Mang khẩu trang- trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 08:03, Thứ Tư, 12/05/2021 (GMT+7)
Một nhân viên của tổ chức phi chính phủ cúi lạy một người dân ở Ấn Độ van xin hãy đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.  Ảnh: AFP
Một nhân viên của tổ chức phi chính phủ cúi lạy một người dân ở Ấn Độ van xin hãy đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Mới đây, bức ảnh của phóng viên hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) ghi lại cảnh một nhân viên của tổ chức phi chính phủ cúi lạy một người dân ở Ấn Độ van xin người này hãy đeo khẩu trang gây chấn động dư luận.

Trên thực tế, không ít người dân Ấn Độ phớt lờ việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Điều này là một trong những lý do khiến cho Ấn Độ hiện đang là tâm dịch của thế giới. Theo báo Hindustan Times, ngày 7/5/2021, Ấn Độ ghi nhận thêm 4.192 ca tử vong trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch ở nước này. Số người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ được thống kê đến thời điểm đó là 238.283 người. Cùng ngày, Ấn Độ cũng tăng thêm 401.358 ca bệnh trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 cả nước lên 21.886.256 ca.

Nhìn vào thực tế, dịch COVID-19 trên thế giới lây lan nhanh như hiện nay có nguyên nhân từ việc nhiều chính quyền trên thế giới ít quan tâm đến việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bị chỉ trích vì không chịu mang khẩu trang. Ngược lại, sắc lệnh đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký có nội dung yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Kết quả là, cùng với việc người Mỹ dần quen với việc đeo khẩu trang và hơn 105,5 triệu người Mỹ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ giảm 5 lần (theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins). Do đó, 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden được dân chúng Mỹ đánh giá rất cao.

Để phòng chống dịch COVID-19, từ rất sớm, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra thông điệp “5K” (khẩu trang- khử khuẩn- khoảng cách- không tập trung- khai báo y tế). Do đó, việc mang khẩu trang khi ra đường của người dân Việt Nam đã trở thành trách nhiệm. Việc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tặng khẩu trang cho người dân đã mang một ý nghĩa tích cực trong việc phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Thiết nghĩ, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao ý thức của mình hơn nữa trong việc sử dụng khẩu trang để việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn. Và trên thực tế, không những ngăn SARS-CoV-2 gây bệnh dịch nguy hiểm này, “lưới phòng hộ” này còn cản khói, bụi bẩn, vi khuẩn và các loại vi rút độc hại khác… khiến cơ thể con người được bảo vệ tốt hơn khi đi đến nơi công cộng. Bởi thế, có thể nhận định, đây thật là một việc dễ làm mà có đến trăm điều lợi.

NGUYỄN VĂN TOÀN