Uống rượu khi lái xe bị xử phạt như thế nào?

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 15/02/2019 (GMT+7)

Được biết, người điều khiển phương tiện mà có uống rượu nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt, vậy cụ thể mức phạt được quy định như thế nào?

Lê Văn Chính (Mang Thít)

Trả lời: Lái xe uống rượu gây tai nạn phải chịu chế tài của Bộ luật Hình sự khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác. Nhưng ngay cả khi chưa gây tai nạn lái xe uống rượu cũng bị xử phạt hành chính.

Theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu bia như sau:

Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1- 3 tháng.

Phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/1 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng.

Phạt tiền từ 16- 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ khoản 12 Điều 5 thì người điều khiển phương tiện có thể bị tước quyền sử dụng GPLX từ 4- 6 tháng.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng.

Phạt tiền từ 3- 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/ 100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng theo điểm c khoản 12 Điều 5.

PHÒNG BẠN ĐỌC