Đề nghị không đặc xá trường hợp tái phạm nhiều lần

Cập nhật, 16:42, Thứ Tư, 30/05/2018 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự án luật này.

* Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh: Tôi băn khoăn ở điều 21 quy định về đối tượng được đặc xá, trong đó quy định đã bỏ ra 2 trường hợp là đang chấp hành án phạt tù hoặc là được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành phạt tù. Theo dự án luật này, hai trường hợp nêu trên sẽ không được đề nghị để đặc xá.

Theo tôi, nên giữ nguyên như luật hiện hành là bổ sung 2 trường hợp này vào diện được đề nghị đặc xá, nếu không thì ban soạn thảo cần giải thích thêm.

Bởi lẽ, những trường hợp này có những hoàn cảnh, điều kiện để được hoãn hoặc tạm đình chỉ phạt tù thì vẫn có thể là đối tượng được đặc xá, tại sao phải loại những trường hợp đó ra. 

* Đại biểu Lưu Thành Công: Theo tôi, Luật Đặc xá có tính nhân văn rất lớn thể hiện sự khoan hồng của nhà nước ta đối với những người lầm lỡ.

Tôi thống nhất với dự án luật, tuy nhiên có 2 vấn đề đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thêm. Đầu tiên về điều kiện được đặc xá, theo quy định của luật hiện hành người được kết án là tù chung thân muốn được đặc xá phải đảm bảo đủ 3 điều kiện.

Trong dự thảo luật lần này, tù chung thân muốn được đặc xá tăng lên khi phải đảm bảo đủ 6 điều kiện, và trong 6 điều kiện đó có 2 khoản là “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí, trường hợp chưa chấp hành xong thì sẽ do Chủ tịch nước xem xét quyết định”;

“đã thực hiện xong bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”.

Quy định như vậy là rõ, tôi muốn ban soạn thảo giải thích cho đại biểu biết thêm, nếu những trường hợp này không đủ điều kiện bồi thường (do nghèo) nhưng cải tạo rất tốt thì có được đặc xá hay không?  

Vấn đề thứ hai là thời điểm đặc xá, luật giải thích đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án tù có thời hạn từ chung thân nhân sự kiện trọng đại hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Tôi muốn ban soạn thảo giải thích rõ sự kiện trọng đại, đặc biệt này là cái gì? Dự án luật mới dành 2 chương để nói về các sự kiện trọng đại và đặc biệt nhưng không biết như thế nào được gọi là trọng đại và đặc biệt.

Trong luật hiện hành, quy định đặc xá diễn ra trong những ngày lễ lớn, tại sao chúng ta không quy định như thế sẽ cụ thể hơn.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Tôi thống nhất cao với việc cần sửa đổi Luật Đặc xá để thế chế hóa những quan điểm của Đảng về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội bị phạt tù nhằm khuyến khích cho họ cải tạo tốt.

Về thời điểm đặc xá, tôi thống nhất với quan điểm sẽ đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân các ngày lễ lớn hoặc sự kiện đặc biệt.

Tuy nhiên tôi cũng đề nghị cần làm rõ hơn đối với quy định thế nào là sự kiện trọng đại và đặc biệt để việc thực hiện được dễ dàng hơn.  Theo tôi nếu giao cho Chủ tịch nước quyết định thời điểm thích hợp thì cần ghi rõ trong dự thảo luật luôn.

Một vấn đề nữa là điều kiện để đề nghị đặc xá, luật quy định rất cụ thể, tuy nhiên trong số những trường hợp được đề nghị đặc xá có trường hợp phạm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, chống loài người, tội phạm chiến tranh… tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét và nghiên cứu thêm vì đây là loại tội phạm nguy hiểm và trong Bộ Luật Hình sự cũng quy định không tha tù trước thời hạn đối với các loại tội phạm này. 

Do đó, đối với các trường hợp này nên đưa vào mục quy định thuộc nhóm các đối tượng không được đặc xá.

Đối với các trường hợp quy định không được đề nghị đặc xá, dự luật lần này lại bỏ đối tượng đã được đặc xá một lần rồi vi phạm trở lại phải chịu án tù.

Theo tôi, chính sách khoan hồng, ân huệ của nhà nước chỉ thật sự có ý nghĩa đối với người phạm tội mà họ đã thât sự ăn năn, hối cải và sau đặc xá thì trở thành người có ích cho xã hội. Trường hợp tiếp tục phạm tội, rồi lại bị kết án thì có xứng đáng được hưởng chính sách đặc xá hay không?

TÂM- HUỲNH (ghi)