Của cho và cách cho

Cập nhật, 21:41, Thứ Ba, 28/07/2020 (GMT+7)

Khi xã hội còn những hoàn cảnh khó khăn thì câu chuyện “lá lành đùm lá rách” bao giờ cũng đẹp. Tuy nhiên, “của cho không bằng cách cho” vì tôi đã chứng kiến không ít buổi trao quà mà người được nhận dù vui nhưng lòng dạ héo hon “cả nghĩa đen và nghĩa bóng” vì phải chờ nhà tài trợ quá lâu.

Có những chương trình mà người nhận đến chờ người cho tận 3 giờ đồng hồ! Một cô ca sĩ nổi tiếng tôi từng yêu thích trao quà cho người già neo đơn, khó khăn. Các thư mời được gửi đi hẹn 14 giờ tại UBND xã nhưng đến 16h30 thì cô ca sĩ kia mới đến. Chờ đợi trong cái nắng trưa rồi đến xế chiều, các cụ ngồi đó đợi những phần quà, đợi gặp cô ca sĩ đến mỏi mòn. Cũng từ hôm đó, tôi không còn thích cô ca sĩ ấy nữa! Tôi nghĩ, làm ca sĩ là người của công chúng, ngoài hát hay ra cần phải có cái tâm!

Làm việc gì cũng cần có tấm lòng và mỗi người trao quà cũng cần có cái tâm như vậy. Hãy nghĩ đến những người khó khăn, có khi chờ đợi lãnh quà đã bỏ mất cơ hội bán được thêm vài chục tờ vé số, mất một buổi làm thuê,… Và, hơn hết mọi người sẽ cảm thấy được trân trọng hơn, hạnh phúc hơn khi được nhận quà trong những chương trình gọn gàng và đúng giờ.

Mùa thi lại đến, tôi lại nhớ đến những suất cơm miễn phí cho thí sinh nhiều đến nỗi “ăn không hết phải đem cho chỗ khác”. Ở một số huyện vùng sâu, học sinh có thể đi thi hơi xa nhà và cần bữa ăn trưa thì hỗ trợ là cần thiết. Nhưng ở TP Vĩnh Long, nhiều người thắc mắc, học sinh TP Vĩnh Long đi thi ở TP Vĩnh Long, tại sao phải cho cơm? Bởi lẽ, những học sinh này sẽ nghỉ trưa tại nhà và đã được phụ huynh chuẩn bị sẵn sàng “cơm nhà nóng hổi” rồi.

Sự hỗ trợ, động viên từ xã hội là rất cần nhưng tùy đối tượng và hoàn cảnh mà “cho cái gì” và cách cho ra sao cho thích hợp. Tôi nghĩ, trao quà hay tặng cơm,… cũng cần đổi mới theo hoàn cảnh và đối tượng như vậy. Làm được thì ý nghĩa của việc cho đi càng lớn hơn và đẹp hơn nhiều.

VĨNH PHÚC