Để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Thông qua tiếp xúc cử tri (TXCT), đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về kết quả các kỳ họp, đồng thời lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND tỉnh, hoạt động TXCT trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế và hiệu quả một số cuộc TXCT chưa đạt được như mong muốn.

Cần đa dạng thành phần tham dự TXCT, trong đó đặc biệt chú ý tới cử tri là người lao động ở các thành phần, người nghèo, dân tộc, các giới...
Cần đa dạng thành phần tham dự TXCT, trong đó đặc biệt chú ý tới cử tri là người lao động ở các thành phần, người nghèo, dân tộc, các giới...

Nhiều ý kiến cử tri chưa được giải quyết kịp thời

Thời gian qua hoạt động TXCT dù đã cố gắng đổi mới nhưng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp vẫn còn những hạn chế nhất định.

Theo đánh giá của HĐND được nêu ra tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của HĐND 2 cấp”, hạn chế dễ nhận thấy nhất là số điểm tiếp xúc cử tri còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri và số lượng cử tri được mời tham dự chưa nhiều nên để có thể tổng hợp hết các ý kiến của cử tri chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Thành Được- Phó Chủ tịch HĐND TX Bình Minh, thời gian qua việc tổ chức TXCT chủ yếu diễn ra ở hội trường UBND xã, nhà văn hóa, trụ sở ấp… thành phần cử tri tham dự chủ yếu là những chi tổ hội và cán bộ ấp, khóm hoặc cử tri có bức xúc nên việc thu thập các ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Công Khanh- Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũng Liêm- cho biết, do thành phần TXCT là những cử tri “chuyên nghiệp”, hay “đại cử tri”- những cán bộ xã, ấp nên đại biểu HĐND chưa nắm bắt, thu thập hết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Theo ông, một hạn chế cần phải khắc phục là thời gian qua hình thức tổ chức TXCT chủ yếu là tiếp xúc theo tổ đại biểu và thường được tổ chức trước và sau kỳ họp, việc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực còn ít dẫn đến việc thu thập ý kiến cử tri còn hạn chế.

Tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng TXCT, nhiều đại biểu còn cho rằng, việc đại biểu thông tin dài chiếm nhiều thời gian và các cuộc đối thoại, trao đổi giữa đại biểu và cử tri còn ít nên dễ dẫn đến nhàm chán và hình thức.

Khi kiến nghị của cử tri được giải quyết dứt điểm, sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Khi kiến nghị của cử tri được giải quyết dứt điểm, sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Một mấu chốt của việc hạn chế trong TXCT là những ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, thấu đáo mà để kéo dài.

Hệ quả của nó ngoài việc chưa đáp ứng được mong muốn và sự hài lòng của cử tri, mà những lần TXCT sau ít có ý kiến, kiến nghị, hoặc ít có người tham gia các buổi TXCT.

Cần đồng hành của chính quyền

Ông Trương Văn Gạo- Phó Chủ tịch HĐND huyện Mang Thít: Hiện nay HĐND huyện Mang Thít có thành lập một đoàn giám sát những việc mà UBND, các ngành hứa xử lý những ý kiến, kiến nghị của cử tri có kịp thời hay không.

Qua thời gian hoạt động, đã đem lại hiệu quả tích cực và HĐND huyện sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Ông đề nghị, cần phải giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tránh trường hợp UBND, các ngành hứa tiếp thu, giải quyết rồi để đó làm giảm sút niềm tin của người dân.

Hoạt động TXCT được xem là “cầu nối” của đại biểu HĐND với cử tri và cử tri với cơ quan nhà nước.

Nếu hoạt động này có chất lượng và hiệu quả thì mối quan hệ giữa đại biểu HĐND, cơ quan nhà nước và cử tri ngày càng thêm gắn chặt và lòng tin của cử tri, nhân dân vào cơ quan nhà nước sẽ được nâng lên.

Theo đó, để nâng cao chất lượng các buổi TXCT trong thời gian tới, theo nhiều đại biểu cho rằng cần phải quan tâm đến nhiều việc, từ hình thức tổ chức như bố trí, sắp xếp thời gian, địa điểm, thông báo rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân, đến đôn đốc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri.

Ông Nguyễn Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Tam Bình- cho rằng, cần phải có sự đổi mới và phù hợp hơn.

Chẳng hạn như ở khu vực thị trấn, xứ rẫy mà bố trí TXCT vào buổi sáng thì ai mà dự cho được. Ngoài ra, đại biểu HĐND cần TXCT giáp các địa bàn để nắm tình hình tốt hơn chứ không nên theo tổ.

Ông Nguyễn Trọng Khôi- Phó Chủ tịch HĐND huyện Trà Ôn- đề xuất, cần đa dạng thành phần tham dự TXCT, trong đó đặc biệt chú ý tới cử tri là người lao động ở các thành phần, các giới, các lứa tuổi cùng tham dự.

Địa điểm TXCT nên là những nơi có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc, nơi có số lượng hộ nghèo đông… vì những nơi đó thường có những tâm tư, nguyện vọng và bức xúc cần hỗ trợ.

Ngoài những vấn đề trên, một số đại biểu đề nghị nên mở rộng thêm các hình thức TXCT theo lĩnh vực, ngành nghề, theo giới, đồng thời nên khuyến khích đại biểu HĐND TXCT theo hướng cá nhân, nhóm người trực tiếp gặp gỡ…

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp và được xem có tính quyết định về chất lượng của cuộc TXCT là những ý kiến, kiến nghị của người dân phải được quan tâm giải quyết dứt điểm và nhanh.

Ông Trần Công Khanh đề xuất, đại biểu HĐND không chỉ ghi nhận và chuyển kiến nghị tới cơ quan chức năng mà cần phải đeo bám, giám sát để đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cho cử tri trong cuộc TXCT sau.

Và vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần phải giải thích rõ, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc TXCT.

Còn theo ông Nguyễn Bá Tòng- Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Bình, trong các buổi TXCT cần có sự đồng hành của chính quyền, các sở ngành để khi cử tri phản ánh thì phải trả lời được ngay và hứa giải quyết dứt điểm như thế mới tạo được lòng tin của cử tri và nhân dân với chính quyền.

Tôi đề nghị, nếu đại biểu HĐND đã TXCT kỳ trước và có hứa với cử tri thì kỳ TXCT sau phải trả lời cho cử tri biết việc đó giải quyết như thế nào và MTTQ phải giám sát được vấn đề này.

Có thể khẳng định, việc TXCT, đôn đốc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong mối liên hệ giữa HĐND, đại biểu HĐND với cử tri và nhân dân.

Làm tốt công tác này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của HĐND, làm cho cho HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND 2 cấp (tỉnh và huyện) đã phối hợp, thực hiện 785 cuộc TXCT trước và sau các kỳ họp HĐND; có 80.124 lượt cử tri tham dự và có 7.174 lượt ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri, với trên 1.300 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp tỉnh và gần 5.000 lượt ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp huyện. Phần lớn các ý kiến, phản ánh, góp ý và đề đạt nguyện vọng của cử tri là chính đáng.

Thông qua đó, đại biểu HĐND 2 cấp đã kịp thời thông tin về những chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết HĐND 2 cấp và hoạt động của HĐND, của cá nhân đại biểu đến cử tri và nhân dân đồng thời cũng qua TXCT, giúp đại biểu HĐND các cấp phát hiện, giám sát, kiến nghị những vấn đề bức xúc đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, tạo sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri và nhân dân.

Bài, ảnh: BÙI THANH