Hiểm họa từ xe chở hàng hóa cồng kềnh

Cập nhật, 05:11, Thứ Tư, 29/04/2020 (GMT+7)

Thỉnh thoảng khi lưu thông trên đường, tôi lại bắt gặp xe chở hàng hóa cồng kềnh (ảnh). Khi thì xe chở tôn, chở sắt; khi là xe chở đầy bọc nhựa, hộp xốp, rau cải, trái cây,... Dù là xe chở gì đi chăng nữa, một khi đã chở “quá khổ” thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Không riêng gì tôi mà bất cứ ai khi lưu thông cùng chiều với những xe chở hàng hóa cồng kềnh như thế đều cảm thấy rất bất an.

Bởi, thứ nhất: Nếu đó là xe chở hàng hóa quá dài, người lái khó tạo được khoảng cách an toàn với xe khác, khó giữ thăng bằng xe- nhất là khi đến những khúc cua, ngả rẽ- rất dễ va chạm với chúng ta (những người lưu thông gần).

Nguy hiểm hơn, nếu đó là xe chở tôn, chở sắt chỉ cần xảy ra va chạm nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người mà những vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ những chiếc xe chở tôn thời gian qua là một điển hình.

Thứ hai, xe chở hàng hóa quá nhiều, quá cao, người điều khiển xe chắc chắn sẽ bị hạn chế tầm nhìn, khó khăn trong bẻ lái, đạp phanh.

Đây đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông vì cản trở khả năng xử lý tình huống của người lái xe như lúc cần quẹo cua, tránh vượt, rẽ trái, rẽ phải chẳng hạn.

Chao đảo, không giữ được thăng bằng, không quan sát được người xung quanh, người lái chẳng những dễ bị tự té, ngã mà còn dễ va chạm với xe khác đến khi sự việc xảy ra vẫn “không thấy được” lỗi của mình.

Thứ ba, hàng hóa chất nhiều nhưng không chằng buộc chắc chắn. Thêm vào đó, khi di chuyển trên đường ngược gió, dằn, xóc, hàng hóa trên xe sẽ rơi vãi ra va vào xe cùng lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn.

Thật ra, khi thấy những chiếc xe chở hàng hóa cồng kềnh, chẳng những tôi quan ngại cho bản thân tôi, cho người cùng lưu thông mà còn lo lắng cho chính những con người đang “gồng mình” giữa đống hàng hóa ấy. Vì cuộc mưu sinh đôi khi con người ta phải “liều mình”.

Nhìn cảnh ông nhảy xuống, lấy hết sức mình kiềm chặt cổ chiếc xe lôi đạp, bước từng bước nặng nề đưa chiếc xe đang chằng buộc những tấm tôn, thanh sắt lên dốc cầu Cái Cá mà ai cũng không nỡ lòng trách cứ. Ông cũng ái ngại vì xe ngoặc cua là ôm trọn con đường lên cầu.

Ông quay sang cảm ơn tôi và một số người đã dừng lại để ông không gặp “chướng ngại” khi lên cầu. Đồng cảm là vậy! Nhưng nếu được phép nói lên chính kiến của mình, theo tôi dù bất cứ lý do, hoàn cảnh nào thì cũng không nên chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường- nhất là ở đô thị mật độ xe luôn đông đúc.

Dẫu biết rằng trong cuộc mưu sinh không có một nghề nào là dễ dàng. Và, để kiếm được đồng tiền không bao giờ là chuyện dễ. Nhưng, bất cứ ngành nghề nào cũng cần có sự an toàn.

Hãy chọn cho mình việc làm, cách làm không tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn cho mình, cho người. Không nên chở hàng hóa vượt giới hạn cho phép khi lưu thông trên đường!

NHƯ Ý