Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đã kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý

Cập nhật, 07:42, Thứ Sáu, 17/08/2018 (GMT+7)

Theo Dân trí, ngày 16/8/2018, tại Hà Nội, BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 14 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng BCĐ- để kiểm điểm, đánh giá kết quả sau 5 năm hoạt động của BCĐ và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát nhiều kết quả đã đạt được. Sau 5 năm thành lập, BCĐ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả ngày càng nâng cao.

BCĐ đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, chọn những khâu yếu, việc khó, có nhiều khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời chú trọng các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ, đồng bộ, tạo bước tiến vượt bậc, toàn diện trong công tác phòng chống tham nhũng. Theo đó, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư điểm lại, trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Trong đó, có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý…

Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương thành lập BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của BCĐ là quyết định đúng đắn, cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút nhiều kinh nghiệm sau 5 năm điều hành BCĐ. Kết quả đạt được trước hết đến từ sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn của BCĐ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, “đúng vai, thuộc bài”. Sau nữa, cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, nhất là giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

PV