Quy định về thời hạn sử dụng của bản sao được công chứng, chứng thực

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 27/02/2020 (GMT+7)

Thực tế, đối với một số thủ tục thì có nơi chỉ yêu cầu bản sao công chứng, chứng thực và không yêu cầu xác định thời hạn nhưng có nơi chỉ xem bản sao có giá trị trong khoảng 6 tháng như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Xin hỏi, quy định của pháp luật về thời gian sử dụng các bản sao này thế nào?

Trần Thanh An (Vũng Liêm)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Nghị định 23/2015/NĐ- CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, quy định về bản sao được chứng thực từ bản chính như sau:

Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này có giá trị sử dụng thay bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chữ ký được chứng thực theo quy định tại nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Căn cứ quy định trên, thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015 vừa nêu đều không có nội dung xác định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực.

Như vậy, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, về mặt căn cứ pháp lý thì bản sao được công chứng, chứng thực có giá trị sử dụng không xác định về thời hạn trong các giao dịch.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp bạn đề cập như chứng minh nhân dân, vì theo quy định chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm, do đó, về nguyên tắc thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.

Còn đối với sổ hộ khẩu, thì sổ hộ khẩu thuộc dạng giấy tờ có sự biến động, thay đổi trong quá trình sử dụng, do đó, trong một số trường hợp người tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ yêu cầu người nộp hồ sơ xuất trình bản chính sổ hộ khẩu để đối chiếu chứ không có quyền yêu cầu nộp bản sao mới.

PHÒNG BẠN ĐỌC