí của các thế hệ người Việt Nam trước phong ba bão táp, như Nhà thơ Thép Mới mô tả: “Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa thấp thoáng những ngôi chùa cổ.

Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hóa lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp.

Họ nhà tre gồm: nứa, vầu, mai trúc, luồng, giang... đâu đâu cũng có lũy tre xanh rì rào ẩn hiện. Rặng tre xanh là chiến lũy bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đồng thời ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, che mưa che bão cho con người”.

Và cây tre đã thành huyền thoại: “Tre xanh/Xanh tự bao giờ/Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi/Ở đâu tre cũng xanh tươi/Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu...”

Từ những ý tưởng đó, nhóm kiến trúc sư quyết định chọn tre là cây đầu tiên đưa về trồng tại Lăng Bác. Ngoài ra, các cây của từng vùng, miền như: cây chò, sao đen, cừ đỏ, mãng cầu, vú sữa,... cũng được chọn để sau đó trồng trong khu vực Lăng, Quảng trường.

Ý tưởng tôn vinh tâm hồn dân tộc

Sau khi lãnh đạo Bộ Xây dựng trình lên BCĐ xây dựng Lăng Bác, Ban phụ trách xây dựng Lăng Bác do đồng chí Đỗ Mười làm Trưởng ban đã bố trí cho Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử vào xin ý kiến của đồng chí Trường Chinh, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Khi xe các ông trên đường đưa mô hình vào báo cáo đồng chí Trường Chinh thì Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Thử nhớ lại: “Khi đó, bác Phạm Văn Đồng hỏi chúng tôi mang gì đi đâu vậy, tôi nói: “Thưa bác, chúng cháu mang mô hình cây xanh dự tính đặt ở Quảng trường Lăng Bác vào xin ý kiến bác Trường Chinh”.

“Nghe vậy, bác Phạm Văn Đồng bảo cho ông xem bản vẽ. Tôi liền hạ ngay xuống sân, báo cáo ngắn gọn”- Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử nhớ lại. Và thế là bác Phạm Văn Đồng gật đầu bảo: “Việc này Bộ Chính trị đã giao cho anh Trường Chinh, các cháu vào xin ý kiến anh Trường Chinh đi”- bác Phạm Văn Đồng ôn tồn nói.

Vào gặp bác Trường Chinh trong 15 phút, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử trình bày những ý tưởng bản vẽ của nhóm cũng như báo cáo một số ý kiến còn khác nhau, nhất là chọn loại cây trồng ở hai bên Lăng Bác. Bác Trường Chinh khẳng định trồng hai hàng tre là thích hợp nhất, có ý nghĩa tượng trưng nhất cho hồn dân tộc.

Ngay sau khi báo cáo về Bộ Xây dựng, nhóm của Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử tiếp tục củng cố phương án, đi vào thiết kế chi tiết từng bên, từng phần trồng thế nào là thích hợp. Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử được phân công làm tổ trưởng cùng 10 người khác được đưa lên biệt phái tại khu vực Lăng Bác.

Ngay sau khi có sự thống nhất ý kiến từ 3 cơ quan cùng chỉ đạo gồm: Ban phụ trách xây dựng Lăng, Viện Quy hoạch của Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch Hà Nội, xin ý kiến chính thức từ Chánh Văn phòng Trung ương và đồng chí Đỗ Mười- lúc đó là Trưởng Ban Thiết kế xây dựng Lăng Bác- thì đề án được bắt đầu thi công ngay sau đó.

Sau hơn 1 năm chuẩn bị kỹ các loại cây, chọn lọc các hàng cây, đến khoảng tháng 7/1975, công trình cảnh quan khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác đã được hoàn thiện. Một hệ thống cảnh quan đậm chất dân tộc ta ở 3 miền đã kết gắn với Khu Lăng.

Nay khi vào Lăng viếng Người, nhìn hàng tre luôn xanh tươi, cùng những cây dừa, vú sữa, mãng cầu Nam Bộ, như thấy Bác đang đồng hành cùng dân tộc.

PHẠM BÁ NHIỄU