Nguyện noi gương GS.VS Trần Đại Nghĩa

Cập nhật, 06:55, Thứ Ba, 13/08/2019 (GMT+7)

 

Học sinh tham quan và tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Học sinh tham quan và tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa đã về cõi vĩnh hằng cách nay 22 năm (9/8/1997- 9/8/2019), nhưng mỗi lần đến viếng khu lưu niệm của ông tại xã Tường Lộc (Tam Bình), từng cung bậc cảm xúc về vị GS.VS tài ba của đất nước, người chiến sĩ cách mạng kiên trung vì nghĩa lớn lại dâng trào trong tâm của mỗi chúng tôi.

Những cảm xúc ấy luôn thôi thúc chúng tôi phấn đấu và nguyện noi theo tấm gương sáng của GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Tấm gương về tinh thần hiếu học và sự sáng tạo

Sau khi thành kính thắp nén hương trầm tưởng niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, chúng tôi được nghe các chị thuyết minh về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, nhất là quá trình học tập và những chặng đường gian khổ khi tham gia cách mạng của GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Chúng tôi rất đỗi tự hào, khâm phục tinh thần hiếu học và sự sáng tạo của GS.VS Trần Đại Nghĩa trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã góp công lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, mang lại nền độc lập tự do cho dân tộc.

GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Ông sinh ra trong cảnh đất nước lầm than, bị thực dân Pháp xâm lược, cuộc sống nghèo khổ triền miên. Không chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, nhớ lời cha dặn trước lúc mất (khi đó ông mới 7 tuổi): “Con phải cố gắng học hành để trở thành người có ích… làm nghề gì thì ngoài việc nuôi thân, nuôi má, nuôi chị, con hãy cố gắng làm thêm những việc có ích cho mọi người”, người học trò Phạm Quang Lễ đã vượt lên mọi khó khăn của thời cuộc, quyết chí học hành, ông thi đỗ vào Trường College de Mỹ Tho (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu) và Trường Petrus Ký Sài Gòn (nay là Trường Lê Hồng Phong), sau đó ông tiếp tục đỗ thêm 2 bằng tú tài toán bản xứ và Pháp.

Trong thời gian 11 năm học tập trên đất Pháp, ông đã vượt lên nhiều trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa… để tốt nghiệp 4 ngành ĐH. Đồng thời, ông cũng cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu để có 30.000 trang tài liệu quý về vũ khí, trong đó có nhiều tài liệu được xem là “tối mật” của Pháp.

Năm 1946, nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Lễ đã từ bỏ mọi điều kiện thuận lợi nơi đất Pháp để theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia chống Pháp. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bí danh Trần Đại Nghĩa và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948.

Về quê hương, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa bắt tay ngay vào nghiên cứu, chế tạo vũ khí phục vụ bộ đội ta kháng Pháp. Chỉ sau khoảng 3 tháng, ông đã chế tạo thành công súng Bazoka và ngay lập tức bắn cháy 2 xe tăng của Pháp, làm chúng vô cùng bất ngờ, sửng sốt.

Chiến thắng này đã góp phần tạo động lực to lớn, khích lệ sĩ khí quân ta trong các trận chiến quan trọng và gây tâm lý hoang mang lo sợ cho kẻ thù. Tiếp nối thành công từ súng Bazoka, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo súng SKZGo 81, 120mm và các loại đạn bay, tên lửa đánh phá mục tiêu cách xa 4km, rà phá các loại bom, mìn, thủy lôi do Mỹ thả xuống các cảng, sông… làm kẻ thù nhiều phen thất bại, khiếp sợ.

Noi gương sáng GS.VS Trần Đại Nghĩa

Trong sự nghiệp cách mạng, GS.VS Trần Đại Nghĩa được phân công đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH chuyên nghiệp Bách khoa (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô,...

Dù ở cương vị nào, GS.VS Trần Đại Nghĩa cũng hoàn thành trọng trách được giao. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã ghi vào sổ tay: “Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong 2 cuộc kháng chiến đã được hoàn thành”. GS.VS Trần Đại Nghĩa là một trong những người đầu tiên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều huân chương cao quý khác, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những cống hiến, đóng góp to lớn của GS.VS Trần Đại Nghĩa trong 2 cuộc chiến tranh của dân tộc được cụ thể hóa qua nhiều tư liệu, hình ảnh trưng bày tại khu lưu niệm là bức tranh sinh động và là những bài học quý báu để mỗi người dân- nhất là thế hệ trẻ chúng tôi học tập noi theo.

Về thăm Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, tập thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Văn Lời (Vũng Liêm) rất tự hào và hãnh diện về quê hương Vĩnh Long đã sinh ra người con ưu tú Trần Đại Nghĩa.

Thay mặt tập thể trường, thầy Nguyễn Ngọc Sánh đã viết vào sổ cảm tưởng với những dòng trạng thái đầy nhiệt huyết: “Chúng cháu nguyện phấn đấu, học tập noi gương GS.VS Trần Đại Nghĩa để cùng chung tay xây dựng nước nhà ngày một giàu đẹp hơn”.

Niềm tự hào của thầy Nguyễn Ngọc Sánh cũng là cảm nhận của thầy Nguyễn Đức Thuận- Trường THCS Đông Bình (TX Bình Minh).

Thầy Nguyễn Đức Thuận ví GS.VS Trần Đại Nghĩa như “cao nhân” và cảm thấy “thật tự hào khi quê hương mình là nơi sinh ra những người con ưu tú như: đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phạm Quang Lễ và còn nhiều nữa những nhân vật lớn đã và đang ra sức cống hiến, góp phần vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Còn thầy Hứa Văn Pháp- Trường Tiểu học Hòa Tân A (huyện Cầu Kè- Trà Vinh) xúc động nói: “Chúng tôi vô cùng biết ơn GS.VS Trần Đại Nghĩa đã có công to lớn trong công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong xây dựng đất nước. Ông đã mang đến cho chúng tôi có được cuộc sống thanh bình. Đáp lại công ơn của GS.VS Trần Đại Nghĩa, chúng tôi nguyện ra sức phấn đấu phát triển nền giáo dục của địa phương, đào tạo ra nhiều học sinh giỏi phục vụ cho đất nước”.

Đại biểu và nhân dân đến viếng Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa.
Đại biểu và nhân dân đến viếng Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa.

“Đến viếng Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, thật sự giúp chúng tôi- những người thế hệ trẻ- thắp lên ngọn lửa yêu nước khi được nghe thuyết minh, được xem các tư liệu, hình ảnh về GS.VS. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với câu nói trong đoạn phim tư liệu “không ai nghèo như Phạm Quang Lễ, mà cũng không ai học giỏi như Phạm Quang Lễ”- thầy Nguyễn Đức Thuận bày tỏ niềm cảm phục trước tấm gương sáng GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Với niềm tự hào đó, thầy Nguyễn Đức Thuận cũng mong mỏi thế hệ trẻ hãy giữ vững nhiệt huyết của tinh thần yêu nước, tiếp tục noi gương GS.VS Trần Đại Nghĩa để xây dựng quê hương Vĩnh Long, Tổ quốc Việt Nam thêm giàu mạnh.

Anh Phạm Văn Giây- Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Vĩnh Long) cùng đoàn viên đơn vị đến viếng Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa đã bộc bạch cảm xúc thật ý nghĩa: “Đoàn viên thanh niên Cảnh sát cơ động tưởng nhớ GS.VS Trần Đại Nghĩa và xin được học tập, làm theo tấm gương của GS.VS”.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT