Làm dân vận chính quyền để lo cho dân tốt hơn

Cập nhật, 11:39, Thứ Năm, 30/06/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, việc tăng cường công tác dân vận chính quyền (DVCQ) đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nổi bật nhất là gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.

Công tác dân vận chính quyền thời gian qua luôn tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Công tác dân vận chính quyền thời gian qua luôn tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Dân vận chính quyền gắn với xây dựng nông thôn mới

Là một trong những địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn xã NTM, ông Nguyễn Văn Đẳng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho rằng: Xác định công tác DVCQ gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ hết sức quan trọng, UBND xã đã triển khai “Năm DVCQ” và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Song song với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, xã còn xây dựng đạt 2 mô hình dân vận khéo là “Trong nhà có mỏ, ngoài ngõ có đèn” và “Cổng an ninh trật tự”.

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế, xã đã vận động nhân dân chuyển 32,5ha vườn kém hiệu quả sang trồng chuyên canh cây ăn trái như: chôm chôm, nhãn Idor…

Hiện, toàn xã có 844ha vườn chuyên, năng suất bình quân 18 tấn/ha/năm, có 85% vườn đạt từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước, hiện đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

Đến tham quan mô hình trồng chôm chôm Java theo tiêu chuẩn GlobalGAP của anh Phụng Quy Tính (ấp Bình Hòa, xã Bình Hòa Phước), thật vui mắt với những cành trái chín đỏ rợp trời.

Dưới tán cây, nhiều người quây quanh hái trái, khuân vác, “dọn” trái vô thùng xuất khẩu, anh Tính phấn khởi: “Tui trồng 2.600m2 chôm chôm Java, cho năng suất 10 tấn trái, trung bình mỗi tấn trái, đóng được khoảng 900kg để xuất khẩu.

Với giá bán 15.000- 16.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, tui bỏ túi rủng rỉnh hơn 100 triệu đồng”.

Trong phát triển kinh tế của chính quyền địa phương, anh Tính cũng như nhiều nông dân khác đã có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Theo anh Tính: “Nhờ chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ, tui đã từng bước áp dụng quy trình sản xuất đạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cách ly phân thuốc đúng thời điểm mà cây cho trái đẹp, an toàn với cả nông dân và người tiêu dùng”.

Song song với phát triển kinh tế, công tác DVCQ gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa- xã hội cũng luôn được địa phương quan tâm.

Hiện toàn xã có 2.153 hộ đạt văn hóa, chiếm 90,53%; 150 tổ nhân dân tự quản, chiếm 100%; 6/6 ấp đạt văn hóa, xã đạt văn hóa- NTM; cơ quan xã, trường học, trạm y tế đạt chuẩn văn hóa; chợ, bến xe, cơ sở thờ tự đạt chuẩn tiên tiến.

Ông Nguyễn Văn Đẳng cho biết thêm: nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, việc thực hiện công tác DVCQ luôn gắn với cải cách hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xã đã thực hiện đúng quy trình cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, được nhân dân đánh giá cao.

Các công trình được đầu tư trên địa bàn đều được triển khai đúng tiến độ, không có công trình nào phải rút vốn do không được bàn giao được mặt bằng hay không huy động được vốn đối ứng, nhất là các công trình có sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM.

Bà Huỳnh Thị Hà Thủy- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh đánh giá: Nhờ làm tốt công tác DVCQ mà 100% xã điểm sớm đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Điều này thể hiện rõ nét nhất vì tiêu chí môi trường chủ yếu dựa vào công tác vận động nhân dân là chính. Công tác DVCQ gắn với cải cách thủ tục hành chính về tài nguyên- môi trường cũng được triển khai rất tốt, nhất là từ khi thực hiện quy trình một cửa và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008

Nói để dân nghe, dân hiểu, dân tin và thực hiện

Làm tốt công tác dân vận chính quyền còn giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Làm tốt công tác dân vận chính quyền còn giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để làm tốt hơn nữa công tác DVCQ, ông Nguyễn Văn Đẳng cho rằng, cần phải thực hiện nhiệm vụ sáng tạo, linh động và hiệu quả; trong chỉ đạo điều hành cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn ngay từ ấp; đồng thời, lắng nghe ý kiến của nhân dân một cách có chọn lọc; thường xuyên đối thoại với nhân dân và không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tạo sự đoàn kết trong hệ thống chính trị từ xã xuống ấp.

Ông Nguyễn Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho rằng, để công tác DVCQ có chất lượng và hiệu quả, từng cán bộ- công chức cần nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm trong công tác của mình, nắm bắt được ý nguyện nhân dân, nói để dân nghe, dân hiểu, dân tin và thực hiện; đồng thời, phải đặt nhiệm vụ của mình là lo cho nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Bà Huỳnh Thị Hà Thủy đề xuất, cần thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân vận, đặc biệt là DVCQ, để cán bộ công chức hiểu và làm tốt công tác này.

Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức bình xét những tấm gương điển hình trong công tác DVCQ.

Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cần gắn công tác DVCQ với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, mỗi người cần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong phục vụ nhân dân.

Việc nâng cao trình độ chuyên môn, phải đi đôi với nâng cao năng lực ứng xử nghề nghiệp, chuyển từ “ban ơn” sang phục vụ, phát huy tinh thần nêu gương.

Đồng thời, cần kiểm tra biểu dương cán bộ công chức làm tốt và chấn chỉnh người cố tình vi phạm.

Song, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để mỗi người làm hết trách nhiệm, lắng nghe tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, để nói cho dân hiểu ngoài cái lý còn phải có cái tình.

Bên cạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với lòng dân vì bất kỳ địa phương nào làm tốt quy chế dân chủ, nơi đó có sức mạnh.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI