Quốc hội dự kiến thông qua 8 luật, 1 nghị quyết

Cập nhật, 13:33, Thứ Hai, 19/11/2018 (GMT+7)

Theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trước khi chính thức bế mạc kỳ họp vào ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Quốc hội cũng dự kiến sẽ biểu quyết thông qua 8 dự án luật, gồm: Đặc xá (sửa đổi); Trồng trọt; Chăn nuôi; Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam) cũng sẽ được cơ quan lập pháp biểu quyết thông qua.

Trong số các luật dự kiến được thông qua lần này, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có 2 nội dung được xin ý kiến. Một là về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và hai là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Ở nội dung thứ nhất, có 330/456 ý kiến đại biểu (ĐB), chiếm 72,36% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 68,04% tổng số ĐB) tán thành với phương án giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước…

Có 83/456 ý kiến ĐB, chiếm 18,24% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 17,11% tổng số ĐB) tán thành phương án 2.

Theo đó, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương; thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.

Cũng có một số ý kiến khác đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; đề nghị thành lập cơ quan độc lập thuộc Quốc hội hoặc giao cho Ủy ban Tư pháp. Có 11 vị ĐB (chiếm 2,27% tổng số ĐB) không thể hiện chính kiến.

Nội dung thứ hai về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, có 209/456 ý kiến ĐB, chiếm 45,93% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐB) tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án.

Theo đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị tòa án xem xét, quyết định.

Phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được thu hồi cho Nhà nước.

Có 156/456 ý kiến ĐB, chiếm 34,21% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐB) tán thành với phương án thu thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo SGGPO