Quốc hội thông qua 3 dự án luật

Cập nhật, 18:24, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

Ngày 12/6/2018, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật gồm: Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng và Luật Tố cáo (sửa đổi).

Một số điểm đáng lưu ý đối với dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh, luật quy định doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.

Luật nghiêm cấm cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Về dự án Luật An ninh mạng, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm là người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước;

xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế- xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…

Luật quy định về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự… Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019.

Đối với dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), luật vẫn giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành, không mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại…

Tuy nhiên, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không như dự thảo luật, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.

Về bảo vệ người tố cáo, khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

TÂM HUỲNH