Dân vận khéo: kinh tế- xã hội phát triển

Cập nhật, 09:02, Chủ Nhật, 15/10/2017 (GMT+7)

 

Các điển hình “Dân vận khéo” giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại buổi họp mặt 87 năm ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Các điển hình “Dân vận khéo” giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại buổi họp mặt 87 năm ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Giai đoạn 2015- 2017, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” không ngừng được mở rộng và ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức, nội dung, tập trung những vấn đề khó, bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị; từ đó đã khơi dậy nội lực trong nhân dân, huy động đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, cải thiện đời sống nhân dân.

Hiệu quả tích cực

Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 9.149 tập thể và 70.467 cá nhân đã đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Những tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện điển hình, mô hình “Dân vận khéo” được tổ chức và diễn ra rộng khắp ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, doanh nghiệp, cộng đồng khu dân cư.

Các nội dung đăng ký xây dựng điển hình “Dân vận khéo” hầu hết đã bám sát vào các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tập trung hướng vào giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của đời sống xã hội như: giảm nghèo, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp vững mạnh...

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động tiết kiệm giúp đỡ người nghèo khó khăn về nhà ở; vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng…

Nổi bật nhất là đã thực hiện tốt việc vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm, giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân nghèo, an sinh xã hội, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- nhấn mạnh, phong trào “Dân vận khéo” thời gian qua đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh”.

TT
 

 

 

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, có 24.675/ 79.616 tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện, chiếm tỷ lệ 31% so với tổng số điển hình, mô hình đăng ký trong toàn tỉnh. Ước tính để mỗi xã xây dựng đạt chuẩn NTM huy động với tổng số vốn đầu tư trung bình là 175 tỷ đồng, trong đó vận động nhân dân tự nguyện đóng góp 30%.


Dân vận khéo, việc gì cũng thành công

Với mô hình “Vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình dự án do Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) làm chủ đầu tư”, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của đơn vị luôn xem đây là việc làm quan trọng, gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Tổng số 16 dự án ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, Trung tâm Giống nông nghiệp đã xây dựng 315 mô hình, hỗ trợ chuyển đổi giống, cung cấp cây giống, thành lập 28 tổ hợp tác sản xuất, thực hiện 217 cuộc hội thảo khoa học, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề cho 6.895 lượt cơ sở, hộ nông dân.

Qua đó, công tác vận động nông dân tham gia các chương trình dự án do Trung tâm Giống nông nghiệp làm chủ đầu tư đã đạt kết quả rất tốt, hàng ngàn hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình.

Vận động cất nhà tình thương cho người nghèo.
Vận động cất nhà tình thương cho người nghèo.

Các mô hình được xây dựng đạt hiệu quả kinh tế- xã hội cao, đang được duy trì và nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp- cho biết: Thông qua các chương trình, dự án đã tạo sự liên kết sản xuất trong nội bộ nông dân, từ đó hình thành nên các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể.

Để làm tốt công tác vận động phải tận tình giải thích rõ để nông dân hiểu chủ trương, cơ chế chính sách, đối tượng, địa bàn áp dụng với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Mô hình “Vận động địa phương thực hiện tốt công tác xã hội, nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ Phường 3 (TP Vĩnh Long) cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Với phương châm “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Thành hội đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến xây dựng nhiều mô hình để phục vụ nhân dân như:

xây nhà tình thương, phát quà cho hộ nghèo, cận nghèo, trao xe đạp cho học sinh nghèo, tặng học bổng, hỗ trợ vốn mang tính bền vững cho hội viên nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, cấp xe lăn, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo, duy trì các thùng từ thiện gây quỹ hội, duy trì hũ gạo tình thương giúp người già neo đơn, trẻ em mồ côi,… trị giá phúc lợi xã hội hàng tỷ đồng.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nguyệt- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 3- cho biết, bằng nhiều hình thức hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế ở tại địa phương, công tác cứu trợ, tương trợ xã hội đã được hội và các chi hội vận dụng linh hoạt đem lại nhiều hiệu quả khả quan trong việc giúp đỡ đối tượng người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sắp tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức vận động để tạo phúc lợi xã hội.

Mô hình “Liên gia, liên tổ và liên khóm tự quản phòng chống tội phạm” ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) đã tác động góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác để mọi người dân cùng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo môi trường bình yên để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Qua thời gian hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, được BCĐ thành phố đánh giá cao, cho tổ chức triển khai nhân rộng ra các địa phương khác.

Qua gần 3 năm tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã có 109/109 xã- phường- thị trấn, 8/8 huyện- thị- thành và 4/4 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tuyên dương điển hình “Dân vận khéo”. Qua đó, có 819 tập thể, 1.397 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” được công nhận, khen thưởng cấp cơ sở; có 246 tập thể, 412 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng cấp huyện; 87 tập thể và cá nhân được khen thưởng cấp tỉnh.

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN