Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Điệp viên hoàn hảo trong vỏ bọc nhà báo

Cập nhật, 11:34, Thứ Hai, 10/06/2019 (GMT+7)

Năm 1958, ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) - người sáng lập mạng lưới tình báo cách mạng ở miền Nam và là cấp trên trực tiếp của ông Phạm Xuân Ẩn bị địch bắt. Dù biết được thông tin này nhưng cuối tháng 9-1959, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn quyết định rời Mỹ trở về Việt Nam sau 2 năm theo học ngành báo chí ở Trường Orange Coast. 

Từ đó đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông đã sống một cuộc đời kép: Một nhà báo và là một điệp viên cách mạng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu

"Anh hai" của cánh phóng viên Sài Gòn

Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), quê quán ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ông từng có thời gian học trung học ở Cần Thơ. Năm 1950, Phạm Xuân Ẩn tham gia lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại Sài Gòn.

Nhưng sau đó cấp trên đề nghị ông không tham gia biểu tình nữa để tránh bị địch bắt hoặc bị chú ý. Một thời gian sau, ông được triệu tập tham gia lớp huấn luyện tình báo chiến lược đầu tiên của cách mạng miền Nam.

Giai đoạn 1950-1957, Phạm Xuân Ẩn làm nhiều công việc để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao, như: thủ quỹ Công ty Dầu mỏ Caltex, thành viên Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH), công tác trong Phái bộ Huấn luyện quân sự hỗn hợp… Thông minh, giỏi tiếng Anh và được Edward Lansdale - Giám đốc Phái bộ Quân sự ở Sài Gòn (một chi nhánh của CIA) - giới thiệu, Phạm Xuân Ẩn đến Mỹ học vào năm 1957.

Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho nhiều cơ quan báo chí nước ngoài, như: Press Reuters, The New York Herald Tribune, Time... Tuy là chuyên gia về phân tích chính trị, quân sự và viết bài về chiến tranh, nhưng ông Ẩn cũng có nhiều bài điều tra xã hội sâu sắc về tệ nạn ma túy, mại dâm…

Đến năm 1968, Phạm Xuân Ẩn được xem là phóng viên giỏi nhất ở Sài Gòn, đồng thời có sự ảnh hưởng tới các đồng nghiệp người Mỹ.

Sau này, ông thừa nhận: "Tôi gây được ảnh hưởng tới các nhà báo Mỹ vì tôi giúp họ hiểu về Việt Nam. Nhiều người khi tới đây là những phóng viên tự do trẻ tuổi và lúc nào cũng kiếm đề tài để viết. Tôi không muốn họ bị hướng dẫn sai bởi ở đây có những người cung cấp thông tin tệ hại.

Tôi ở vào vị trí có thể dạy họ bởi vì tôi không muốn để ai nghi ngờ mình. Đó là lý do tôi không bao giờ dây vào chuyện tung tin thất thiệt, chỉ có những người ác tâm mới làm như thế".

Dù là một nhà tình báo nhưng bạn bè của Phạm Xuân Ẩn ở các tờ báo quốc tế đều thừa nhận rằng chưa bao giờ ông lừa dối họ về diễn biến của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Phạm Xuân Ẩn từng khẳng định: "Báo chí là một nghề mà tôi làm việc rất nghiêm túc. Đó là lý do không ai nghi ngờ tôi và tại sao tới nay tôi vẫn có rất nhiều bạn bè. Tất cả những gì tôi làm là phục vụ nghề nghiệp và phụng sự đất nước tôi, và những người công tâm đều biết điều đó".

Tuy làm việc cho người Mỹ nhưng ông Ẩn vẫn được người Việt tín nhiệm, kính nể bởi phong cách làm việc nghiêm túc, khoa học.

Mỗi buổi sáng, ông đặt chỉ tiêu phải tới ít nhất 5 địa điểm có nhiều tin đồn. Sau bữa trưa, ông đi tới các buổi họp báo chính thức của Mỹ và chính quyền Sài Gòn...

Cho đến lúc qua đời, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn khẳng định những tháng ngày làm tình báo của ông không bao giờ ảnh hưởng đến công việc. Theo ông, một nhà báo giỏi sẽ đưa tin chính xác theo những gì mình thấy và hiểu điều đó là đúng. Nhà báo không được tư biện!

Có lần CIA tạo ra một tin giả để hạ uy tín các phóng viên. Họ bịa ra chuyện "Một số thành viên Việt Cộng phản bội và tiến hành lật đổ ban lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam".

Phạm Xuân Ẩn đã can ngăn Trưởng Văn phòng của tờ Time ở Sài Gòn không đưa tin này. Một vài nhà báo đã đi gặp "đại diện của Mặt trận" để được nghe câu chuyện. Trong đó có Pomonti - phóng viên của tờ Le Monde - và là bạn thân của ông Ẩn.

Mặc dù vậy, ông Ẩn không ngăn Pomonti. Sau đó, Pomonti đã có bài "Đảo chính trong rừng rậm". Tuy nhiên, thời gian sau, Pomonti mất nhiều uy tín khi bài báo của ông chỉ dựa vào CIA.

Sau này, ông Ẩn giải thích: "Tôi đã cứu tờ Time khỏi tình huống bẽ bàng, nhưng nếu tôi khuyến cáo Pomonti nữa thì sẽ không còn ai tới nghe câu chuyện ngụy tạo, thế là vỏ bọc của tôi sẽ bị lột ngay".

Năm 1963, chính quyền Sài Gòn hết sức rối ren. Giới phóng viên luôn ngóng tin thay đổi Đại sứ Mỹ là ông Nolting, bởi thay Đại sứ đồng nghĩa là Mỹ đổi đường lối, không ủng hộ chế độ của gia đình họ Ngô.

Sau khi nắm nhiều nguồn tin, Phạm Xuân Ẩn đến một tiệm ăn có khiêu vũ tên La Cigale nghe ngóng. Nhiều phóng viên cũng đến đó.

Khi ông Ẩn nghe viên bí thư của Nolting nói với bạn: "Tuần sau, tao về nước rồi. Cho tao xả hơi chứ!". Ông Ẩn về viết tin: "Một tuần nữa thay Đại sứ - Nolting về nước". Tòa Đại sứ Mỹ xôn xao. Mật vụ Phủ Tổng thống và an ninh Mỹ quan sát Ẩn đêm ngày.

Mọi việc chỉ êm xuôi sau khi ông Ngô Đình Diệm bị ám sát. Ông Ẩn bình luận: "Lấy nghề ký giả làm bình phong là khó lắm.

Thời kỳ đó nó nghĩ mình va chạm vì nghề nghiệp chứ không nghĩ gì khác. Nếu vì nghề thì họ chỉ dụ dỗ, gây áp lực chứ không làm quá. Phải cho nó thấy mình moi móc tin vì bệnh ký giả chứ không dính dấp gì tới chính trị, chế độ".

Điệp viên cách mạng tài ba

Ông Mười Hương, người đã giới thiệu ông Phạm Xuân Ẩn vào tổ chức tình báo từng kể: "Tôi từng nghe các đồng chí ở Trung ương kể rằng sau khi đọc những báo cáo của Ẩn gởi về từ Mỹ, Bác Hồ xúc động thốt lên: "Đọc báo cáo mà cứ như ngay ở trung tâm New York!".

Hay sau khi đã về nước, hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của ông Ẩn cũng vô cùng chính xác, khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: "Cứ như ta đang ở trong bộ tổng tham mưu của địch". Các tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn đều nể trọng ông.

Họ muốn lấy lòng ông hơn là ông kết thân với họ để lấy tin tức. Vì thế ông có cơ hội cung cấp rất nhiều tin quân sự quý giá cho cách mạng.

Thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn. Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu
Thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn. Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu

Các điệp viên thường có "hộp thư" để chuyển tin một cách bí mật. Nhưng với ông Phạm Xuân Ẩn thì khi cần đến mật khu, ông để ria mép ngụy trang và lái ô tô đi vài ngày rồi trở về Sài Gòn như một phóng viên đi săn tin ở các điểm nóng.

Ông cũng là một trong số ít phóng viên người Việt Nam được mời dự giao ban quân sự, ngồi cùng với các sĩ quan quân đội Mỹ đi trên trực thăng hành quân đến trận địa, các phòng thuyết trình để xem các bản đồ chiến sự mới nhất…

Khi Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", cách mạng ở miền Nam chịu nhiều thiệt hại vì những trận càn được hỗ trợ từ trực thăng và xe bọc thép. Chính ông Phạm Xuân Ẩn là người gởi bản báo cáo và các tài liệu chiến thuật của Mỹ - Diệm cho cách mạng.

Trong đó gồm kế hoạch tổng thể của cuộc chiến, kế hoạch lập ấp chiến lược, tái chiếm các vùng giải phóng…

Nhờ đó mà quân giải phóng có sự chuẩn bị để chống lại chiến thuật "trực thăng vận" bằng cách tập bắn các mô hình máy bay.

Ngày 2-1-1963, bộ đội chủ lực và du kích ở Ấp Bắc (tỉnh Tiền Giang) đánh tan trận càn với quy mô 1.000 quân dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, được sự hỗ trợ của 15 máy bay trực thăng, 13 xe thiết giáp...

Bộ đội ta đã tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch, trong đó có 13 cố vấn Mỹ; bắn hư 3 xe M113 và bắn rơi 8 máy bay trực thăng…

Sau trận này, Trung ương Cục miền Nam đã phát động phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công" trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở miền Nam. Ông Phạm Xuân Ẩn được nhận Huân chương Chiến công đầu tiên.

Trong sự nghiệp tình báo lừng lẫy, Phạm Xuân Ẩn đã gởi nhiều báo cáo quý giá cũng như đóng góp công sức cho cách mạng, như: đánh giá về khả năng Mỹ đưa bộ binh sang Việt Nam trong giai đoạn 1964-1965; các báo cáo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975; báo cáo về tình hình tinh thần và vật chất đang cạn của Quân lực VNCH cũng như việc Mỹ sẽ không trở lại Việt Nam… 

Ông Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo chiến lược vì vậy việc làm phóng viên đã giúp ông nâng cao tay nghề trong lĩnh vực được tổ chức giao, bởi chỉ có những phóng viên giỏi nghề mới trích xuất được sự thật từ những tin đồn và có những đánh giá chính xác về thời cuộc.

Tính chất "hai mặt" của công việc chính nghĩa và cộng thêm tư chất một người Việt Nam khá điển hình, đã giúp ông sống thật với tất cả các mặt của cuộc đời đặc biệt mà ông phải đảm trách.

Và Anh hùng Phạm Xuân Ẩn - một điệp viên chưa bao giờ bị bắt - người đã qua mặt tất cả những mật vụ giỏi nhất của chính quyền Sài Gòn và CIA đã sống một cuộc đời phi thường trong 23 năm giữa lòng địch!l

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- "Điệp viên hoàn hảo", Giáo sư - Nhà sử học Larry Berman.

- "Phạm Xuân Ẩn: Tên người như cuộc đời", Nhà văn, nhà báo, giảng viên đại học Nguyễn Thị Ngọc Hải.

- Bài viết: "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công", nhân dân Mỹ Tho - Gò Công nổi dậy (Báo Ấp Bắc ngày 2-1-2013).

Theo Báo Cần Thơ