Kỷ niệm 170 năm ngày ra đời Bản "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: 24/2 (1848-2018)

Tuyên ngôn của Đảng cộng sản-dấu son vàng chói lọi

Cập nhật, 06:39, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

 

Cách đây 170 năm, tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của Mác - Ăngghen soạn thảo được công bố.

Đây là một sự kiện có giá trị, ý nghĩa thời đại, đánh dấu bước ngoặt khi giai cấp vô sản thế giới đã chính thức bước lên vũ đài chính trị trong cuộc đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu lý tưởng vĩ đại của giai cấp công nhân, đó là lật đổ chế độ tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Từ đây, giai cấp vô sản toàn thế giới đã có lý luận tiên phong dẫn đường, đã nhận rõ con đường đấu tranh để tự giải phóng mình và quần chúng cần lao khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới không còn tình trạng người bóc lột người; một xã hội thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc.

Chính vì thế mà chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch, phản động, có lợi ích gắn liền với chủ nghĩa tư bản đón nhận sự ra đời của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với một thái độ hằn học, căm tức, muốn tìm mọi cách tiêu diệt “Tuyên ngôn” - bóng ma chủ nghĩa cộng sản vốn đã ám ảnh châu Âu, làm cho giai cấp tư sản phải thấp thỏm lo sợ.

Vâng, từ khi “Tuyên ngôn” chưa ra đời, chủ nghĩa cộng sản chưa thực sự có tổ chức, bởi thế, mở đầu “Tuyên ngôn”, Mác-Ăngghen viết : “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu, bóng ma chủ nghĩa cộng sản”.

Ngay sau khi mới ra đời, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã từng bước lan rộng khắp thế giới, tạo thành các cao trào quần chúng chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và hình thành các lực lượng cách mạng có tổ chức, có mục đích chiến đấu cụ thể, rõ ràng.

Có thể nói, trong suốt cả thế kỷ XX, tư tưởng của Tuyên Ngôn và của chủ nghĩa Mác đã trở thành “kim chỉ nam” và là động lực tinh thần to lớn đối với nhiều cuộc cách mạng, làm thay đổi bộ mặt thế giới; nhất là sự ra đời và phát triển của hàng loạt các nước XHCN.

Sinh thời, Lênin đánh giá rất cao vai trò quan trọng học thuyết của Mác, Ăngghen và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Khi tổng kết nguồn gốc của học thuyết Mác, Lênin khẳng định: “Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX- đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”.

Từ định hướng và mục tiêu chủ yếu của Tuyên ngôn, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một thời đại mới cho sự phát triển của nhân loại - thời đại loài người quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ một mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân thế giới được C. Mác và Ph.Ăngghen vạch ra đã trở thành hiện thực.

Và từ nước Nga, chủ nghĩa xã hội phát triển thành một hệ thống thế giới hùng mạnh, làm thay đổi căn bản bức tranh chính trị thế giới. Chủ nghĩa xã hội trở thành trụ cột, thành trì của hoà bình thế giới, của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh rằng, hệ thống chủ nghĩa xã hội đã có những cống hiến vĩ đại trong sự phát triển của xã hội loài người. Sự ra đời, tồn tại, phát triển của chủ nghĩa xã hội là sự kiện vĩ đại nhất của thể kỷ XX.

Nhân loại đã, đang và sẽ ghi nhận công lao, cống hiến to lớn, hết sức vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đứng đầu là Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hoà bình, vì sự phát triển của các dân tộc trên thế giới. Đó là một thực tế lịch sử không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Vào thập niên 80 thế kỷ trước, do sai lầm mà Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ, đó là một tổn thất vô cùng nặng nề đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động các nước xã hội chủ nghĩa và các dân tộc yêu chuông hoà bình trên thế giới.

Nhưng không vì thế mà quan niệm rằng đã “cáo chung” cho chủ nghĩa xã hội, coi chủ nghĩa xã hội đã bị “tiêu diệt”, bị “xoá sổ” v.v...

Hiện tại, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với đường lối đổi mới, cải cách, đường lối đối ngoại đúng đắn các nước xã hội chủ nghĩa không những không sụp đổ theo Liên Xô và ở Đông Âu như một số thế lực hiếu chiến đã hí hửng dự báo, mà lại ngày càng phát triển, khẳng định vị thế, uy tín của mình trên thế giới, tiềm lực kinh tế, quân sự, quốc phòng ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình, phát triển trên thế giới hiện nay.

Như vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng của “Tuyên ngôn” vẫn đang được giương cao, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vẫn là mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Đối với đất nước chúng ta, ngay từ thời lập Đảng, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng.

Từ tinh thần của Tuyên ngôn mà ngay từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đều khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng.

Những tư tưởng quan điểm về xây dựng Đảng trong Tuyên ngôn luôn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta.   

Ngày nay, tinh thần cách mạng của “Tuyên ngôn” đã, đang và tiếp tục  thúc đẩy hàng chục triệu đảng viên cộng sản đi tiên phong lôi cuốn hàng trăm triệu người trên hành tinh chúng ta giương cao ngọn cờ đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội- trong đó có những người con ưu tú trong đội quân tiên phong của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN VIẾT CHÍNH