Hàng rong quanh trường học

Cập nhật, 06:21, Thứ Tư, 04/11/2020 (GMT+7)

Hàng ngày, trên đường đến sở làm, tôi có đi ngang 2 ngôi trường (1 trường tiểu học và 1 trường THPT). Nhìn chung, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, góp sức của các cấp, các ngành cùng sự đóng góp của người dân mà cơ sở vật chất trường lớp trong môi trường sư phạm ngày càng thân thiện, sáng- xanh- sạch- đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy của từng trường

Như 2 ngôi trường tôi đi ngang hàng ngày, trường nào cũng có khuôn viên khang trang, sạch, đẹp, không thiếu bóng mát của cây xanh. Thế nhưng, vấn đề tôi lo ngại là tình trạng hàng rong bán xung quanh những ngôi trường này.

Theo quan sát của tôi, đa phần những “gian hàng” này bán theo kiểu “di động”, trên xe đẩy và không “trụ” suốt ở xung quanh cổng trường. Những lúc như buổi sáng- giờ học sinh đến trường; buổi trưa, buổi chiều- giờ tan học và dễ thấy nhất là giờ học sinh ra chơi luôn có sẵn những “gánh hàng rong” xuất hiện “đón đầu”.

Để đáp ứng “khẩu vị” và phù hợp với túi tiền của các em thì những món ăn được bày bán thường là mì ly, xôi, bánh mì, kem cây, kẹo, bánh tráng trộn, trà sữa, nước uống có ga nhiều màu sắc,... với giá từ 5.000- 7.000đ.

Với người lớn, việc đánh giá chất lượng đồ ăn, thức uống đôi khi còn bị “lầm” huống gì đối với trẻ em. Hơn nữa, các em lại ăn, uống một cách vô tư, ít để ý đến hạn sử dụng và xuất xứ sản phẩm, lượng phẩm màu có trong các loại nước ngọt, si rô. Bên cạnh đó là bụi bặm, ruồi nhặng,...

Đặc biệt, các loại trái cây hay thức ăn chế biến sẵn dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra các bệnh về tiêu hóa, dị ứng và thậm chí là ngộ độc thực phẩm.

Rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra và để hạn chế học sinh sử dụng hàng rong, hầu hết các trường học đều đóng cổng giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong, tuyên truyền đến các em về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thậm chí, có trường còn cắm biển “khu vực trường học, cấm tụ tập mua bán” nhưng hầu như không có mấy hiệu quả, cấm thì cấm nhưng bán vẫn bán. Đóng cổng thì nhiều người lòn hàng rong qua khung sắt để bán. Cho nên, xung quanh trường học nào cũng thấy bóng dáng của hàng rong.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh không “đảm bảo” được bữa sáng cho con và có thói quen hàng ngày cho con một ít tiền lẻ để khi tan học, trong lúc chờ cha mẹ tới đón hoặc thời gian nghỉ giữa các tiết học, con mua đồ ăn đỡ đói. Sau những giờ học với cái bụng đói meo, nhìn đồ ăn hấp dẫn, đặc biệt giá thành vừa túi tiền thì các em khó mà… từ chối.

Điều này đã tạo cho học sinh hình thành thói quen ăn quà vặt, đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật- nhất là hiện nay đang báo động tình trạng những loại ma túy tổng hợp len lỏi vào trường học ẩn dưới những cái tên gây tò mò, kích thích học sinh như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà”,…

Vậy nên, phụ huynh, giáo viên, nhà trường và các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với nhau vừa chăm lo, nhắc nhở, giáo dục, tuyên truyền học sinh kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người buôn bán hàng rong vi phạm các quy định.

Thật tình mà nói, đối với những người bán hàng rong “bỏ thì thương, nhưng vương thì tội”. Có những người hấp từng mẻ xôi, gói từng cái bánh đảm bảo tươi ngon, chất lượng mới bưng ra bán. Nhưng bán nơi vỉa hè, bụi bặm, nắng gió sẽ làm bánh bớt ngon và không “sạch sẽ” nữa.

Bất cứ “nghề” nào cũng vất vả như nhau. Và, kiếm được đồng tiền chưa bao giờ là dễ. Nhưng không nên vì “ngán” điều này điều nọ mà chọn cho mình cách “làm ra tiền” nhưng lại có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Vì sức khỏe của cộng đồng, vì tương lai của giống nòi, cần chấm dứt tình trạng bán hàng rong quanh trường học!

NHƯ Ý