Đề án Quốc hội điện tử sẽ giúp cử tri tương tác hiệu quả với đại biểu

Cập nhật, 14:49, Thứ Năm, 28/11/2019 (GMT+7)

Chiều 27/11, tại tòa nhà Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Quốc hội họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Quốc hội họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Trả lời phóng viên báo Tin tức về việc áp dụng phần mềm điện tử cho các đại biểu Quốc hội tiện tra cứu tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã đưa vào thí điểm phần mềm cài đặt trên ipad dành cho các đại biểu.

Sau đó, Quốc hội cũng đã tiến hành phát phiếu để xin ý kiến đại biểu về hữu ích, rút kinh nghiệm cho phần mềm này".

"Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tại kỳ họp thứ 8, phần mềm đã được cải tiến hơn, đưa thêm vào 2 tiện ích nữa, các đại biểu cơ bản đã sử dụng thành thạo. Với những tiện ích mới, đại biểu có thể dùng bút điện tử, sao in ra tài liệu giấy một cách dễ dàng.

Đặc biệt, đại biểu ngồi ở đâu cũng dễ dàng tra cứu được thông tin, tham khảo luật pháp quốc tế khi hệ thống tài liệu thư viện Quốc hội đều được đưa lên đó”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, với tinh thần cầu thị, sau kỳ họp này, Quốc hội lại tiếp tục xin ý kiến đại biểu để hoàn thiện tiếp phần mềm này. Hiện nay, Quốc hội cũng đang xây dựng Đề án quốc hội điện tử và đã trình chủ trương đầu tư đề án này.

Ở đó sẽ có sự tương tác giữa cử tri với Quốc hội, giải quyết đơn thư tố cáo… Hiện Quốc hội đã có phần mềm theo dõi đơn thư tố cáo, đưa lên trang điện tử của Quốc hội, thông tin các hoạt động của đại biểu… đặc biệt thể hiện sự tương tác rất tốt giữa cử tri với đại biểu Quốc hội.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Kỳ họp thứ 8 đã kết thúc tốt đẹp sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra, với nhiều nội dung quan trọng, thông qua 11 bộ luật và luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao; cho ý kiến 10 dự án luật khác.

Giám sát tối cao vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác”.

Đáng chú ý, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã Thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao về nhóm vấn đề được lựa chọn, chất lượng chất vấn cũng như các phần trả lời chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, việc ứng dụng công nghệ cũng đã được cải tiến hơn khi các đại biểu đã thành thạo hơn trong việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ.

Theo Báo Tin tức