Có tên trong hộ khẩu, có đồng nghĩa với quyền sở hữu nhà, đất?

Cập nhật, 09:39, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

Tôi đứng tên trong sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của gia đình. Tôi muốn cho chị tôi nhập vào hộ khẩu của gia đình mình, như vậy có ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu nhà và đất không?

Lê Văn Định

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ nhất định và đã đăng ký thường trú.

Ngoài ra, khoản 16 Điều 13 Luật Đất đai năm 2013 quy định giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sử dụng nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ quy định trên, nhà đất đã mang tên bạn có nghĩa là nhà, đất này đã được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu và sử dụng. Như vậy, việc chị bạn đăng ký thường trú tại nhà bạn chỉ là việc xác định chỗ ở thường xuyên của chị bạn chứ không có ý nghĩa trong việc xác định quyền sở hữu của chị bạn đối với ngôi nhà của bạn.

Về nguyên tắc, việc đăng ký hộ khẩu không có ý nghĩa trong việc xác định quyền sở hữu tài sản tại thời điểm đăng ký. Nói cách khác là quyền sở hữu tài sản của một công dân không phụ thuộc vào nơi người đó đăng ký hộ khẩu, một người đăng ký hộ khẩu ở một nơi nhưng có quyền sở hữu đối với nhiều tài sản ở các địa bàn khác nhau.

PHÒNG BẠN ĐỌC