Đồng tình quy định xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy

Cập nhật, 16:06, Thứ Sáu, 08/06/2018 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về 2 dự án luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp.

* Đại biểu Trần Văn Rón:

Tôi đồng tình và đánh giá cao việc Bộ Công an đã nghiêm túc triển khai trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.

Cho nên việc sửa đổi Luật Công an nhân dân hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/20117 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị quyết số 22- NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới và trong quá trình thực hiện cần đảm bảo tính khả thi, ổn định và phát triển.

Đóng góp cho dự án luật, đối với quy định về xây dựng lực lượng của công an xã, thị trấn chính quy, Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới trong đó có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã.

Do đó, việc xây dựng lực lượng công an xã chính quy sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thi hành hệ thống pháp luật có liên quan đến an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.

Qua thực tế hiện nay tình hình an ninh nông thôn, đô thị tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, tệ nạn xã hội phát sinh, tội phạm hình sự, các tội vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và nhiều diễn biến phức tạp hơn…

Với những diễn biến như trên, nếu xảy ra đều bắt đầu từ địa bàn cơ sở và nếu không xử lý ngay, ngăn chặn kịp thời thì sẽ bất ổn về chính trị, an ninh trật tự và an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho nên, với tình hình như trên và trong quá trình thực hiện đã có bố trí công an chính quy ở cơ sở, tôi đồng ý với quy định xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy trong dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Trong qua trình thực hiện cần lưu ý mối quan hệ chặt chẽ giữa công an với nhân dân và không làm tăng thêm biên chế.

Ngoài ra, xoay quanh quy định về công nghiệp an ninh, theo quy định của Hiến pháp “Công nghiệp quốc phòng và an ninh là thống nhất, không tách biệt giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh”.

Là bộ phận của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh nhưng hiện nay ta chưa xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh nên việc phân công công nghiệp an ninh trong dự thảo luật này là cần thiết, điều này không mâu thuẫn nhau. Tôi tán thành bổ sung nội dung quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo luật.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh:

Đóng góp cho dự án Luật Chăn nuôi, theo quy định tại Điều 40 là chủ hộ chăn nuôi kê khai số lượng từng loại vật nuôi để UBND cấp xã tổ chức triển khai việc xác nhận kê khai chăn nuôi của các chủ hộ chăn nuôi tại thôn (bản) mỗi năm một lần là không khả thi.

Bởi vì, một năm chỉ báo một lần trong khi chăn nuôi một loại vật nuôi có thể chỉ trong 2 tháng nên số lượng thống kê sẽ không chính xác, hoặc như đối tượng vật nuôi là cá, ong thì không thể đếm số lượng được.

Đề nghị cần quy định phù hợp hơn với từng loại hình, đối tượng chăn nuôi, số lượng vật nuôi cũng như quy định cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi đăng ký, kê khai chăn nuôi.

Một vấn đề mà tôi rất quan tâm đó là tình trạng sử dụng hoá chất, thuốc bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi vẫn diễn ra tương đối phổ biến do ý thức của người chăn nuôi chưa cao, chưa xử lý nghiêm các hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe.

Dự thảo luật lần này cũng đã đưa vào quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng; về điều kiện của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.

Đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế tài xử phạt phải thật sự đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật chăn nuôi.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang:

 Đóng góp cho dự án Luật Chăn nuôi, liên quan đến quy định các hành vi bị cấm (điều 7), tôi cảm thấy hơi băn khoăn quy định về chăn nuôi trong nội thành, nội thị trừ động vật cảnh và chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại theo quy định.

Đối với quy định này đề nghị cần giải thích rõ từ ngữ thêm về chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại là như thế nào và có giống với chăn nuôi nông hộ hay không vì tại điều 3 có giải thích chăn nuôi nông hộ cũng là chăn nuôi có quy mô nhỏ.

Trong điều khoản này có quy định cấm chăn nuôi trang trại trong khu vực dân cư, đây là vấn đề mà cộng đồng xã hội quan tâm, tuy nhiên tôi cho rằng quá trình thực thi trong thực tiễn sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ trang trại hiện nay.

Bởi vì, ở khu vực đồng bằng việc phân bố dân cư đông đúc, nếu chúng ta quy định thẳng vào trong luật như thế mà không có lộ trình cụ thể, không có quy định phù hợp, chặt chẽ hơn sẽ rất khó khăn cho các chủ trang trại hiện nay và phải xử lý vấn đề này như thế nào.

Tôi đề nghị cần xem xét lại quy định này cho khả thi hơn và có lộ trình phù hợp, nên chăng chỉ quy định việc chăn nuôi trang trại trong khu vực dân cư phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường sẽ phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Về điều kiện cơ sở chăn nuôi, có quy định khu chuồng, trại chăn nuôi phải tách biệt với nhà ở, tôi chia sẽ với quy định này nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì chăn nuôi như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh môi trường.

Nhưng đây là vấn đề thuộc về phong tục, tập quán, nếu chúng ta quy định rồi có thực thi được hay không khi đồng bào miền núi xây nhà theo kiến trúc nhà sàn, sống ở tầng trên, chăn nuôi ở tầng dưới. Tôi đề nghị cần xem xét lại điều này, làm sao để điều luật mang tính thực tiễn, bao quát hơn đặc biệt là tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.  

TÂM HUỲNH (ghi)