Đề xuất nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở

Cập nhật, 16:15, Thứ Năm, 14/11/2019 (GMT+7)

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết (NQ) quy định mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp- khóm- khu (gọi chung là cấp cơ sở) của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long vừa qua đã tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý trực tiếp, nêu cao tính thực tiễn tại địa phương.

Bên cạnh việc phản ánh thực trạng, khó khăn của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, các ý kiến đã góp ý, đề xuất nhiều nội dung cần sửa đổi đối với dự thảo.

Các thành viên hội đồng phản biện xã hội tích cực đóng góp ý kiến.
Các thành viên hội đồng phản biện xã hội tích cực đóng góp ý kiến.

Điều chỉnh nhiều nội dung liên quan

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết của việc ban hành 2 NQ quy định về số lượng, chức danh, chế độ, chính sách và mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã- phường- thị trấn và ấp- khóm- khu trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Sao- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn pháp luật (UBMTTQ Việt Nam tỉnh): “Việc ban hành NQ này là hết sức quan trọng do căn cứ pháp lý để giữ NQ số 95 của HĐND tỉnh đã thay đổi, bổ sung bởi những nghị định của Chính phủ. Cơ sở pháp lý đã thay đổi nên cần phải tổ chức thực hiện ban hành NQ để
điều chỉnh”.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các đối tượng tác động và các tổ chức có liên quan, đa số các nội dung điều chỉnh nhận được sự thống nhất cao.

Ông Nguyễn Văn Sao đồng tình trình NQ lần này để quy định lại số lượng, chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị- xã hội ở cấp xã; quy định lại số lượng, chức danh, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở ấp; mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách ở xã, ấp.

Ngoài ra, sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương đối với từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức khoán kinh phí hoạt động của cấp ấp; chế độ BHYT, thôi việc và mai táng phí; chế độ hỗ trợ người có trình độ ĐH đối với những người hoạt động không chuyên trách.

Thêm quyền lợi cho người hoạt động không chuyên trách

Trăn trở về thực tế cán bộ cấp cơ sở nói chung, người hoạt động không chuyên trách nói riêng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh “Qua khảo sát, cấp cơ sở đều tâm tư, mong muốn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ để những người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở an tâm công tác”.

Những người hoạt động không chuyên trách ở xã- phường- thị trấn và ấp- khóm- khu là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động cấp cơ sở.
Những người hoạt động không chuyên trách ở xã- phường- thị trấn và ấp- khóm- khu là lực lượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động cấp cơ sở.

Mức khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị- xã hội cũng như mức phụ cấp hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong dự thảo là những vấn đề được quan tâm.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thuận (TX Bình Minh), mức khoán kinh phí hoạt động hiện nay đối với cơ sở theo dự thảo NQ vẫn chưa phù hợp. “Mức phụ cấp hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho những người hoạt động không chuyên trách vẫn còn nhiều trăn trở; đồng thời mức khoán kinh phí hoạt động thấp và phải phân ra rất nhiều loại.

Đối với khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị- xã hội dự kiến ở mức 3,6 triệu đồng/tổ chức/năm sẽ gặp khó khăn, không đảm bảo cho hoạt động. Tôi đề nghị nâng mức khoán kinh phí phù hợp để các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể hoạt động thuận lợi”.

Đồng ý kiến với việc nâng mức hỗ trợ, bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ- Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm Lê Văn Tám (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho rằng:

“Thay vì 3,6 triệu đồng/tổ chức/năm cho tổ chức chính trị- xã hội và 2,5 triệu đồng/tháng cho kinh phí hoạt động ở ấp như dự thảo, mức khoán kinh phí hoạt động nên được hệ số hóa. Vì trong sự phát triển kinh tế- xã hội và diễn biến của địa phương, khoán ở mức cố định sẽ có bất cập, gặp khó khăn khi cần thay đổi và điều chỉnh đảm bảo kịp thời”.

Tại hội nghị, đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đề xuất ban soạn thảo NQ xem xét kỹ, đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành NQ; chú trọng mức hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách có trình độ ĐH.

Đồng thời, quy định rõ và nâng mức khoán kinh phí hoạt động cho phù hợp thực tế; tinh gọn, lồng ghép nhiệm vụ nhưng vẫn đảm bảo chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách. Có chủ trương rõ ràng đối với các tổ chức chính trị- xã hội, đặc biệt là các hội đặc thù…

Theo ông Trần Văn Hên- Giám đốc Sở Nội vụ, về phía cơ quan tham mưu đã nhận được nhiều ý kiến phù hợp với tình hình thực tế địa phương từ các thành viên hội đồng phản biện.

“Để ban hành 2 NQ sát sườn, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến và tổng hợp. Sau đó, tiếp tục trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tham mưu HĐND tỉnh ban hành NQ cho phù hợp tình hình thực tế ở địa phương”- ông nói.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Đạo đánh giá cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm và các ý kiến phản biện có lập luận, phân tích chặt chẽ, gắn với thực tiễn địa phương; thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm tham gia phản biện xã hội của các đại biểu.

MTTQ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động phản biện xã hội, thảo luận, thống nhất để giúp HĐND ban hành các chính sách phù hợp với quy định pháp luật, nhu cầu thực tiễn đặt ra. Từ đó, giúp NQ, chính sách đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình
ủng hộ.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- cho biết: “Thông qua hoạt động phản biện xã hội của MTTQ, nhiều đại biểu thành viên của hội đồng phản biện cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu chính đáng của xã hội đặt ra, là kênh thông tin quan trọng làm cơ sở để HĐND xem xét.”

Bài, ảnh: TUYẾT NGA