Cho thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trước thời hạn người có giấy báo nhập học

Cập nhật, 20:41, Thứ Năm, 06/06/2019 (GMT+7)

Chiều 6/6/2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Sau hơn 9 năm tổ chức thực hiện, Luật Dân quân tự vệ (DQTV) đã tạo hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV.

Qua đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với trật tự an ninh nhân dân, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, cơ sở. Song, thực tiễn đã xuất hiện nhiều bất cập đòi hỏi phải sớm hoàn thiện luật để cập nhật, bổ sung, sửa đổi thêm những nội dung mới vào luật để việc thực thi hiệu quả hơn.

Đối với quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình, đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện đối với các luật đang còn hiệu lực; nội dung dự kiến sửa đổi Bộ Luật Lao động đang trình Quốc hội cho ý kiến, để có những quy định hợp lý, thống nhất độ tuổi tham gia DQTV cả nam và nữ trong hệ thống thống pháp luật.

Tôi đồng tình việc bổ sung quy định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình đối với người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị mất sức lao động từ 81% trở lên; thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách DQTV người có giấy báo nhập học vào các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người có giấy báo nhập học ở các trường hoặc đi lao động ở nước ngoài.

Đây là sự tiếp thu có trách nhiệm mang tính nhân văn sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực thi các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng lực lượng DQTV. 

Đối với quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, đây là điều cần thiết góp phần xây dựng lực lượng DQTV đủ về số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Song, để thỏa yêu cây xây dựng lực lượng DQTV trong lĩnh vực này, đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá hiệu qủa hoạt động của lực lượng DQTV trong các doanh nghiệp thời gian qua (đánh giá từng loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI). Qua đó để có đủ dữ liệu cho việc quy định cụ thể việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đảm bảo tính khả thi của dự án luật.

Đối với quy định về ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thêm việc chính quy hóa chức danh chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã thành sĩ quan (dự thảo luật quy định, chỉ huy trưởng là công chức cấp xã; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm).

 Hiện nay, đội ngũ giữ chức danh này hầu hết đều được đào tạo chuẩn hóa, được phong hàm sĩ quan dự bị. Vì thế, cần xem xét, cân nhắc yếu tố này để có những quy định phù hợp, tạo sự đồng bộ, tương quan của lực lượng vũ trang địa phương, giữa công an và quân sự và bảo đảm sự chủ động về công tác cán bộ trong những tình huống khẩn cấp về quốc phòng.

Đồng thời, xây dựng được lực lượng DQTV vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, đối với chức danh chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã cần xem xét để bố trí đủ tầm, đủ lực cho các xã trọng điểm về quốc phòng an ninh, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới (dự thảo luật quy định phó chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

TÂM KIỀU (ghi)