Vĩnh Long trên đường phát triển trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL

Cập nhật, 04:53, Thứ Tư, 05/12/2018 (GMT+7)

LTS: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; song với quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ; sự đồng thuận, phấn đấu vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, người dân nên qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đạt được những kết quả khá tích cực và toàn diện.

Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Săn- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- có tính chất khái quát thành quả đạt được lẫn những khó khăn, yếu kém, đòi hỏi toàn Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long phải ra sức phấn đấu, nỗ lực hết mình thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại đồng thời thể hiện quyết tâm đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh khá trong khu vực.

Kỳ 1: Thành quả nửa nhiệm kỳ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X đã xác định phương hướng mục tiêu chung: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Nông nghiệp;

công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; triển khai có hiệu quả các giải pháp về cơ cấu lại ngành công thương, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị; tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, bền vững gắn với phát triển văn hóa và tiến bộ công bằng xã hội.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 thành công tốt đẹp khi có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng.Ảnh: DƯƠNG THU
Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 thành công tốt đẹp khi có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng. Ảnh: DƯƠNG THU

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, hiệu quả tập hợp quần chúng của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội;

phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị- xã hội.

Theo số liệu thống kê, tổng hợp và báo cáo của các ngành, địa phương, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, có thể khẳng định rằng: Kinh tế Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. 

Sản xuất nông nghiệp được phục hồi, công nghiệp tiếp tục phát triển, xuất khẩu tăng, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Cơ cấu kinh tế tuy không đạt nhưng xét về mục tiêu tốc độ tăng/giảm tỷ trọng của từng khu vực hàng năm thì đã có sự chuyển dịch đúng hướng và gần đạt mục tiêu đề ra.

Nỗ lực của các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp... đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy, phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đến cuối năm 2018, ước có 6/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so nghị quyết đại hội, trong đó có 3/5 chỉ tiêu về môi trường đạt và vượt so với mục tiêu của nhiệm kỳ.

Ước đến năm 2020, có 15/25 chỉ tiêu đạt nghị quyết; trong đó có 3/9 chỉ tiêu kinh tế, 7/11 chỉ tiêu xã hội và 5/5 chỉ tiêu môi trường.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng bình quân 6,16%/năm, thấp hơn 1,34 điểm % so chỉ tiêu nghị quyết.

GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 44,78 triệu đồng, tăng gần 1,3 lần so năm 2015 và đạt 64% so chỉ tiêu nghị quyết.

Ước đến cuối năm 2018, giá trị gia tăng khu vực nông- lâm- thủy sản chiếm 35,04%; khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm 18,38% và khu vực dịch vụ chiếm 46,58% trong GRDP.

Đồng chí Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long cho biết Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện quyết liệt, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực.

Thực hiện tốt chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất tốt... giúp sản xuất nông nghiệp phục hồi và đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Bây giờ, ai cũng thấy rõ và đồng thuận cao là sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích màu và cây ăn trái.

Đất sản xuất được sử dụng hiệu quả hơn theo hướng đa dạng hóa cây trồng và tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.

Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT thì cây màu phát triển mạnh do giá các loại rau màu duy trì ổn định ở mức đảm bảo cho người sản xuất có lợi nhuận cao hơn trồng lúa.

Các vườn cây ăn trái tiếp tục phát triển do giá bán nhiều loại trái cây tăng và ổn định. Điều đáng mừng là nông dân Vĩnh Long bước đầu ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch hơn, an toàn hơn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Dễ thấy nhất là đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và vùng luân canh cây màu trên đất lúa và vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn. Điển hình như vùng trồng khoai lang bạt ngàn, với hàng chục ngàn hecta ở huyện Bình Tân.

Tương tự, vùng trồng xà lách xoong, hành lá, đậu bắp xanh, rau các loại trải dài từ TX Bình Minh đến khắp các xã của huyện Bình Tân; vùng rau an toàn Phước Hậu, vùng khoai ngọt, khoai mỡ ở xã Long Mỹ (Mang Thít); làng nghề ươm cây giống hoa màu cung cấp cho khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ ở xã Ngãi Tứ (Tam Bình);

vùng chuyên canh bưởi Năm Roi Bình Minh; cam sành Tam Bình, Trà Ôn; chôm chôm, nhãn Long Hồ; sầu riêng, xoài, bưởi da xanh Vũng Liêm;… đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Chăn nuôi được tổ chức lại theo hướng tập trung và an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao được người dân nhân rộng...

Sản xuất thủy sản theo hướng chuyển đổi đối tượng nuôi ở các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang nhân rộng các mô hình nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá tra, cá rô phi, điêu hồng,...

Diện tích, sản lượng và giá thủy sản đều tăng đã góp phần tăng giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích từ 150,7 triệu đồng vào năm 2015 lên 197,7 triệu đồng/ha vào năm 2018.

Đô thị Vĩnh Long khởi sắc.Ảnh: DƯƠNG THU
Đô thị Vĩnh Long khởi sắc. Ảnh: DƯƠNG THU

Theo đánh giá của Sở Công thương, sản xuất công nghiệp tiếp tục có mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân 13,7%/năm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành chủ lực với tỷ trọng trên 98% giá trị sản xuất toàn ngành. Đến nay, Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 2 đã triển khai xây dựng hạ tầng đạt 42%; Khu công nghiệp Bình Minh triển khai xây dựng hạ tầng đạt 75%.

Toàn tỉnh đã cho nhà đầu tư thuê 233ha, đạt 76% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (307ha). Hiện nay đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư đối với các cụm công nghiệp Tân Bình, Tân Quới, Trung Nghĩa, Trường An và đang mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng tham gia đầu tư các cụm công nghiệp còn lại.

Du lịch Vĩnh Long ngày càng khởi sắc, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Số liệu của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn ước đạt 36.942 tỷ đồng với nhiều nguồn tham gia.

Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hơn góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Con số rất ấn tượng là tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trong nửa nhiệm kỳ qua cho kết cấu hạ tầng giao thông trên 903 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa 260km đường giao thông.

Thực hiện 1.300 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư trên 1.370 tỷ đồng, đảm bảo khép kín, chủ động tưới tiêu được 93% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó có 80% sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước tập trung.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,85%. TP Vĩnh Long đạt 54/59 tiêu chí đô thị loại II, TX Bình Minh đạt 50/59 tiêu chí đô thị III.

Hạ tầng thông tin, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung; mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào rộng khắp, có tác động tích cực, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn.

Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các cuộc vận động nhân dân thi đua thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Hạ tầng y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện, đạt 26,33 giường/10.000 dân. Dù tình hình ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực, chúng ta đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô đứng nhất, nhì khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Triều An- Loan Trâm cũng đã khánh thành, góp phần phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Chất lượng GD- ĐT tiếp tục cải thiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng. Trong nửa nhiệm kỳ, tỉnh đã huy động hơn 600 tỷ đồng đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 49,31%.

Tài nguyên, khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hơn. Triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

An sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn được duy trì và thực hiện tốt. Giải quyết việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động đạt kết quả tích cực. Giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Để thực hiện được những thành quả đó, yếu tố con người mà cụ thể là vai trò, năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị đã có chuyển biến nâng lên rõ rệt.

Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- khẳng định: Từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác tư tưởng chính trị, phát huy vai trò nêu gương, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao, đã góp phần lớn trong việc tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa hiện đại, tiến tới một cửa điện tử tại các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp được tăng cường.

Dân vận, MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và đóng góp vào các quỹ xã hội, từ thiện;

chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy và mở rộng.

Phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ đã trở thành nền nếp từ thành thị đến nông thôn, tạo nên sinh khí mới trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước từ trong cán bộ đảng viên đến quần chúng nhân dân.

Kỳ 2: Còn đó những khó khăn, trăn trở