Nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân

Cập nhật, 08:17, Thứ Sáu, 12/07/2019 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết, Vĩnh Long tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung cải cách hành chính (CCHC) liên quan đến chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC những tháng cuối năm 2019.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long từ khi hoạt động đầu tháng 4 đến nay đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả đối với các thủ tục hành chính cấp tỉnh là 1.255 thủ tục.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long từ khi hoạt động đầu tháng 4 đến nay đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả đối với các thủ tục hành chính cấp tỉnh là 1.255 thủ tục.

Vĩnh Long công bố các chỉ số CCHC của tỉnh năm 2018

BCĐ Cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và công bố chỉ số CCHC năm 2018 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long Hồ Văn Kiên, 6 tháng đầu năm 2019, công tác CCHC tiếp tục được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện. Thủ tục hành chính từng bước được chuyển hóa, công khai, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai hiệu quả, đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền.

Tổ chức bộ máy các cấp của tỉnh được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối bên trong. Đến nay, 12 sở của tỉnh đã tổ chức sắp xếp bộ máy bên trong, qua đó giảm được 15 phòng và tương đương. Toàn tỉnh có 235 cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008.

Theo ông Hồ Văn Kiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác CCHC, dẫn đến việc triển khai thực hiện tại đơn vị chưa đồng bộ.

Một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hướng dẫn kê khai hồ sơ chưa chu đáo, đầy đủ, có thái độ thiếu lịch sự đối với người dân, tổ chức. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh vẫn còn ít. Tình trạng nợ đọng các văn bản luật, cập nhật, công bố công khai thủ tục hành chính chưa kịp thời, đầy đủ còn diễn ra ở nhiều đơn vị cấp xã;…

Ngoài ra, một số chỉ số liên quan đến công tác CCHC trong năm 2018 của tỉnh có sự sụt giảm. Cụ thể, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt được 44,65 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm cao với vị trí thứ 21/63 tỉnh- thành của cả nước; các chỉ số tăng điểm là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thủ tục hành chính công. Tuy nhiên, so với năm 2017, chỉ số PAPI của tỉnh giảm 7 bậc trên bảng xếp hạng.

Kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 của Vĩnh Long là 73,93%, giảm 8,37% so với năm 2017. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 74,39/100 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh- thành, giảm 7 bậc so với năm 2017. Điều này cho thấy tốc độ cải thiện các tiêu chí CCHC của tỉnh chậm hơn so với các tỉnh trong cả nước.

Nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân

Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh- Phạm Thành Khôn đề xuất: “Về phân công bộ phận một cửa, tiếp công dân phải tránh tình trạng thấy cán bộ có chuyên môn yếu yếu thì phân công đến bộ phận một cửa hoặc tiếp dân. Do vậy, sau này khi lựa chọn cán bộ trực tiếp ở bộ phận một cửa hoặc tiếp dân phải xem xét về trình độ năng lực và kiến thức của người đó. Tốt nhất là cán bộ tổng hợp, hiểu nhiều lĩnh vực của cơ quan mình thì mới có thể tiếp nhận hồ sơ tốt được”.

Ông cho rằng: “Không thể chấp nhận chuyện cán bộ tiếp nhận hồ sơ không biết hồ sơ có đủ hay không đến khi chuyển đến bộ phận chuyên môn giải quyết, phát hiện không đủ, không đúng buộc phải trả lại thì dễ gây phiền hà cho người dân và
doanh nghiệp”.

Bên cạnh năng lực cũng phải tính đến đạo đức và thái độ của cán bộ trực tiếp ở bộ phận một cửa hoặc tiếp dân và điều đầu tiên là cán bộ tiếp dân phải biết nở nụ cười để tạo sự thân thiện của người dân và doanh nghiệp và tiếp theo mới đến chuyện giải quyết hồ sơ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị và định hướng những vấn đề cần quan tâm, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh- cho biết: Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung CCHC liên quan đến chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC những tháng cuối năm 2019.

Vĩnh Long tiếp tục phát huy có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục CCHC, chấm dứt tình trạng giải quyết trễ hẹn thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của cơ quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tỉnh tăng cường các giải pháp kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính theo quy định.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long yêu cầu các ngành, địa phương tập trung rà soát những tồn tại, hạn chế thuộc chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý để có kế hoạch khắc phục cụ thể, trong đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác CCHC.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh- kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho rằng: Thái độ cán bộ, công chức khi phục vụ người dân phải niềm nở, tránh suy nghĩ ban phát, xin- cho mà phải xem người dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN