Cẩn trọng với bảng giá rẻ hơn bình thường

Cập nhật, 05:40, Thứ Năm, 06/02/2020 (GMT+7)

Hiện nay, để thu hút người mua, một số người bán hàng (nhất là mặt hàng trái cây) cố tình ghi giá của sản phẩm một cách rất mập mờ theo kiểu đậm số tiền nhưng mờ số ký bán.

Nếu không quan sát kỹ lưỡng, chúng ta cứ ngỡ sẽ mua được hàng rẻ hơn giá thị trường nhưng khi tính tiền mới phát hiện là bị “hớ”.

Chẳng hạn như: 15 k/1/2 ký (15.000 đ/0,5kg) nhưng 15k thì viết to, đậm, chữ màu đỏ; còn 1/2kg thì viết màu mực chìm hơn, liền sau, nhỏ xíu. Nếu không tinh mắt hoặc không cẩn thận hỏi trước, khách hàng sẽ dễ “mua một mà chỉ được nửa”.

Hoặc một số người bán chỉ treo giá của mặt hàng rẻ nhất khi vào mua thì được chỉ vào mớ trái cây đã bị loại, hàng dạt, héo hon,… muốn mua ngoài chỗ đó thì phải bỏ thêm tiền. Vì “ấn tượng” với mức giá “rẻ” này mà rất nhiều người ghé lại chọn mua.

Tuy nhiên, khi tính tiền, người bán lấy tiền gấp đôi thì người mua mới giật mình. Nếu xảy ra cự cãi, người bán mang tấm bảng ra làm bằng chứng. Nhìn kỹ lại, người mua “té ngửa” vì... mình đã không nhìn kỹ!

Thường xuyên đi chợ và biết được giá cả nên chị Nguyễn Hồng Hạnh (ngụ phường Trường An) thấy xe ổi bên lề đường treo bảng 10k thì cho là hợp lý (vì ngoài chợ, trên sạp tầm 12.000- 15.000 đ/kg) nên tấp vào mua.

Chị Hạnh lựa hơn ký ổi. Nhưng khi tính tiền, chị bán hàng bảo 25.000đ. Tưởng người bán tính nhầm, chị thắc mắc: “Ổi chỉ 10.000 đ/kg mà?”

Lúc này người bán chỉ vô biển “quảng cáo” bảo chị đọc lại. Chị nhìn kỹ mới thấy tấm bảng ghi ổi có giá 10k nhưng trên 1/2kg. Số 1/2kg được người bán ghi rất mờ và nhỏ. Lỡ mua rồi đành trả tiền, nhưng chị vẫn thấy ấm ức và xem đây là bài học để mình kỹ tính hơn cho những lần mua sau.

Ngoài những hình thức “thách thức ánh nhìn” của người bán hàng ở trên, không ít cửa hàng còn dùng chiêu “giật giá” bằng cách đề bảng giá rẻ, bán đồng giá, khuyến mãi, giảm giá sâu,...

Tuy nhiên, chẳng ai biết sản phẩm đó có giá thật là bao nhiêu để so sánh. Họ có thể tăng giá lên rồi hạ xuống, biết đâu giá khuyến mãi còn cao hơn giá gốc (?!)

Để không bị đánh lừa với các kiểu bán hàng này, thiết nghĩ người tiêu dùng nên quan sát kỹ bảng giá và hỏi giá trước khi mua. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên chọn những cửa hàng uy tín, đừng ham giá rẻ mà nhiều khi lại hóa ra… mắc.

NHƯ Ý