Nguyện tiếp bước bác Hai Phạm Hùng!

Cập nhật, 06:08, Chủ Nhật, 10/06/2018 (GMT+7)

Đi qua những năm tháng chiến tranh mới biết quý trọng những ngày hòa bình. Thật vậy, chúng tôi- thế hệ trẻ- chỉ biết chiến tranh qua từng trang sách, qua từng câu chuyện mà ông cha kể lại.

Hình ảnh về những năm tháng đã qua được tái hiện trong tâm tưởng với tiếng đạn bom ác liệt, đì đùng đáng sợ; những âm vang hào hùng của cuộc hành quân hay những âm thanh mang đầy khí thế cách mạng qua từng bài hát đi cùng năm tháng, làm sục sôi ý chí cách mạng trên những bước quân hành.

Đồng chí Phạm Hùng thăm Báo Sài Gòn giải phóng năm 1985. Ảnh: Internet
Đồng chí Phạm Hùng thăm Báo Sài Gòn giải phóng năm 1985. Ảnh: Internet

Đã qua rồi những ngày vất vả, gian khổ ấy và cũng đã qua rồi những tiếng đạn nổ, bom rơi. Giờ đây, chúng ta đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp nhất của đất nước!

Dẫu biết rằng cuộc đời mỗi người có những hoàn cảnh và số phận khác nhau nhưng chúng ta vẫn còn rất may mắn, may mắn vì chúng ta được sinh ra và lớn lên trong thanh bình, vắng tiếng đạn bom.

Những vùng đất bị chiến tranh tàn phá nay đang thay da đổi thịt để từng bước phát triển. Quê hương tôi cũng vậy.

Giờ đây, Vĩnh Long đang khoác lên mình một bộ áo mới, các công trình mọc lên ngày càng nhiều từng bước đưa Vĩnh Long trở thành một địa chỉ tham quan du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Để có được sự an lành ngày hôm nay, thế hệ trẻ chúng tôi luôn rất đỗi tự hào và biết ơn những nhà cộng sản ưu tú, kiên trung, những học trò tài giỏi của Bác Hồ như: cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; cố Giáo sư Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa; và nhiều người con xứ Vĩnh đã hiến dâng cuộc đời cho cách mạng.

Nhằm ghi nhớ những công lao to lớn của những bậc tiền hiền đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng nhiều khu di tích, khu tưởng niệm được Nhà nước xây dựng để tưởng nhớ công lao và cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng có tổng diện tích khoảng 3,2ha, tọa lạc tại ấp Long Thuận A (xã Long Phước- Long Hồ)- nơi ông được sinh ra và lớn lên.

Công trình được khởi công vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2004 nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng.

Công trình là nơi lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng và tái hiện lại cuộc đời cách mạng của ông như phòng biệt giam ông tại Côn Đảo, ngôi nhà làm việc tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam và phòng làm việc của ông tại số 72 Phan Đình Phùng- Hà Nội…

Đi qua từng căn phòng, nơi lưu dấu của bác Hai, chúng ta mới cảm nhận được sự dã man mà kẻ địch đã mang lại về thể xác lẫn tinh thần đối với bác Hai thuở xưa.

Và, từ đó chúng ta càng tự hào hơn về một cái đầu lạnh, một tinh thần thép và một trái tim nóng bỏng luôn mang hình bóng đất nước của bác Hai- người mà thực dân Pháp 2 lần tuyên án tử nhưng không chết. Phạm Hùng thời ấy là cái tên mà ai cũng cảm thấy nể phục mỗi lần nhắc đến.

Bác Hai Phạm Hùng còn là người đã tận tâm tận lực cống hiến đến cuối cuộc đời mình để lo cho dân, cho nước.

Làm sao có thể cân đo hết những cống hiến của bác Hai Phạm Hùng cho đất nước và quê hương? 106 mùa xuân đã đi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, biết bao lớp người đến rồi đi nhưng có những cái chết hóa thành bất tử và tiếng thơm còn lưu mãi tận đời sau.

Dù thời gian có làm phai nhòa đi mọi thứ nhưng tấm lòng thành kính và nhớ ơn bác Hai Phạm Hùng mãi khắc sâu trong tim những người con đất Vĩnh.

Chúng tôi- thế hệ trẻ- nguyện ra sức học tập và phấn đấu nỗ lực hết mình để viết tiếp những trang mới về vùng đất Vĩnh Long anh hùng, góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh và phát triển như tâm nguyện mà bác Hai hằng mong ước:

“Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng chúng ta sẽ giành được thành tựu mới to lớn hơn nữa trong cuộc xây dựng tỉnh Cửu Long giàu mạnh và tươi đẹp, xây dựng cuộc sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc và văn minh...”.

THIÊN LÝ