Cho và nhận trong cuộc sống

Cập nhật, 07:44, Thứ Ba, 27/10/2020 (GMT+7)

Trong những ngày này, miền Trung đang hứng chịu những trận mưa lụt gây thiệt hại rất lớn về người và của thì tấm lòng của người dân cả nước lại hướng về miền Trung thân yêu. Bởi trong lúc này, người dân miền Trung đang cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân cả nước.

Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấm thía sự trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương và lòng biết ơn của người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Con người ta sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi vì chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng có câu thơ rất hay như là một chân lý: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” hay “Người với người sống để yêu nhau”. Nhất là trong những ngày đồng bào miền Trung đang ngâm mình trong cơn mưa lũ.

Cho thật ra không phải là việc gì to tát, càng không phải là những con người vĩ đại, có tài sản vật chất nhiều mới có thể cho đi. Thật ra trong chúng ta, ai cũng có thể cho đi xuất phát từ cái tâm, từ những điều nhỏ nhất.

Hàng năm, mỗi khi mùa bão lũ đến, những sinh viên tình nguyện, những nhà hảo tâm… lại gom góp những thứ nhu yếu phẩm cần thiết mang đi giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn, khó khăn. Đặc biệt là trong những ngày mưa lũ miền Trung, họ lại cùng cả nước chung tay góp tiền, góp của, sức lực để trợ giúp đồng bào bị thiệt hại nặng nề.

Đã có nhiều người họ làm từ thiện cả một đời, luôn luôn quan tâm đến những người gặp hoạn nạn, nghèo khổ, mang những miếng cơm nóng, mì tôm, lương khô, nước uống đóng chai… những tấm áo ấm, với một tấm lòng thực tâm để giảm bớt sự thiếu thốn, khó khăn cho đồng bào bị mưa lũ.

Họ có một chữ tâm rất lớn, cuộc sống của họ có chữ “thiện” luôn ở trong tim. Họ thấy lòng mình thanh thản và bình an khi được làm những việc đó. Bởi những người cho đi, họ không hề nghĩ đến sự nhận lại cho mình bất cứ thứ gì dù là điều nhỏ nhất.

Cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người, ta cho đi sẽ nhận lại lòng kính trọng và sự biết ơn. Cho đi thật ra vô cùng đơn giản, chẳng cần toan tính gì hết, cứ thế cho đi đó chính là những điều đáng quý nhất. Cuộc sống ở xung quanh chúng ta luôn có rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia, giúp đỡ, mà đặc biệt là trong thời điểm mưa lũ này người dân miền Trung cần lắm sự sẻ chia, đùm bọc.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no là rất quý và rất đáng trân trọng. Chúng ta trao đi yêu thương, chúng ta sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn. Dù cái chúng ta nhận lại không phải là vật chất, là những thứ hiển hiện mà chỉ là niềm vui, là sự an nhiên mà thôi. Như thế là quá đủ rồi. Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói “cho đi là hạnh phúc” nhưng để thực hiện được điều đó thì chẳng dễ dàng gì.

Hạnh phúc mà ta nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi ta cho đi mà không nghĩ nhiều đến lợi ích của chính bản thân mình. Không phải lúc nào “cho” cũng mang lại hạnh phúc cả. Điều đó chỉ xảy ra khi ta cho phải đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh thì mới mang lại niềm vui cho người nhận và niềm hạnh phúc đối với người cho.

Cho và nhận giúp con người gắn kết với nhau nhiều hơn, sống vị tha, nhân ái và biết yêu thương nhau hơn. Cho và nhận đã trở thành truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc sống hiện nay, giữa dòng đời vội vã của thời công nghiệp hóa, nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người.

Có rất nhiều người sống theo một lối sống ích kỷ, chỉ biết nhận mà không muốn cho. Vì danh lợi, vì tiền tài, vì những thứ vật chất tầm thường mà họ bóp méo hai chữ cho và nhận không đúng nghĩa của nó. Mỗi chúng ta phải biết cho đi đúng nghĩa của nó, nghĩa là phải xuất phát từ tấm lòng, từ tình yêu thương giữa người với người.

Trong những ngày mưa lũ, chúng ta cảm ơn những tấm lòng cao cả của những người cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an, công nhân đã ngã xuống hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Cảm ơn các mạnh thường quân đã không quản khó khăn, gian khổ trong mưa lũ đã đưa hàng cứu trợ tới giúp đỡ người dân miền Trung. Cảm ơn những tấm lòng chỉ biết cho đi và không nghĩ đến nhận lại một điều gì, họ hy sinh thầm lặng, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Biết hy sinh mà chẳng nói nhiều lời”.

VÕ HOÀNG NAM