Ngọn đuốc soi đường cho dân tộc tiến lên

Kỳ cuối: Ánh sáng soi đường, định hướng cho sự nghiệp cách mạng

Cập nhật, 10:49, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Phát huy dân chủ- bài học vẫn nguyên giá trị

>> Kỳ 2: "Ý Đảng, lòng dân" trong công tác giảm nghèo

>> Kỳ 3: Sức mạnh của "ý Đảng, lòng dân"

>> Kỳ 4: Xứng đáng là người thừa kế "vừa hồng vừa chuyên"

Di chúc của Bác là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn cho muôn đời sau.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cùng những mong muốn của Bác trước lúc đi xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đoàn kết, thống nhất ý chí, vượt mọi khó khăn, thách thức, vươn lên và đạt được những kết quả vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Nói như đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- thì: “Di chúc của Bác không chỉ là bản di chúc bình thường của một người sắp đi xa để lại cho hậu thế, mà trong đó thể hiện giá trị rất to lớn, như ánh sáng soi đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam”.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.

Những thành tựu vượt bậc

Đánh giá 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, có thể khẳng định, bằng tiềm năng và sức lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã vượt qua được những khó khăn, thử thách.

Từ chỗ thiếu ăn, phải ăn độn bo bo, khoai thì nay đã sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Từ chỗ đời sống vật chất và tinh thần của nông dân thiếu thốn, thiếu điện, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu thầy cô, việc trị bệnh của bà con và việc học hành của con em ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, nay bộ mặt nông thôn đã đổi mới: điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đều khắp.

Trong thực hiện công tác an sinh xã hội, bằng việc huy động nhiều nguồn lực, tỉnh đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội không trông chờ vào nguồn kinh phí từ Trung ương.

Những năm đầu tiên sau ngày giải phóng, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Long Hồ chủ yếu là sản xuất lúa mùa, năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha/vụ. Người dân phải sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ, không điện, không nước máy, giao thông cách trở. Toàn huyện chỉ có 3 y sĩ và y tá cứu thương, trong khi trạm y tế, bệnh viện chỉ là con số 0.

Trước vô vàn khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Hồ đã đồng lòng, chung sức, đoàn kết thực hiện Di chúc của Bác vì mục tiêu “tái thiết đất nước sau chiến tranh, làm tất cả mọi việc vì hạnh phúc của nhân dân”.

Theo đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ, đến nay kinh tế của huyện đã tăng trưởng liên tục trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ. Trong đó, ngành nông nghiệp đã phát huy được lợi thế của huyện là cây lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, thương mại- dịch vụ phát triển rộng khắp, bước đầu khai thác tốt tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện.

50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hạnh (Long Hồ) đã nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Hạnh Nguyễn Thành Lâm, thành quả to lớn trong những năm qua mà địa phương đạt được là xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay, tổng giá trị nguồn lực huy động xây dựng giao thông nông thôn là hơn 8 tỷ đồng, chủ yếu là người dân đóng góp tiền mặt.

Điều này góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, người dân phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong ước.

Theo Huyện ủy Bình Tân, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương đã có những bước phát triển đồng bộ.

Kết quả, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, văn minh; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển toàn diện; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Về thu nhập bình quân, năm 2008 chỉ đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt 34,6 triệu đồng/người/năm.

“Lấy dân làm gốc”

Trong Di chúc, Bác đã căn dặn: “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.

Vì thế, ngay sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn coi trọng vai trò của quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, lấy ý kiến của nhân dân khi thực hiện các chủ trương của Đảng.

Công tác chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân trở thành mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long qua các nhiệm kỳ. Trong điều kiện của một tỉnh thuần nông, kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn nhưng việc chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…của tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều thành quả rất đáng tự hào.

Nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long có những bước phát triển vượt bậc, được sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long có những bước phát triển vượt bậc, được sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài học về công tác vận động quần chúng vẫn còn nguyên giá trị cho từng Đảng bộ để vận dụng một cách sáng tạo và cụ thể vào hoàn cảnh cụ thể trong từng thời kỳ, trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Để thực hiện tốt Di chúc của Bác trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Nguyễn Thành Lâm cho rằng, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người có đủ đức và tài; trong đó, đức là gốc, phải giành được niềm tin của nhân dân, được dân tin, dân yêu mến. Và điều cốt lõi khi mỗi cán bộ, đảng viên được nhân dân gửi gắm, trao quyền lực thì phải thật sự vì dân, như Bác đã từng căn dặn: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”.

Theo đồng chí Hồ Văn Minh, để tiếp tục thực hiện tốt hơn Di chúc của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp phải phát huy tính nêu gương trong tự rèn luyện, tu dưỡng, tự soi, tự sửa và phát huy được tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Từ đó, truyền tải đến cán bộ, đảng viên và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua thực hiện Di chúc của Bác gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 một cách thiết thực và hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng, Di chúc của Bác không chỉ là bản di chúc bình thường của một người sắp đi xa để lại cho hậu thế, mà trong đó thể hiện giá trị rất to lớn, như bản chỉ đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam.

Điều đó thể hiện khát vọng lớn nhất của Bác, đó là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới”.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN