Cần tạo cơ chế "4 không" trong phòng, chống tham nhũng

Cập nhật, 13:12, Thứ Năm, 01/06/2017 (GMT+7)

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (TNLP)”, cấp ủy Đảng 2 cấp của Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện và kết quả đáng ghi nhận là các cấp ủy đều xây dựng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn từng bước đẩy lùi tình trạng này trong toàn Đảng bộ.

Cần thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức- nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Cần thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức- nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

TNLP được ví như giặc nội xâm, nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng.

Do vậy, công tác phòng chống TNLP được các cấp ủy Đảng xem là một nhiệm vụ thường xuyên với nhiều khó khăn và phức tạp. Thời gian qua, Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án TNLP.

Với 800 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 200 đảng viên- làm sao để quản lý tốt lực lượng này không để xảy ra tình trạng TNLP luôn được Đảng ủy Sở Nông nghiệp- PTNT xem là nội dung đặc biệt quan trọng, thường xuyên và cấp bách.

Để thực hiện tốt việc này, đảng ủy giao cho các bí thư chi bộ trực thuộc phối hợp với thủ trưởng đơn vị và các hội đoàn thể triển khai đầy đủ các quy định về phòng chống TNLP.

Ngoài ra, đảng ủy sở còn phối hợp với chính quyền xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp để toàn thể công chức, viên chức thực hiện.

Hàng năm, sở còn tổ chức 2 cuộc thanh tra hành chính về phòng chống TNLP đối với các đơn vị trực thuộc và thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

Theo ông Nguyễn Thành Một- Bí thư Đảng ủy Sở Nông nghiệp- PTNT, cách làm này để kịp thời phát huy những ưu điểm, đồng thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót và xử lý các vi phạm từ trong “trứng nước”.

Ngoài ra, Đảng bộ Sở Nông nghiệp- PTNT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nắm bắt dư luận xã hội, công tác dân vận… góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống TNLP.

Một kinh nghiệm hay của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là cấp ủy lãnh đạo các đoàn thể tăng cường hoạt động giám sát của đoàn viên, hội viên trong công tác phòng chống TNLP.

Theo ông Nguyễn Công Đắc, đại diện Đảng ủy trường, thông qua tổ chức của mình, đoàn viên hội viên được tham gia đóng góp, kiến nghị và giám sát các hoạt động học tập chế độ chính sách, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp…

Trường luôn tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ, giám sát, được quyền kiến nghị và yêu cầu thủ trưởng cơ quan đơn vị trả lời những vấn đề đặt ra. Cách làm này phát huy quy chế dân chủ cơ sở và góp phần quan trọng trong phòng, chống TNLP.

Đảm bảo công khai, minh bạch

Để hạn chế, phòng ngừa TNLP, đã có nhiều nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng được ra đời, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Tuy nhiên theo đánh giá, công tác phòng chống TNLP vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra.

TNLP vẫn còn nghiêm trọng với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

Đặc biệt, hiện nay còn phát sinh tham nhũng vặt trong khu vực công, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay… nhất là trong các ngành thường xuyên tiếp xúc với dân, doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào đề phòng, chống TNLP đạt hiệu quả, theo nhiều cấp ủy Đảng, điều quan trọng là cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, thực hiện tốt việc kê khai tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ…

Đặc biệt, việc công khai minh bạch của cơ quan phải theo đúng quy định gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở bằng nhiều hình thức: công bố tại các cuộc họp, công khai trong hội nghị cán bộ, công chức hàng năm, niêm yết các thủ tục hành chính…

Ông Nguyễn Văn Bé Năm- Đảng bộ Cục Thuế- cho rằng, muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống TNLP, trước hết phải xác định nguy cơ này có thể xảy ra ở bộ phận nào, cá nhân nào, lĩnh vực nào để tập trung chỉ đạo.

Lấy phòng là chính, vì vậy nên tăng cường giáo dục và các biện pháp phòng ngừa, khi phát hiện phải được xử lý nghiêm.

Theo Tòa án tỉnh, qua xét xử một số vụ án tham nhũng điển hình cho thấy, những cơ quan để xảy ra tình trạng TNLP có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu thiếu sự lãnh đạo sâu sát và sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, buông lỏng công tác bồi dưỡng, giáo dục, kiểm tra và xử lý kỷ luật đảng viên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết- Đảng ủy Tòa án tỉnh- cho biết, đảng ủy, người đứng đầu cần bồi dưỡng, giáo dục cán bộ để nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm và có tinh thần đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực này.

Ngoài ra, cần chủ động kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi TNLP.

Ông Lê Thành Trung- Đảng bộ Thanh tra tỉnh- đề xuất, các giải pháp phòng, chống TNLP cần tạo cho được cơ chế, hành lang pháp lý để đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện “4 không” (không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng).

Có như thế mới phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để tệ TNLP, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” hiện nay.

Trong năm 2016, ngành thanh tra đã thực hiện 71 cuộc thanh tra ở 104 đơn vị.

Tập trung vào các lĩnh vực: thanh tra đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất công; quản lý tài chính ngân sách; thu chi tài chính đơn vị sự nghiệp, thanh tra chức trách công vụ, phòng chống tham nhũng… Qua đó, phát hiện có 34 đơn vị vi phạm với tổng sai phạm về kinh tế trên 25,5 tỷ đồng.

Các sai phạm chủ yếu: chi sai các quy định về nguyên tắc tài chính kế toán, trốn thuế, thu để ngoài sổ sách; thu không ra hóa đơn, chiếm dụng thuế thu nhập; chi sai mục đích.

Ngành đề nghị xử lý hành chính hình thức kiểm điểm trách nhiệm 5 tập thể và 42 cán bộ có sai phạm. Kết quả thanh, kiểm tra chưa phát hiện hành vi tham nhũng.

Bài, ảnh: BÙI THANH