Tháng 6 về, thương nhớ bác Hai!

Cập nhật, 05:12, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Trên mảnh đất Long Phước (Long Hồ) hơn trăm năm trước đã sinh ra nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước,  dân tộc với nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tấm lòng tôn kính, yêu thương, nhân dân thường nhắc đến Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng với tên gọi thân thiết, đậm chất Nam Bộ là “bác Hai”.

Tháng 6 lại về, thêm một lần nữa để thương nhớ bác Hai!

Học sinh, sinh viên nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Phạm Hùng.Ảnh: HUỆ- NGA
Học sinh, sinh viên nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Phạm Hùng.Ảnh: HUỆ- NGA

Nhớ người cộng sản kiên trung

Một đời người 60 năm cống hiến cho hoạt động cách mạng, 14 năm hy sinh tuổi thanh xuân trong nhà tù, trại giam; ở bất cứ cương vị nào, ở bất kỳ giai đoạn nào, đồng chí Phạm Hùng luôn là người đứng nơi đầu sóng ngọn gió, không nề hiểm nguy, gian khổ.

Như một câu nói nổi tiếng của bác Hai: “Chúng ta còn sống, còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”.

Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ra tại làng Long Hồ, quận Châu Thành (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Tuổi thơ gắn liền với nỗi khổ mất nước của nhân dân, chứng kiến bao cảnh đời cơ cực, nên Phạm Văn Thiện vốn ít nói, hiền lành, chân chất nhưng luôn mang đầy tâm trạng, hoài bão lớn.

Trường phổ thông ở Mỹ Tho là nơi bắt đầu cho trang sử đấu tranh và hoạt động cách mạng của người thanh niên Phạm Văn Thiện. Mang trong mình 2 án tử hình, đồng chí Phạm Hùng được giảm án xuống khổ sai chung thân và bị lưu đày ra Côn Đảo.

Trải qua 12 năm tại địa ngục trần gian, có biết bao câu chuyện kể về người tù chính trị Phạm Hùng, người có sức mạnh đoàn kết một tập thể tù chính trị, có cả một quá khứ hào hùng ở khám lớn.

Một lần về thăm Côn Đảo, tận mắt chứng kiến khung cảnh rợn người ở những nhà giam, mới thấy hết tinh thần kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản.

Thuyết minh viên Tạ Bích Thảo đưa chúng tôi vào thăm Khám số 7, Banh 1 ở Trại tù Phú Hải. Gông cùm và những công cụ tra tấn phi nhân tính hơn cả cái chết không thể khuất phục đồng chí Phạm Hùng cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú khác như Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Lê Đức Thọ,…

Chị Bích Thảo kể, sổ tù đày của đồng chí Phạm Hùng chi chít những dấu chấm đỏ vì tội lấy thân, lưng mình che đỡ đòn roi cho bạn bè, đồng chí. Sự gan dạ, sức chịu đựng khủng bố, tinh thần bất khuất của đồng chí Phạm Hùng đã làm cho bọn chúa ngục, giám thị tù phải nể sợ, anh em tù nhân kính phục.

Đồng chí Phạm Hùng được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết và xây dựng đất nước.

Trên các cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch HĐBT đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta, đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- đã nói: “Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là một trong những người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, của dân tộc Việt Nam anh hùng; nhà hoạt động cách mạng kiên trung, lỗi lạc; vị lãnh đạo tài ba, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng đã để lại những tình cảm sâu nặng, lòng kính trọng, khâm phục của đồng chí, đồng bào”.

Tự hào vì quê hương có bác Hai

Vĩnh Long thường xuyên tổ chức về nguồn ra Côn Đảo, đến nơi bác Hai từng bị địch giam giữ. Ảnh: PHƯƠNG THÚY
Vĩnh Long thường xuyên tổ chức về nguồn ra Côn Đảo, đến nơi bác Hai từng bị địch giam giữ. Ảnh: PHƯƠNG THÚY

Chị Bùi Thanh Thủy- Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng- cho biết, những con đường, ngôi trường, công trình mang tên Phạm Hùng như một phần nào tình cảm của người dân, bạn bè đồng chí luôn nhớ về bác Hai.

Khu lưu niệm đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của bác Hai đã trở thành điểm tham quan học tập rộng rãi của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của bác, Phòng GD- ĐT huyện Long Hồ tổ chức hội trại với hơn 300 trại viên là cán bộ, giáo viên thuộc 17 đơn vị gồm đại diện 15 xã ở huyện Long Hồ và Trường THCS- THPT Phú Quới, Trường THPT Phạm Hùng.

Anh Lê Phước Hiệp- chuyên viên Phòng GD- ĐT cho biết: “Thật tự hào vì quê hương Long Hồ là nơi sinh ra bác Hai Phạm Hùng. Cứ mỗi 2 năm một lần, chúng tôi lại hội tụ về đây thắp nén hương viếng bác, ghi nhớ công ơn của bác Hai đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương”.

Công tác chăm sóc khu lưu niệm cũng được những người con ở Long Hồ rất quan tâm. Em Trần Thị Thanh Thảo- lớp 12A8 Trường THCS- THPT Phú Quới- cho biết: “Chúng em đến khu lưu niệm để hiểu hơn về bác Phạm Hùng, noi theo gương bác. Chúng em đến chăm sóc khu lưu niệm, thắp nén nhang, làm cỏ, dọn vệ sinh ở khuôn viên là những phần việc nhỏ mà mỗi người đều có thể làm”.

Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng hơn 30 năm, nhưng trong tâm khảm của các thế hệ những người trưởng thành cùng ông và cả các thế hệ sau đều không quên những câu chuyện về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo tài ba mà hết sức giản dị, gần gũi. Nhắc đến ông, người dân xứ sở miệt vườn vẫn thường gọi một cách thân thương: bác Hai.

Em Nguyễn Thị Thùy Trang xúc động: “Đến khu lưu niệm, thăm phòng biệt giam, nhìn thấy bàn làm việc nơi bác Hai ngồi, xem những bức phù điêu ghi lại câu nói của bác, trong lòng dâng lên cảm xúc bâng khuâng, tự hào khó tả, cảm phục sự hy sinh to lớn của bác đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương”.

 PHƯƠNG THÚY